dd/mm/yyyy

Học nghề xong, hàng nghìn hộ nông dân thành hộ sản xuất giỏi

Thực hiện đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT), những năm qua, các cấp Hội Nông dân (ND) đã triển khai nhiều mô hình đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho hội viên và nông dân.

Nhờ tổ chức các lớp học đa dạng, sát với nhu cầu nên nhiều người sau khi tham gia các khóa học đã ứng dụng ngay kiến thức vào sản xuất, qua đó tăng thu nhập và trở thành hộ sản xuất kinh doanh khá, giỏi.

Học nghề xong, mạnh dạn làm ăn lớn

Thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đào tạo nghề cho LĐNT đến năm 2020, Thường trực Trung ương Hội NDVN đã quán triệt việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ được phân công đối với Hội ND, đồng thời hướng dẫn Hội ND các tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện các nhiệm vụ đào tạo nghề gắn với tạo việc làm cho LĐNT trên địa bàn.

Nông dân huyện Đông Triều (Quảng Ninh) tham gia lớp đào tạo nghề trồng nấm rơm. Ảnh: I.T
Nông dân huyện Đông Triều (Quảng Ninh) tham gia lớp đào tạo nghề trồng nấm rơm. Ảnh: I.T

Đến nay, cả nước đã có 63/63 Hội nông dân các tỉnh, thành phố và 100% Hội ND các huyện cử lãnh đạo tham gia Ban Chỉ đạo thực hiện Quyết định số 1956.

Hội NDVN đã triển khai hỗ trợ vốn tín dụng ưu đãi cho người học nghề thông qua Quỹ Hỗ trợ ND, với tổng nguồn khoảng trên 2.000 tỷ đồng; phối hợp Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng NN&PTNT để tín chấp cho người học vay vốn sản xuất; phối hợp với các doanh nghiệp để bảo lãnh mua vật tư, phân bón trả chậm cho người học nghề…

Theo báo cáo mới đây của Bộ LĐTB&XH, trong 6 năm (2010-2015), các cấp Hội ND đã tổ chức hoặc phối hợp tổ chức đào tạo nghề cho 362.000 LĐNT, trong đó trực tiếp đào tạo nghề cho 112.000 người; phối hợp với các tổ chức khác để đào tạo nghề cho 250.000 người.

Kết quả đánh giá, rà soát cho thấy có 261.000 LĐNT tiếp tục làm nghề cũ nhưng năng suất lao động, thu nhập tăng lên sau học nghề (chủ yếu là những người học nghề nông nghiệp), chiếm 72,1%; có 7.746 người đã thành lập tổ nhóm sản xuất, HTX, doanh nghiệp (chủ yếu số người học nghề phi nông nghiệp), chiếm 2,14%.

Đặc biệt, có 125.614 LĐNT sau khi học nghề đã được công nhận đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp (từ cấp Hội ND xã đến cấp T.Ư Hội), chiếm 34,7%.

Năm 2016 là năm đầu tiên thực hiện đào tạo nghề gắn với xây dựng nông thôn mới, các cấp Hội ND đã triển khai nhân rộng các mô hình đào tạo nghề có hiệu quả gắn với mô hình sản xuất kinh doanh giỏi. Đã có sự tham gia của 35 cơ sở, tổ chức đào tạo cho gần 10.000 LĐNT với 17 nghề và 250 mô hình hiệu quả. Đồng thời tổ chức đào tạo cho 670 người khuyết tật gắn với giải quyết việc làm tại chỗ.

Năm 2017, các cấp hội tiếp tục thực hiện nhân rộng mô hình đào tạo nghề gắn với mô hình sản xuất kinh doanh giỏi cho gần 2.000 người, mục tiêu là đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, tăng thu nhập thực tế cho LĐNT, đảm bảo thực hiện tốt mục tiêu trang bị kiến thức và kỹ năng nghề phù hợp cho các đối tượng học nghề. Đánh giá sơ bộ, qua học nghề, nông dân đã mạnh dạn tăng quy mô sản xuất, tăng thu nhập, phấn đấu vươn lên để trở thành các hộ sản xuất kinh doanh khá, giỏi, thậm chí thành lập mô hình doanh nghiệp và hỗ trợ cho các hộ nông dân trên cùng địa bàn.

