Niềm vui kép được mùa, được giá
"Sầu riêng Khánh Sơn đã vào mùa, giá lập đỉnh!". Nhận được điện thoại báo tin vui của ông Đỗ Nhi Huy - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, chúng tôi liền thu xếp lên Khánh Sơn để tìm hiểu thêm về vụ mùa sầu riêng năm nay. Gắn bó với cây sầu riêng đã lâu, ông Huy khẳng định: “Năm nay, sản lượng, giá bán sầu riêng Khánh Sơn cao chưa từng thấy”. Toàn huyện có khoảng 2.500ha sầu riêng, trong đó 1.200ha đang trong thời kỳ kinh doanh, cho thu hoạch. Dự kiến, tổng sản lượng năm nay đạt khoảng 15.000 tấn, tăng khoảng 4.000 tấn so với năm trước.
Nói rồi, ông Huy giới thiệu chúng tôi đến thăm một số nhà vườn ở các xã cánh tây, như: Sơn Bình, Sơn Lâm…, là những nơi tập trung nhiều diện tích sầu riêng của huyện. Tách quả sầu riêng vừa rụng, thơm lựng, ông Văn Tấn Đạt, ở thôn Liên Hòa (xã Sơn Bình) hào hứng: “Với 2ha sầu riêng đang trong thời kỳ kinh doanh, năm nay, tôi ước tính thu được khoảng 30 tấn. Sầu riêng đang trên cành, nhưng tôi đã ký hợp đồng với Doanh nghiệp Chánh Thu (tỉnh Bến Tre), bao tiêu toàn bộ với giá 77.000 đồng/kg sầu riêng Monthong. Chỉ tầm 10 ngày nữa là doanh nghiệp cho người đến thu hoạch”. Gia đình ông Đạt đến lập nghiệp ở vùng đất Sơn Bình hồi năm 1999, qua nhiều khó khăn, trồng nào bắp, mì, rồi cà phê. Nhưng từ khi cây sầu riêng bén rễ trên vùng cao Khánh Sơn, ông Đạt quyết định chuyển đổi toàn bộ diện tích sang trồng loại cây đặc sản này. Ra sức học hỏi kinh nghiệm, chăm chút, rồi “sỏi đá cũng thành cơm”. Cuộc sống gia đình ông trở nên khấm khá, xây được căn nhà bề thế, với đầy đủ tiện nghi…, tất cả nhờ vào cây sầu riêng.
Chúng tôi đến xã Sơn Lâm, nơi có hơn 800ha sầu riêng, trong đó 400ha đang cho thu hoạch. Theo ước tính của ông Trịnh Đình Ba - Chủ tịch UBND xã Sơn Lâm, năm nay các nhà vườn trong xã thu hoạch khoảng 4.000 tấn. Đến thời điểm này, gần như các nhà vườn lớn đều đã chốt giá bán, nhận cọc của các thương lái thu mua. “Có 2 cách bán, một là bán xô, tức là thương lái sẽ thu mua toàn bộ sầu riêng trong vườn, chỉ trừ quả hỏng. Những vườn đẹp đã chốt giá bán lên đến 80.000 đồng/kg đối với sầu riêng Monthong, giá sầu riêng Ri 6, Chín Hóa thì thấp hơn. Cách nữa là thu mua theo loại, sầu riêng Monthong loại 1 đã chốt giá 95.000 đồng/kg, loại 2 là 75.000 đồng/kg, loại 3 là 60.000 đồng/kg”, ông Ba chia sẻ.
Rong ruổi thăm các nhà vườn trồng sầu riêng ở Khánh Sơn, ở đâu chúng tôi cũng nghe người trồng nói với nhau chuyện sầu riêng tăng giá từng ngày. Ánh mắt của các chủ vườn lấp lánh niềm vui sầu riêng được mùa, được giá. Cũng có một vài chủ vườn tỏ ra tiếc nuối khi lỡ chốt giá bán sớm, cách nay chừng 30 ngày, khi ấy chỉ 60.000 đồng/kg sầu riêng Monthong.
Giá cao nhờ mã số vùng trồng
Để tìm hiểu về việc thu mua, chúng tôi tìm đến vựa Ánh Tuyết (xã Sơn Bình), khi hàng chục lao động lấm lem mồ hôi tất bật với việc nhập - xuất sầu riêng. “Mỗi ngày, vựa thu vào từ 20 đến 30 tấn sầu riêng. Có sầu riêng người dân chở đến bán, có cả của vựa thu mua tận vườn rồi thuê người cắt hoặc các thương lái thu mua tại các vườn rồi nhập cho vựa”, bà Ánh Tuyết, chủ vựa chia sẻ. Theo bà Tuyết, giá sầu riêng từ đầu vụ đến nay liên tục tăng, đạt mức cao nhất từ trước đến nay là nhờ sản phẩm đã xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc.
Tương tự, ông Đào Văn Yến - một chủ vựa thu mua sầu riêng lớn tại xã Sơn Bình khẳng định: “Việc nhiều nhà vườn được cấp mã số vùng trồng đã đưa sầu riêng của Khánh Sơn xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc mà không cần qua nhiều trung gian. Điều này giúp cho giá sầu riêng tăng lên. Đồng thời, thị trường tỷ dân cũng rất ưa chuộng sầu riêng Khánh Sơn nhờ chất lượng đã được khẳng định". Ngoài ra, thông tin chủ vựa này nắm được là năm nay, sầu riêng của một số nước trong khu vực, như: Thái Lan, Malaysia mất mùa nên có nhiều thương lái Trung Quốc tìm sang Việt Nam để thu mua xuất khẩu, đẩy giá sầu riêng lên cao.
