Thực hiện bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới và vận dụng sáng tạo về xây dựng và phát triển văn hoá, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang đã chủ động tham mưu, ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn công tác xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, trong đó chú trọng đến xây dựng đời sống văn hóa, lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc.
Tính đến hết 2019, bên cạnh các tiêu chí về kinh tế, thu nhập người dân, Hà Giang cũng đã có 92/177 xã hoàn thành tiêu chí văn hóa; 130/195 nhà văn hóa; tỷ lệ thôn, tổ có nhà văn hóa, nơi sinh hoạt văn hóa thể thao phục vụ cộng đồng là 59,5% (1.233/2.071 thôn).
Ông Nguyễn Hồng Hải - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang cho biết: Để thực hiện chương trình xây dựng NTM có hiệu quả, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã cụ thể hóa các nội dung tiêu chí bằng việc ban hành văn bản, hướng dẫn các huyện, thành phố triển khai tới cơ sở. Vận dụng tiêu chí theo vùng núi cao, thôn, xã đặc biệt khó khăn, phù hợp với điều kiện địa lý và đời sống sinh hoạt của người dân.
Việc đẩy mạnh các hoạt động văn hóa cơ sở đã góp phần nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của các tầng lớp nhân dân.
Theo đó các nhà văn hóa, câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ là nơi lưu giữ phát triển những nét văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc vùng cao nguyên đá. Nhiều lễ hội tiêu biểu được giữ gìn và phát huy như: Lễ hội Gầu tào của dân tộc Mông, Lễ Cấp sắc dân tộc Dao, Lễ Lồng tồng dân tộc Tày; hát Lướn, múa Ngựa giấy dân tộc Nùng (huyện Xín Mần), Lễ Cầu Mùa của người Dao đỏ (huyện Bắc Mê)…
Ông Hoàng Đức Hưởng, Trưởng phòng VHTT&DL huyện Bắc Mê chia sẻ: Nhằm giữ gìn và phát huy nét đẹp văn hóa của dân tộc gắn với xây dựng NTM, thời gian qua, ngành văn hóa huyện đã phối hợp với các xã, thị trấn tuyên truyền về bảo tồn văn hóa phi vật thể; tổ chức nhiều chương trình văn hóa, thể thao liên quan tới lễ hội. Trong đó có Lễ Cầu Mùa, trò chơi dân gian để văn hóa dân tộc đều được cộng đồng chung tay lưu giữ.
Cũng theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Giang, nhờ những chương trình hành động cụ thể, nên đến nay chất lượng các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao của nhân dân trên địa bàn đã từng bước được nâng cao.
Toàn tỉnh Hà Giang đã có 100 câu lạc bộ (CLB) văn hóa, văn nghệ; 379 CLB thể thao; 250.230 người tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ; 178.372 người tham gia luyện tập thể dục thể thao thường xuyên.
Để đạt kết quả đó, các địa phương đã thực hiện có hiệu quả các chương trình, mà nòng cốt thúc đẩy là phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" ở cơ sở. Cùng với đó, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh xuống cơ sở đã phát huy vai trò của quần chúng, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, thu hút được các thành phần xã hội tham gia vào các hoạt động văn hóa, nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân.
Hà Giang cũng đã có 92/177 xã hoàn thành tiêu chí văn hóa; 130/195 nhà văn hóa; tỷ lệ thôn, tổ có nhà văn hóa, nơi sinh hoạt văn hóa thể thao phục vụ cộng đồng là 59,5%
Tuy nhiên, với xuất phát điểm thấp nên hệ thống cơ sở hạ tầng về văn hóa của Hà Giang còn nhiều hạn chế. Việc xây dựng "Gia đình văn hóa", "Làng văn hóa" ở nhiều nơi chưa được đảm bảo theo yêu cầu của tiêu chí, không phù hợp với điều kiện thực tế vùng miền. Đặc biệt là số hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều cũng đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình xây dựng gia đình văn hóa, làng, bản, tổ, khu phố văn hóa trên địa bàn.
Vì vậy, để tiếp tục thực hiện thành công chương trình xây dựng mới, giữ gìn bản sản văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số nơi địa đầu tổ quốc, Sở văn hóa, thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang đã đề ra một số giải pháp trọng tâm cần thực hiện.
Tiếp tục nâng cao chất lượng phục vụ của các làng văn hóa du lịch cộng đồng; Tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ và du lịch từ cơ sở phát huy giá trị tốt đẹp của di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của nhân dân…
Với quan điểm xây dựng nông thôn mới góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Song song với đó là phải giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống. Vì vậy Hà Giang đã đặt ra mục tiêu: đến hết 2020, có trên 40% số sã đạt tiêu chí về văn hóa; 40% số xã có trung tâm văn hóa, thể thao và 40% số thôn có nhà văn hóa- khu thể thao. Ông Hải cho biết thêm.
Mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh Hà Giang sẽ có 45% số xã có trung tâm văn hóa, thể thao xã; và 2030 là trên 50% số xã đạt tiêu chí 16 về văn hóa. Từng bước góp phần vào công cuộc xây dựng NTM thành công.