Hội Nông dân tỉnh Hòa Bình tôn vinh 93 nông dân xuất sắc
Dự Hội nghị có ông Đinh Công Sứ, Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình; ông Lê Văn Thạch, Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hòa Bình; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành; các huyện, thành phố và 93 nông dân xuất sắc trong sản xuất, kinh doanh giai đoạn 2021-2023.
Tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Hương Hải, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh Hòa Bình đã trình bày báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững" giai đoạn 2021 - 2023.
Trong giai đoạn 2021 - 2023, mặc dù điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh còn không ít khó khăn, thách thức, nhất là ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 đến sản xuất và đời sống của nông dân, nhưng dưới sự lãnh đạo của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy Hòa Bình, sự quan tâm tạo điều kiện của UBND tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn tỉnh; phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững" của các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã phát triển mạnh cả chiều rộng và chiều sâu, có sức lan tỏa lớn trong các cấp Hội, được cán bộ, hội viên, nông dân hưởng ứng tham gia tích cực.
Theo đó, hàng năm, các cấp Hội phát động phong trào và vận động hội viên nông dân đăng ký hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp; bình quân hàng năm, có 67.273 hộ đăng ký hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, chiếm 51,4% so với tổng số hộ hội viên nông dân trong tỉnh, có trên 36.000 hộ được công nhận đạt danh hiệu ở các cấp từ Trung ương đến cơ sở chiếm 53,4% hộ đăng ký.
Nhiều hộ nông dân đã phát huy được tính chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn đầu tư nhà xưởng, chuồng trại, máy nông nghiệp phục vụ sản xuất, tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Qua đó đã xuất hiện những tấm gương tiêu biểu, xuất sắc được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam biểu dương, trao tặng danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc". Hỗ trợ hội viên nông dân vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân với số tiền 53,27 tỷ đồng cho trên 1.500 lượt hộ nông dân vay thực hiện các dự án, mô hình phát triển sản xuất đạt hiệu quả cao; tín chấp 5.836 tấn phân bón, 1.553 tấn thức ăn chăn nuôi, 33 tấn thuốc bảo vệ thực vật, 496 tấn giống các loại; phối hợp tổ chức 200 lớp đào tạo nghề cho 6.404 lao động nông thôn; tổ chức 746 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hơn 42.554 lượt hội viên, nông dân tham gia.
Để giúp hội viên, nông dân thực hiện hiệu quả phong trào, các cấp Hội đã phối hợp với ngành chức năng thực hiện tốt công tác tín chấp, hỗ trợ giúp nông dân về vốn, khoa học kỹ thuật, giống, vật tư nông nghiệp tạo mọi điều kiện thuận lợi để nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Phối hợp với các Ngân hàng tín chấp cho nông dân vay vốn, đến nay mức dư nợ đạt 3.794,345 tỷ đồng thông qua 1.640 tổ vay vốn cho 51.819 lượt hộ vay.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, ông Đinh Công Sứ, Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình đã thay mặt UBND tỉnh Hòa Bình biểu dương và ghi nhận những thành quả tích cực mà tổ chức Hội và hội viên nông dân tỉnh đã đạt được trong thời gian qua.
Theo ông Sứ, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác Hội và phong trào nông dân vẫn còn những hạn chế, bất cập như: Công tác tham gia xây dựng chính sách, giám sát và phản biện xã hội của các cấp Hội còn chưa hiệu quả. Việc xây dựng các mô hình kinh tế tập thể trong nông nghiệp chưa được bền vững. Năng suất, chất lượng, hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp còn thấp. Tình trạng nông dân đi làm ăn xa, rời bỏ nông thôn, thiếu hợp tác trong sản xuất, liên doanh, liên kết...
Để khắc phục những hạn chế, bất cập trên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình yêu cầu trong thời gian tới, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh cần tiếp tục nghiên cứu và đề ra những nhiệm vụ giải pháp thiết thực, phù hợp với tình hình thực tế.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình đề nghị các cấp Hội Nông dân trong tỉnh tiếp tục quán triệt và thực hiện có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Các cấp Hội, người đứng đầu tổ chức Hội các cấp phải trực tiếp chỉ đạo, tổ chức các phong trào thi đua, bảo đảm thiết thực, hiệu quả, hướng công tác thi đua vào thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm công tác Hội và phong trào nông dân.
Thực hiện có hiệu quả Đề án số 01-ĐA/TU ngày 6/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Nông dân các cấp trong xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, tham gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. Các hội viên nông dân cần tích cực tham gia thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; tham gia các hình thức kinh tế tập thể, liên kết với doanh nghiệp xây dựng mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị.
Hội Nông dân tỉnh tiếp tục tổ chức các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ, dạy nghề, giải quyết việc làm cho nông dân. Tạo điều kiện cho nông dân phát huy vai trò chủ thể của mình trong sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Nông dân cần phát huy tính sáng tạo trong việc nghiên cứu, sáng chế, phát minh ra những máy móc, thiết bị, nông cụ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp...
Tại Hội nghị, Ban Thi đua khen thưởng của tỉnh đã công bố quyết định khen thưởng của UBND tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021 - 2023 cho 93 nông dân có thành tích xuất sắc trong sản xuất, kinh doanh.
Trước khi kết thúc Hội nghị, ông Bùi Đức Biên, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hòa Bình đã phát động phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững" giai đoạn 2023 - 2025.
Theo đó, trong giai đoạn 2023 - 2025, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh tiếp tục làm chuyển biến nhận thức của cán bộ, hội viên nông dân về tư duy sản xuất, lấy hiệu quả về giá trị lợi nhuận, sản xuất gắn với thị trường, nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm an toàn có sức cạnh tranh cao.
Gắn phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi với phong trào xây dựng nông thôn mới và thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Các cấp Hội chú trọng đẩy mạnh phát triển phong trào ở các huyện khó khăn, xã nghèo nơi có nhiều đồng bào dân tộc, người nghèo, vùng sâu, vùng xa.
Hàng năm có từ 60% số hộ nông dân trở lên đăng ký phấn đấu và có từ 50% số hộ đăng ký trở lên đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Mỗi huyện, thành phố hỗ trợ xây dựng và duy trì ít nhất 1 cửa hàng nông sản an toàn để kinh doanh, dịch vụ, kết nối tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn, hữu cơ, OCOP... cho hội viên, nông dân...