Đào tạo nghề gắn chặt tạo việc làm

Theo đánh giá của Tổng cục Nghề nghiệp (Bộ LĐTB&XH), công tác đào tạo nghề cho LĐNT của Hội NDVN được thực hiện theo hướng gắn chặt với hoạt động tạo việc làm, do đó 85% LĐNT sau học nghề có việc làm ổn định, tăng thu nhập.

Dạy nghề trồng nấm cho lao động nông thôn tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: I.T

Một đặc trưng chỉ có ở các lớp học nghề do Hội ND tổ chức, đó là gắn đào tạo nghề với các mô hình nông dân sản xuất kinh doanh giỏi. Các mô hình này sát với nhu cầu thực tế nên học viên hào hứng tham gia, nhiều người sau khi học đã mạnh dạn đầu tư sản xuất ngành nghề, tạo việc làm cho các lao động khác.

Ở nhiều tỉnh như Hải Dương, Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Thừa Thiên – Huế, Bình Định, các cấp Hội đã xây dựng và nhân rộng các mô hình đào tạo nghề nông nghiệp có hiệu quả như: Nuôi trồng thủy, hải sản, chăn nuôi gà thả vườn, chăn nuôi đại gia súc, kỹ thuật trồng lúa năng suất cao, ươm giống cây lâm nghiệp, kỹ thuật chăn nuôi và phòng chống dịch bệnh cho gia cầm, kỹ thuật nuôi lợn, bảo vệ thực vật, nghề trồng hoa cây cảnh…

Hay các nghề phi nông nghiệp như: May công nghiệp, may dân dụng, chế biến nông sản, chế biến thủy hải sản, đào tạo nghề hàn để phục vụ cho xuất khẩu lao động, chế tác đá mỹ nghệ, mây tre đan, sửa chữa máy nông nghiệp…

Nhu cầu học nghề ngày càng cao

Cũng theo đánh giá của Tổng cục Nghề nghiệp, qua 8 năm triển khai thực hiện đề án đào tạo nghề cho LĐNT theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg và thực hiện chương trình phối hợp giữa Hội ND và Bộ LĐTB&XH cho thấy, các cấp của ngành LĐTB&XH và các cấp Hội ND đã phối hợp chặt chẽ, triển khai đồng bộ, có hiệu quả các nội dung phối hợp, nhất là công tác đào tạo nghề cho LĐNT.

“Thực tế cho thấy, nhu cầu học nghề và số LĐNT đăng ký học nghề tại các cơ sở đào tạo nghề của Hội tăng đều qua các năm; bước đầu LĐNT đã có sự nhận thức sâu sắc hơn về học nghề để mưu sinh, để phát triển sản xuất, để tìm được việc làm, học theo nhu cầu của bản thân, gia đình và của xã hội” – ông Trương Anh Dũng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Nghề nghiệp cho biết.

Ông Dũng cho rằng, thời gian tới, các cấp Hội ND cần tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tư vấn, hướng nghiệp và giải quyết việc làm cho nông dân; Bộ LĐTB&XH tạo điều kiện để Hội NDVN chủ trì, tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền, vận động nông dân tham gia học nghề; tư vấn miễn phí về việc làm, thành lập doanh nghiệp, trang trại và cơ sở sản xuất, kinh doanh; xây dựng và nâng cao năng lực của các cơ sở dạy nghề thuộc hệ thống Hội NDVN...

Tăng năng lực cán bộ Hội về hướng dẫn sản xuất
Công tác đào tạo nghề gắn với tạo việc làm cho LĐNT của Hội ND vẫn còn một số hạn chế, nhìn chung chưa hoàn thành mục tiêu và kế hoạch đề ra. Trong 6 năm (2010-2015), số LĐNT học nghề mới đạt khoảng 68% kế hoạch; việc triển khai đào tạo nghề trình độ trung cấp đạt thấp.
Trong 2 năm 2016-2017 mới triển khai nhân rộng các mô hình đào tạo nghề có hiệu quả tại một số địa phương, số lượng còn hạn chế. Năng lực của cán bộ Hội ND còn hạn chế, nhất là trong việc hướng dẫn phát triển các mô hình kinh tế gắn với yêu cầu đào tạo nghề cho người nông dân; việc hướng dẫn nông dân tham gia các hình thức kinh tế tập thể, hợp tác, liên kết trong sản xuất, kinh doanh chưa nhiều…

 

Thiên Hương