Tái đàn giữa “bão” dịch và cái kết đắng
Dù địa phương đã công bố có DTLCP, nhưng ông N.V.V ở xã Việt Long, huyện Sóc Sơn (Hà Nội) vẫn cố liều mua khoảng 3.000 con lợn thịt bên ngoài đưa về trại nuôi gột chờ thời cơ xuất bán. Điều đáng nói là trang trại này nằm cách trụ sở xã có vài trăm mét nhưng chính quyền không nắm được sự việc, cho đến khi hộ này bị dịch tấn công mới xử lý.
Theo tiết lộ của vị chủ trang trại này, dù biết địa phương đã công bố xuất hiện DTLCP, song do nhu cầu tái đàn nên ngày 29/4, ông V. vẫn tiến hành thu mua khoảng 3.000 con lợn nuôi, gột.
Sau khi mua thêm lợn, tổng đàn thương phẩm của ông V. đã tăng lên trên 5.000 con. Tuy nhiên, sau khi tái đàn khoảng gần 1 tháng thì một số con có dấu hiệu bị ốm, ông V. tiến hành cứu chữa nhưng không khỏi. Đến ngày 26/5, ông V. gọi điện báo thú y xã xuống kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm mới phát hiện đàn vật nuôi của mình đã bị dương tính với DTLCP.
Ông Nguyễn Công Thép, cán bộ thú y xã Việt Long cho hay: “Đây là hành vi vi phạm quy định của nhà nước về phòng, chống DTLCP. Dù thời điểm đó, ông V. có nhận lỗi và bảo do thiếu kiến thức, kinh nghiệm nên đã vội tái đàn nhưng chúng tôi không chấp nhận chỉ kiểm đếm và cân hơn 2.000 con, số lợn còn lại không được tính hỗ trợ. Ngay sau đó, đoàn công tác đã vào cuộc điều tra, ông V. bị xử phạt 8 triệu đồng về hành vi vi phạm trên”.
Nói thêm về việc quản lý đàn vật nuôi tại địa bàn, ông Nguyễn Ngọc Chuyền - Chủ tịch UBND xã Việt Long cho biết, sau khi có dịch, xã đã tuyên truyền và làm rất quyết liệt công tác phòng, chống dịch bệnh nhưng vẫn không ngăn chặn được dịch bệnh lây lan.
“Chúng tôi đã liên tục tuyên truyền, vận động và đưa ra các chế tài xử lý các vi phạm về tái đàn nhưng do là xã công bố dịch bệnh cuối cùng của huyện nên Việt Long không lập chốt kiểm dịch động vật, vì thế khi ông V. tự phát tái đàn chúng tôi không nắm được” - ông Thép phân trần.
Không chỉ ở Hà Nội, nhiều nơi ở Ninh Bình chúng tôi cũng ghi nhận người dân tự ý tái đàn khi vừa mới bị dịch tả tấn công. Điển hình như trang trại của gia đình ông Nguyễn Văn Tề ở Yên Khánh, dù mới bị thiệt hại cả đàn lợn trị giá hàng tỷ đồng nhưng sau đó mấy hôm người con trai của ông đã tự ý đưa hàng chục con lợn nái, thịt ở nơi khác về nuôi.
Cần giải pháp lâu dài
Trao đổi với PV, ông Trần Văn Chiến - Giám đốc HTX Chăn nuôi và dịch vụ Cổ Đông, TX Sơn Tây (Hà Nội) cho rằng: Sau liên tiếp các đợt dịch bệnh, “khủng hoảng giá” và giờ tiếp tục đối mặt với dịch tả lợn châu Phi, người chăn nuôi Việt Nam, đặc biệt là các nông hộ nuôi lợn đã thực sự “trắng tay”.
Nói về giải pháp giúp ngành chăn nuôi thoát khỏi “khủng hoảng”, ông Chiến cho hay: Trong đợt dịch này, nhà nước đã rất kịp thời trong việc đưa ra các chính sách hỗ trợ cho người chăn nuôi, đặc biệt là hỗ trợ sau tiêu hủy rất đúng và nhân văn. Tuy nhiên, theo tôi, ngoài các tỉnh, thành chủ động được ngân sách hỗ trợ thì Chính phủ cần sớm cấp kinh phí để các địa phương hỗ trợ cho bà con nhanh hơn.
“Nếu chậm hỗ trợ ngày nào, bà con sẽ càng khó khăn, cùng cực hơn thêm ngày đó”, ông Chiến khẳng định.
Bên cạnh việc chi trả hỗ trợ, hướng dẫn bà con khử trùng chuồng trại, tái đàn sau khi hết dịch, ông Chiến lưu ý Bộ NNPTNT và các địa phương cũng cần có giải pháp lâu dài hơn giúp bà con chuyển đổi sang chăn nuôi vật nuôi khác như bò, gà, đà điểu... để có thu nhập trong thời gian chờ tái đàn lợn trở lại.
“Riêng ở Sơn Tây, tôi đang tham mưu cho các các cấp chính quyền ở đây chuyển hướng sang chăn nuôi bò, đà điều, gà và hỗ trợ đầu ra, thị trường để bà con ổn định sản xuất” - ông Chiến tiết lộ.
Cũng theo ông Chiến, sau đợt dịch này chăn nuôi nông hộ gần như đã bị “tiêu diệt” hết, người được hưởng lợi cuối cùng chỉ còn lại các công ty, tập đoàn chăn nuôi FDI. “Đây là thực trạng tôi đã có cảnh báo nhiều năm nay, một khi ngành chăn nuôi không làm tốt vai trò của mình trong quản lý, điều hành, điều tiết... thì việc rơi vào tay các công ty, tập đoàn chăn nuôi nước ngoài là điều tất yếu.
Nếu sắp tới không cẩn thận, không chỉ ngành chăn nuôi lợn mà người tiêu dùng chúng ta cũng sẽ bị các công ty này thao túng về giá thậm chí người dân sẽ buộc phải mua ăn sản phẩm nhập, sản phẩm thịt lợn có giá đắt lên đến trên 140.000 đồng/kg và cao hơn cũng phải chịu” - ông Chiến cảnh báo.
Để khắc phục thực trạng trên, ông Chiến cho rằng: Chính phủ, cùng Bộ NNPTNT và các bộ ngành liên quan cần sớm quy hoạch chăn nuôi tập trung theo vùng, chăn nuôi an toàn dịch bệnh.
“Hiện nay trên bản đồ của chúng ta chưa có phân định rõ vùng chăn nuôi lợn, vùng chăn nuôi gà... mà mọi thứ vẫn buông lỏng, nhất là chăn nuôi lợn vẫn theo kiểu truyền thống mạnh ai nấy làm nên sắp tới chúng ta cần phải làm rõ và giải quyết được điều này. Ngoài ra, nhà nước cũng phải đứng ra để điều tiết và tạo liên kết chuỗi giữa nông hộ với doanh nghiệp, công ty chăn nuôi FDI thì ngành chăn nuôi nước ta mới thoát được phụ thuộc và người dân có thể hưởng lợi bền vững” - ông Chiến nhấn mạnh.