Giá lợn giảm sốc, người chăn nuôi phải cân nhắc có nên tái đàn. Ảnh minh họa
Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, hiện nay tình trạng tồn đọng thịt lợn trong dân vẫn còn rất lớn. Trong khi đó, sau thời gian rầm rộ, hiện nay phong trào giải cứu lợn đang dần lắng xuống.
Hiện tại cả nước đang tồn lại khoảng 200 nghìn tấn lợn hơi và vẫn còn 1,5 triệu con lợn đang chờ được “giải cứu”, thế nhưng nhiều hộ chăn nuôi đã rục rịch tiếp tục tăng đàn, hy vọng “sóng” thịt lợn sẽ tăng vào dịp cuối năm.
Mạo hiểm tăng đàn đối mặt rủi ro
Sau một thời gian tăng lên mức 29-30 nghìn đồng/kg, từ 10 ngày nay, giá lợn hơi tại Đồng Nai - “thủ phủ” chăn nuôi lợn - giảm xuống chỉ còn khoảng 25 nghìn đồng/kg, thậm chí có những đợt giảm xuống chỉ còn 22 nghìn đồng/kg. Thế nhưng, một thực tế là trong khi Bộ NN&PTNT đang kêu gọi giảm đàn, thì có những hộ chăn nuôi đang mạo hiểm tăng đàn để “đón sóng” giá lợn hơi sẽ tăng vào cuối năm nay.
Nhiều người chăn nuôi đã tăng đàn kỳ vọng giá lợn sẽ tăng vào cuối năm. Ảnh minh họa
Ông Nguyễn Văn Chiểu.
Trao đổi với PV Báo Lao Động chiều 19.5, ông Nguyễn Kim Đoán - Phó Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi tỉnh Đồng Nai - cho biết: Đúng là có hiện tượng một số hộ chăn nuôi đang tăng đàn, dựa theo kinh nghiệm về tình hình chăn nuôi heo năm 2012. Tại thời điểm đó, giá lợn cũng giảm sâu, khiến nhiều chủ hộ “đóng chuồng”. Thế nhưng, trong khi những hộ khác ngừng nuôi, thì những ông chủ có nguồn vốn mạnh hơn lại nhập lợn hậu bị (heo nái) về. Kết quả là cuối năm 2012, nhiều chủ trang trại đã thắng đậm trong vụ nuôi heo đó.
Ông Nguyễn Văn Chiểu (quê gốc Hải Hậu - Nam Định) “Nam tiến” lập nghiệp từ nghề nuôi lợn nhiều năm nay vui vẻ cho biết: Tháng trước ông vừa nhập về 100 con lợn hậu bị, sau 6 tháng tới, 100 con lợn này sẽ sinh khoảng 1.000 con heo con. Hiện tại trong trang trại của ông đã có 500 con lợn nái, như vậy mỗi lứa, ông cung cấp ra thị trường khoảng 5.000 con lợn.
Ông Chiểu cũng cho biết thêm, tại Đồng Nai, Bình Định..., những bạn cùng chung nghề với ông cũng đang rục rịch tái đàn với hy vọng giá lợn hơi sẽ tăng khi đàn heo tồn được “giải cứu” hết và các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không còn khả năng tái sản xuất khi đã bị lợn ăn cụt vốn.
Ông Nguyễn Kim Đoán cũng cho rằng, hầu hết những “ông lớn” trong lĩnh vực nông nghiệp như C.P, Massan, Hòa Phát, Dabaco... đều không giảm hoặc chỉ giảm đàn không đáng kể. Do vậy, số lượng lợn trên thị trường vẫn còn rất lớn.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Đại (xã Phúc Lâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội) cho biết, những gia đình có lợn nái trên địa bàn xã vẫn đang cố cầm cự nuôi và chờ cơ hội giá lên. Trong quá trình thu mua lợn, ông Nguyễn Anh Tuấn (cơ sở giết mổ lợn Vạn Phúc - Hà Nội) nhận thấy tại các hộ chăn nuôi, những con nái già, đẻ kém đã bị loại để thay thế bởi những con lợn nái có tốc độ sinh sản “mắn” hơn. Người dân tuy sợ, nhưng vẫn nuôi hy vọng giá thịt lợn sẽ lên trong thời gian tới.
Đối mặt nguy cơ tiếp tục thua lỗ
Trả lời câu hỏi cuối năm 2017 liệu có tình trạng khan hiếm thịt lợn, khi hàng loạt hộ chăn nuôi đã “ớn” tình trạng thua lỗ, không thể cầm cự nên đã ngừng nuôi, ông Nguyễn Kim Đoán - Phó Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi tỉnh Đồng Nai - cho biết: Chỉ có những hộ chăn nuôi quy mô nhỏ dưới 50 nái mới “đóng chuồng”, còn các hộ có từ 100 con lợn nái và các doanh nghiệp (DN) chăn nuôi đang cố gắng bằng mọi cách chấp nhận lỗ chút đỉnh để chờ đón “sóng” hy vọng giá thịt lợn tăng vào cuối năm nay. Thậm chí, có những DN hiện nay đang nuôi hàng nghìn con lợn nái.
Lợn tồn đọng vẫn còn rất lớn nên nguồn cung rất dồi dào dịp cuối năm. Ảnh minh họa
Hiện tại, theo số liệu của Bộ NN&PTNT, cả nước có tổng đàn lợn 29,5 triệu con, nhưng thực tế số lượng có thể còn lớn hơn nhiều, bởi hầu hết các trang trại chăn nuôi đều khai giảm số lượng để tránh sự quản lý, giám sát khắt khe của của chính quyền địa phương trong vấn đề môi trường.
Ông Nguyễn Kim Đoán.
Thậm chí, tại Đồng Nai, có hộ chăn nuôi khai đàn chỉ có 30 con lợn nái, nhưng khi truyền hình đến quay trực tiếp, tổng đàn lợn lên tới 130 con. Có những hộ có 300 nái, cũng chỉ khai 50 con… Như vậy, số lợn còn lại trong dân hoàn toàn không nhỏ.
Một chuyên gia trong lĩnh vực chăn nuôi cho rằng, Bộ NN&PTNT không thể quản lý được số lượng đầu lợn tại các DN, “họ báo cáo như thế nào, Bộ NNPTNT chỉ biết theo số đó”. Trong khi đó, có những DN thuê gia công bên ngoài. Có những DN thuê hàng chục hộ chăn nuôi, mỗi hộ nuôi cả đàn lợn “khủng” cả chục nghìn con/trại.
“Vậy, ngành chăn nuôi của Bộ NNPTNT có quản lý được tổng đàn lợn thực tế của các DN hay không? Địa phương có biết được tổng đàn lợn của DN đóng trên địa bàn mình quản lý hay không? Tôi cho rằng, thông qua hình thức “gia công” này của các DN, Bộ NNPTNT không thể quản lý nổi số lượng heo của các DN” - vị chuyên gia này khẳng định!
Mặc dù đến thời điểm này, riêng tại Đồng Nai, tổng đàn lợn đã giảm 30%, nhưng không ai dám khẳng định sẽ thiếu thịt heo trong dịp cuối năm.