Những thành quả xây dựng NTM mà Hà Giang đạt được là động lực, bước đệm quan trọng để Hà Giang vươn lên đạt những thành quả cao hơn trong tương lai.
Từ những kết quả tích cực trong xây dựng nông thôn mới
Theo số liệu báo cáo đánh giá tiến độ triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 của tỉnh Hà Giang cho thấy, qua 3 năm thực hiện, công tác xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 của Hà Giang ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững. Bộ mặt nông thôn của tỉnh ngày càng đổi thay, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân từng bước nâng lên.
Đến nay, tỉnh Hà Giang có 01 đơn vị (Thành phố Hà Giang) được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; toàn tỉnh đã có 48/175 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 26,85%), trong đó có 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Có 88 thôn đã được công nhận thôn nông thôn mới (37 thôn thuộc vùng đặc biệt khó khăn, 51 thôn thuộc vùng I và II).
Tổng số tiêu chí đã hoàn thành đến nay là trên 2.000 tiêu chí (bình quân đạt 11,6 tiêu chí trên xã). Toàn tỉnh có 57/175 xã đạt tiêu chí Giao thông, 113/175 xã đạt tiêu chí Điện, 148/175 xã đạt tiêu chí Thủy lợi; 136/175 xã đạt tiêu chí Cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn; 73,1% số xã hoàn thành tiêu chí Y tế; 83,4% số xã đạt tiêu chí Thông tin truyền thông; 59% số xã đạt tiêu chí Nhà ở dân cư; 72,6% xã hoàn thành tiêu chí Lao động; 71,4% xã đạt tiêu chí Giáo dục đào tạo...
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả trên, tình hình thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 của Hà Giang cũng còn nhiều khó khăn, thách thức. So với mục tiêu đã đề ra trong Nghị quyết 28/NQ-TU của Ban Chấp hành Đảng bộ, có một số chỉ tiêu vẫn đạt thấp. Cụ thể: Số xã đạt chuẩn NTM mới chỉ đạt 27%; số xã đạt chuẩn NTM nâng cao chỉ đạt 14,3% mục tiêu; số thôn đặc biệt khó khăn đạt chuẩn NTM chỉ đạt 4,6% mục tiêu. Chưa có xã NTM kiểu mẫu và huyện đạt chuẩn NTM...
Nhằm tạo đột phá về kết cấu hạ tầng nông thôn đồng bộ, từng bước hiện đại, bảo đảm môi trường, cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, Hà Giang đã có những cách làm hay, mang lại hiệu quả đáng kể. Sự hỗ trợ của Nhà nước cùng sự đóng góp tích cực của Nhân dân về ngày công, vật liệu đã góp phần quan trọng trong việc bê tông hóa hàng nghìn km đường các loại.
Hà Giang xác định lấy Chương trình MTQG xây dựng NTM làm gốc, 02 chương trình MTQG còn lại (Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững và Chương trình MTQG phát triền kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030) sẽ thực hiện hỗ trợ, lồng ghép nguồn vốn; các huyện, xã thực hiện tốt việc xã hội hóa huy động nguồn lực theo quy định để thực hiện đạt các mục tiêu của chương trình xây dựng NTM đến năm 2025 đã đề ra…
Đơn cử tại xã Tân Nam, huyện Quang Bình mặc dù còn nhiều khó khăn, song Nhân dân trong xã đã hiến hơn 10.000 m2 đất cùng hàng nghìn ngày công lao động để làm đường giao thông nông thôn, quyết tâm về đích xây dựng nông thôn mới năm 2024.
Còn tại huyện Bắc Mê, nhiều phong trào hay, sáng tạo cũng được phát động như: Ngày thứ 7 hướng về NTM và nhà ở; Mỗi đoàn thể, mỗi tuần chọn một thôn, làm một việc… Với tinh thần cán bộ nêu gương, Nhân dân đồng thuận, vào các ngày cuối tuần, cán bộ, công chức, viên chức các ban, ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang của huyện Bắc Mê xuống các thôn, bản cùng nhân dân làm đường bê tông nông thôn; vệ sinh đường làng, ngõ xóm; thu gom, xử lý rác thải; xóa nhà tạm; di dời chuồng trại gia súc ra xa nhà…
Vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên cùng sự đồng thuận của các tầng lớp Nhân dân đã tạo nên khí thế thi đua sôi nổi, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM giữa các xã, thị trấn và đem đến diện mạo mới cho bộ mặt nông thôn của địa phương.
