Để làm ra hạt gạo, người nông dân Việt đã tốn biết bao công sức từ lúc gieo sạ đến khâu chăm sóc thu hoạch... Không biết bao nhiêu giọt mồ hôi trên khuôn mặt rám nắng của người nông dân đã rơi trên cánh đồng nắng cháy, để làm ra những hạt gạo trắng tinh.
Để làm ra hạt gạo, người nông dân Việt bỏ ra nhiều công sức
“Một nắng hai sương” là vậy nhưng giá trị kinh tế từ hạt gạo đem lại cho người sản xuất thì chưa tương xứng.
Hiện Việt Nam là nước xuất khẩu gạo lớn thứ 2 trên thế giới. Tuy nhiên hạt gạo Việt đang phải chịu sự cạnh tranh lớn trên thị trường thế giới. Những điểm yếu do cơ chế, phương thức canh tác, thời tiết thay đổi... đã khiến hạt gạo Việt kém sức cạnh tranh. Việt Nam chưa có một thương hiệu gạo đủ tầm để cạnh tranh với hạt gạo các nước khác.
Mới đây tại Hội nghị giải pháp phát triển bền vững ngành hàng lúa gạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo: “Phải đưa gạo Việt Nam lên đẳng cấp mới”.
Hi vọng với sự chỉ đạo của người đứng đầu Chính phủ và sự vào cuộc của các bộ ngành, hạt gạo Việt sẽ từng bước khẳng định được vị thế của mình trên thị trường thế giới để những người nông dân không chỉ ấm no mà còn có thể làm giàu với hạt gạo.
Những giọt mồ hôi trên khuôn mặt rám nắng của người nông dân rơi xuống cánh đồng bỏng cháy để làm ra hạt gạo trắng tinh.
Khi thời tiết không thuận lợi thì công sức họ bỏ ra còn gấp bội.
Vượt qua dòng nước để đưa hạt gạo lên bờ.
Do phương thức canh tác lạc hậu đã khiến hạt gạo Việt giảm sức cạnh tranh trên thị trường thế giới.
Máy móc hiện đại đã từng bước được đưa vào đồng ruộng.
Tuy nhiên một số nơi do cách làm cũ, diện tích của đám ruộng nhỏ nên chưa phát huy hết được công năng của máy móc
Nhờ áp dụng máy móc mà tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch giảm và một số công đoạn sẽ được lược bỏ.
Hạt gạo được đưa vào nhà máy để xay xát.
Sau đó gạo được đóng vào bao tải.
Gạo được tập kết trong kho trước khi được vận chuyển xuống thuyền đưa ra thị trường.
Tất cả các công đoạn đều được làm bằng máy móc.