Trở lại câu chuyện với ông Đỗ Nhi Huy, ông vui mừng nói với chúng tôi, mới đây, Khánh Sơn đã có thêm 2 đơn vị được cấp mã số vùng trồng sầu riêng để xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, gồm: 10ha của Hợp tác xã Điền Thanh (xã Sơn Hiệp) và 24,9ha của Tổ hợp tác sầu riêng Bảy Hổ Khánh Sơn (xã Sơn Lâm). Như vậy, đến nay, toàn huyện đã có 6 tổ chức, cá nhân sản xuất, đóng gói sầu riêng được phê duyệt mã số xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc (mã số vùng trồng), với tổng diện tích 179,9ha. Ngoài ra, hàng chục hồ sơ khác cũng đã được gửi đề nghị cấp mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu chính ngạch.
Xuất khẩu sầu riêng chính ngạch đã mang lại giá trị cao, nhiều nhà vườn trên địa bàn Khánh Sơn đã quan tâm tìm hiểu các quy định, thủ tục đăng ký cấp mã số vùng trồng. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã tập trung hướng dẫn nông dân các quy định về cấp, quản lý mã số vùng trồng; tiếp tục rà soát, kiện toàn, thành lập mới các hợp tác xã, tổ hợp tác để hoàn thành các tiêu chí đề nghị cấp mã số vùng trồng sầu riêng trên địa bàn. “Để xuất khẩu sầu riêng chính ngạch được bền vững, giữ được uy tín thương hiệu, các vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được cấp mã số phải tuân thủ đúng quy định, nhất là đảm bảo về hồ sơ, thủ tục, tuân thủ công tác giám sát định kỳ và đột xuất; đảm bảo điều kiện kiểm soát vi sinh vật gây hại ở mức độ thấp, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo quy định của nước nhập khẩu…”, ông Huy khuyến cáo.
Đưa hương sầu riêng bay xa
Nghe có nhà báo từ dưới xuôi lên, ông Nguyễn Văn Nhuận - Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn gọi điện thoại, mời chúng tôi ghé thăm. Mở hộp sầu riêng sấy khô, kem sầu riêng mời chúng tôi dùng thử, ông Nhuận cho biết, đây đều là sản phẩm sầu riêng chế biến sâu của doanh nghiệp địa phương. Cũng như sầu riêng tươi, các sản phẩm này đều giữ được hương vị đặc biệt của trái sầu riêng Khánh Sơn - đã được chứng nhận Thương hiệu vàng nông sản Việt Nam.
Nói rồi, ông Nhuận kể cho chúng tôi nghe về cơ duyên cây sầu riêng đến với mảnh đất Khánh Sơn. Cách nay chừng hơn 30 năm, một người dân địa phương mang cây sầu riêng hạt từ Đắk Lắk về trồng thử, ăn chơi. Từ những cây sầu riêng hạt ấy, nhiều người đến xin giống, mua giống về trồng trong vườn nhà. Từ đó, cây sầu riêng lan ra nhiều địa phương trong huyện. Đến năm 1999, UBND tỉnh hỗ trợ địa phương mô hình cây ăn quả hỗn giao, với 2.500 cây sầu riêng Monthong được đưa về trồng ở Khánh Sơn. Từ đó, cây sầu riêng đã bén rễ, trở thành cây ăn trái đặc sản của địa phương. Sầu riêng đã trở thành loại cây trồng chủ lực trong mũi nhọn phát triển kinh tế nông nghiệp của huyện.
Khi được hỏi địa phương có định hướng gì để phát triển loại cây đặc sản này, ông Nhuận cho biết: “Huyện đã có Đề án chuyển đổi, phát triển ngành nông nghiệp, trong đó trọng tâm là phát triển cây ăn quả, chủ lực là cây sầu riêng”. Trong định hướng của mình, địa phương xác định, với cây sầu riêng sẽ chuyển từ tư duy “sản xuất nông nghiệp” sang tư duy “kinh tế nông nghiệp”; các sản phẩm từ sầu riêng sẽ phát triển đa dạng theo chuỗi giá trị, phù hợp với yêu cầu của thị trường; chú trọng ứng dụng công nghệ cao, sinh thái để phát triển bền vững. Bên cạnh đó, huyện tập trung xây dựng chuỗi giá trị cho sản phẩm sầu riêng; xây dựng thương hiệu sản phẩm đặc trưng theo Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), hoàn thiện tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về mã số vùng trồng, bao bì nhãn mác gắn với truy xuất nguồn gốc để xuất khẩu chính ngạch… Đến nay, ngoài việc chú trọng phát triển các mã số vùng trồng để xuất khẩu sầu riêng chính ngạch, Khánh Sơn còn phát triển được 480ha sầu riêng đạt chứng nhận VietGAP; có 16 sản phẩm sầu riêng tươi, sầu riêng cấp đông và sầu riêng sấy khô đã đạt sao OCOP… Qua đó, đã góp phần gia tăng giá trị sản phẩm, từng bước phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững.
Chúng tôi rời thung lũng Tô Hạp khi chiều dần buông. Trong hành trang về xuôi không quên mang theo vài quả sầu riêng Khánh Sơn để làm quà cho người thân. Trên đường về, hàng chục chuyến xe vẫn ngược xuôi đến với miền non cao này, để mang hương sầu riêng Khánh Sơn bay xa!