Đến mục tiêu cụ thể
Giai đoạn 2021-2025, Hà Giang đặt mục tiêu phấn đấu có 82 xã đạt chuẩn NTM, 800 thôn đạt thôn NTM; 2 huyện đạt huyện NTM. Với những mục tiêu như trên, Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã có Nghị quyết chuyên để đó là mục tiêu tổng quát của Nghị quyết số 28-NQ/TU về lãnh đạo triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM đến năm 2025.
Theo đó, tỉnh Hà Giang phấn đấu đến năm 2025, huyện Bắc Quang, Quang Bình đạt chuẩn huyện NTM; nâng tổng số đơn vị cấp huyện, thành phố đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ NTM là 03 đơn vị; có thêm 35 xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM trong toàn tỉnh lên 82 xã; tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng của các xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM; không còn xã đạt dưới 13 tiêu chí. Bình quân cả tỉnh đạt trên 16 tiêu chí/xã. Có từ 60% số thôn thuộc các xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới, vùng núi được công nhận đạt chuẩn NTM (tương đương khoảng 800 thôn); 100% thôn biên giới có điện và có đường giao thông đạt tiêu chí NTM…
Ông Đỗ Tấn Sơn, Chánh Văn phòng điều phối NTM tỉnh Hà Giang cho hay, tổng nhu cầu kinh phí thực hiện mục tiêu xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh Hà Giang đến năm 2025 là trên 8.700 tỷ đồng. Tuy nhiên, tổng nguồn vốn thực hiện xây dựng NTM cả giai đoạn 2021-2025 rất thấp, chỉ trên 570 tỷ đồng. Tỉnh dự kiến lồng ghép vốn của 02 Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi khoảng trên 6.000 tỷ đồng; vốn ngân sách tỉnh và xã hội hóa trên 2.200 tỷ đồng mới có thể đảm bảo nguồn lực.
Tuy nhiên việc lồng ghép vốn của các chương trình MTQG để thực hiện xây dựng NTM gặp nhiều khó khăn do quy định đối tượng thụ hưởng khác nhau. Trong khi đó sự chỉ đạo, phối hợp giữa các ngành, các cấp chưa thống nhất; các hướng dẫn của Bộ, ngành Trung ương còn chậm.
Mặt khác đa phần các xã, thôn đã đạt chuẩn NTM của tỉnh là những xã có điều kiện kinh tế - xã hội khá, trong khi các xã còn lại và các thôn đều là vùng 3 vùng đặc biệt khó khăn, có tỷ lệ hộ nghèo cao, thu nhập thấp, hạ tầng thiếu thốn. Do đó, mục tiêu hoàn thành thêm 35 xã, 800 thôn đạt chuẩn NTM theo Nghị quyết số 28 cần nguồn lực đầu tư nhiều, trong thời gian ngắn hạn khó có thể đạt các tiêu chí thu nhập, hộ nghèo một cách bền vững.
"Nhằm tháo gỡ những khó khăn trên, lãnh đạo tỉnh Hà Giang giao nhiệm vụ cho các sở, ban, ngành của tỉnh, các huyện, thành phố tiếp tục tập trung chỉ đạo với quyết tâm chính trị cao nhất để hoàn thành các chỉ tiêu của các Nghị quyết đã đề ra đối với Chương trình MTQG xây dựng NTM đến năm 2025; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về chương trình MTQG xây dựng NTM; triển khai rà soát, xây dựng phương án thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM đến năm 2025 theo các nghị quyết đã được ban hành…" ông Sơn cho hay.
Mặc dù vẫn còn rất nhiều khó khăn, thách thức đang ở phía trước, nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo tỉnh, Hà Giang sẽ có thêm cách làm hay, sáng tạo, linh hoạt, đặc biệt là các phong trào thi đua mới, huy động được sức mạnh tổng hợp trong dân để xây dựng NTM đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững.