dd/mm/yyyy

Giàu lên nhờ nuôi bò theo công nghệ ngoại

Hơn 2 năm qua, ông Diệp Kỉnh Tân (41 tuổi, ấp Đại Nghĩa Thắng, xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng) đã xây dựng trang trại nuôi bò sữa rất thành công. Trang trại của ông là điểm đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm của nhiều hộ dân trong vùng.

Trang trại bò sữa của ông Tân cho hiệu quả cao nhờ ứng dụng công nghệ.

Công nghệ “ngoại” tăng thu giảm chi

Ông Tân cho biết, sau thời gian đi nước ngoài tham quan các mô hình chăn nuôi, năm 2014, ông đã mạnh dạn đầu tư xây trang trại nuôi bò sữa theo công nghệ Hà Lan (quy mô 5 ha, tổng số vốn lên đến 18 tỉ đồng). Công nghệ này sẽ giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm chi phí.

Để thực hiện mô hình này, ông nhập gần 200 con bò sữa từ Hà Lan đem về Sóc Trăng. Mua thiết bị tự động như: Máy cào phân; lọc không khí; vắt sữa và ống chuyền sữa; bình bảo quản sữa lạnh. Ngoài ra, ông còn chuẩn bị sẵn 7 ha đất trồng các giống cỏ nhập và một số loại cỏ nội địa (có gắn hệ thống phun tưới tự động).

Riêng nguồn phụ phẩm trong quá trình chăn nuôi được ông Tân tận dụng triệt để

Hiện nay, trong số gần 200 con bò giống nhập ngoại, có 120 con cho sữa mỗi ngày (gần 2,5 tấn) và được một công ty sữa bao tiêu. Riêng nguồn phụ phẩm trong quá trình chăn nuôi được ông Tân tận dụng triệt để. Cụ thể, vào mùa nắng, phân bò được ông phơi khô bán cho những người trồng cây, còn mùa mưa thì đưa vào hố ủ, dùng men vi sinh để xử lý rồi làm phân bón ruộng cỏ.

Công nghệ này giảm được công nhân, không sử dụng kháng sinh chăn nuôi, ít dịch bệnh, đảm bảo chất lượng xuất đi toàn cầu. Hiện tại nước ta đã gia nhập cộng đồng kinh tế ASEAN nên đòi hỏi phải đáp ứng tiêu chuẩn cao để vượt khỏi ao nhà, xuất đi Campuhia, Lào hay các nước khác dễ dàng”.
Ông Diệp Kỉnh Tân

Ông Tân đã tốt nghiệp Đại học Kinh tế TP.HCM và từng có thời gian dài tìm đến các trang trại chăn nuôi ở khắp các vùng miền cả nước, kể cả nước ngoài. Ông Tân chia sẻ: “Nông dân nuôi bò theo lối truyền thống, không kiểm soát dịch bệnh, an toàn sinh học, tỷ lệ thất thoát thức ăn cao và người nuôi kỹ thuật chuyên môn còn hạn chế dẫn đến không có lời”.

“Theo tôi biết thì ở Sóc Trăng chưa ai làm mô hình công nghệ cao này, nên tôi tiên phong làm trước, không hiệu quả thì tự mình có kinh nghiệm, nếu thành công sẽ để bà con học tập. Bước đầu, tôi đã thành công, chi phí giảm, lượng sữa thu được cao hơn cách nuôi thông thường”, ông Tân nói.

Tiếp tục mở rộng quy mô

Ông Tân cho biết thêm: Trước đây, có thời gian ông nuôi 100 con heo nái lỗ tiền tỉ do thiếu kinh nghiệm về giá cả, dịch bệnh… Từ đó, ông nghĩ muốn nuôi thành công, muốn vực dậy ngành chăn nuôi thì không thể làm manh mún, nhỏ lẻ nữa mà phải có kiến thức, đầu tư kỹ thuật cao. Ông Tân nhận định: “Chỉ áp dụng công nghệ cao vào sản xuất thì may ra mới có lãi, bán với giá thành cao và khá lên được”.

 Trang trại của ông Tân còn là điểm tham quan, học tập kinh nghiệm của bà con nông dân

Cũng theo công nghệ của Hà Lan, ông Tân hiện đang mở thêm trại heo trên diện tích 5ha với vốn đầu tư 40 tỉ đồng. Đặc biệt, sử dụng công nghệ gắn chíp trên tai heo và có phần mềm kết nối với hệ thống máy tính, máng ăn tránh thất thoát. Dự kiến, ông nuôi 360 con heo nái, 1.000 heo thịt. Khi heo sinh sản, ông sẽ giữ lại toàn bộ heo đực để nuôi lấy thịt, còn heo cái bán giống, tất cả đều được ký hợp đồng bao tiêu.

Với cách làm bài bản, khoa học, trang trại của ông Tân không chỉ đạt hiệu quả kinh tế cao mà còn là điểm tham quan, học tập kinh nghiệm của bà con nông dân ở tỉnh Sóc Trăng. Ông Tân sẽ sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cho những ai muốn phát triển chăn nuôi.

Huỳnh Xây