Chùa Tây Phương, thuộc xã Thạch Xá (Thạch Thất, Hà Nội). Ảnh IT
Ca dao xưa còn ghi lại cảnh nô nức đến chùa như sau:
Nhớ ngày mồng sáu tháng ba
Ăn cơm với cà trẩy hội chùa Tây.
Chùa Tây Phương thuộc thôn Yên, xã Thạch Xá (huyện Thạch Thất, Hà Nội) là một kiến trúc độc đáo của dân tộc ta. Với 64 pho tượng bằng gỗ mít sơn son thiếp vàng và 18 pho tượng La Hán là đỉnh cao của nghệ thuật điêu khắc, ngôi chùa này không chỉ là một chứng tích lịch sử mà còn là một di tích văn hóa nghệ thuật tôn giáo quý giá của cả đất nước.
Chùa Tây Phương có nét đẹp cổ kính và kiến trúc độc đáo. Ảnh IT
Cách trung tâm Hà Nội khoảng 30km, chùa Tây Phương có tên chữ là Sùng Phúc tự nằm trên ngọn núi Câu Lâu cao 100m trong quần thể chùa Thanh Am và chùa Quan Âm. Từ chân núi lên đến cổng chùa là 237 bậc đá ong, 2 bên đường là những bụi tre cao vút, cây cối xanh mát quanh năm và những nếp nhà giản dị được xây bằng đá ong của người dân vẫn còn được lưu giữ.
Khắp chùa chỗ nào có gỗ là có chạm trổ. Các đầu bẩy, các bức cổn, xà nách, ván long... đều có chạm trổ đề tài trang trí quen thuộc của dân tộc Việt: hình lá dâu, lá đề, hoa sen, hoa cúc, rồng, phượng, hổ phù... rất tinh xảo được tạo ra dưới bàn tay thợ tài hoa của các nghệ nhân làng mộc ngay trong vùng Tổng Nủa, làng truyền thống Chàng Sơn - làng nghề mộc lâu đời và nổi tiếng của xứ Đoài.
Chùa Tây Phương còn ẩn chứa trong đó những giá trị lịch sử và văn hóa truyền thống của người Việt cổ mà biểu hiện rõ nhất là ở hệ thống kiến trúc, hệ thống tượng pháp trong chùa cùng với các nghi lễ chính tôn nghiêm diễn ra trong dịp lễ hội hằng năm.
Trước ngày hội chính, chuẩn bị để đón khách thập phương trẩy hội. Ảnh IT
Các cụ già vận trang phục truyền thống đi thắp hương khấn Phật và trẩy hội. Ảnh IT
Có lẽ bạn khó tìm thấy lễ hội nào còn giữ được nhiều nét xưa như ở các lễ hội khu vực Hà Tây cũ. Vẫn còn đó cụ già răng đen áo gấm bỏm bẻm nhai trầu, những ngôi nhà ngói vẩy rồng khuất sau những tán cây. Và có đến chùa Tây Phương, bạn mới thấy người dân nơi đây vẫn còn giữ nhiều nét sinh hoạt truyền thống đặc trưng của người nông dân bắc bộ.
237 bậc đá ong lên chùa. Ảnh IT
Những nghề truyền thống cũng được người dân đem tới hội. (Trong ảnh: Nghề đan quạt ). Ảnh IT