dd/mm/yyyy

Già làng Nay Bim hiến đất xây trường học ở vùng khó

“Năm 2018, xã Ia Rbol về đích nông thôn mới. Đó là sự cố gắng của cả hệ thống chính trị, chính quyền địa phương và sự ủng hộ nhiệt của người dân trong việc chung tay cùng nhau cán đích từng tiêu chí. Đồng chí Nay Bim là một tấm gương sáng đi đầu trong công tác tuyên truyền, vận động bà con hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là việc hiến đất xây dựng các công trình công cộng, mở đường giao thông trong xã". Đây là nhận xét của bà Phạm Thị Vân, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Ia Rbol, thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai.

Làm gương hiến đất để vận động bà con

Điểm trường Bôn Sar được xây dựng trên mảnh đất của ông Nay Bim hiến tặng có 5 phòng học Tiểu học và mẫu giáo, sĩ số từ 20-22 học sinh. Qua các năm học, chất lượng dạy - học của thầy, trò nơi đây ngày càng được nâng lên rõ rệt, góp phần làm thay đổi nhận thức của người dân đối với việc học tập của con em mình. Bên cạnh đó, nhờ sự vận động tuyên truyền tích cực của ông Nay Bim, hiện Bôn Sar không còn trẻ em bỏ học.

Ông Nay Bim kiểm tra cơ sở vật chất trường học xây dựng trên đất ông tự nguyện hiến cho chính quyền mở lớp, xây trường. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN
Ông Nay Bim kiểm tra cơ sở vật chất trường học xây dựng trên đất ông tự nguyện hiến cho chính quyền mở lớp, xây trường. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN

Già làng Nay Bim, người dân tộc Jrai, năm nay gần 70 tuổi, dáng người to khỏe. Là cán bộ mặt trận của Bôn Sar, hàng ngày Già làng vẫn thường sử dụng chiếc xe đạp làm phương tiện di chuyển đến từng hộ gia đình, tuyên truyền cho bà con chính sách của Đảng, hướng dẫn người dân làm ăn, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Để bà con tin tưởng, noi theo, năm 2004, Già Nay Bim đã tự nguyện hiến hàng trăm mét đất ở để xây dựng trường học cho trẻ em thôn Bôn Sar, xã Ia Rbol, thị xã A Yun Pa.

Già làng Nay Bim tâm sự: "Trước đây, con đường tìm đến cái chữ của nhiều trẻ em ở các buôn làng tại thị xã Ayun Pa gặp rất nhiều khó khăn. Tôi tiên phong hiến đất rồi vận động bà con trong thôn cùng góp sức, hiến đất xây nhà sinh hoạt cộng đồng, xây trường học để người thân của mình, con em mình tiếp cận văn hóa tiên tiến, từ đó góp phần xây dựng quê hương, đất nước giàu mạnh".

Ông Nay Bim (áo trắng bên trái) báo cáo công tác tuyên truyền cho lãnh đạo xã Ia Rbol và thị xã A Yun Pa về công tác dân vận tại địa phương. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN
Ông Nay Bim (áo trắng bên trái) báo cáo công tác tuyên truyền cho lãnh đạo xã Ia Rbol và thị xã A Yun Pa về công tác dân vận tại địa phương. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN

Năm 2004 trở về trước, Bôn Sar, xã Ia Rbol có khoảng trên dưới 90 hộ, với trên 300 nhân khẩu, 100% là dân tộc Jrai, nhiều bà con trong làng mù chữ. Ông Nay Bim nhận thức được hậu quả của việc mù chữ làm cho đời sống của bà con quanh năm gặp khó khăn, nhưng vì không có trường học tại làng, trẻ con phải ở nhà. Trăn trở mãi việc này đến ăn không ngon, ngủ không yên, nên cuối năm 2004, ông Nay Bim đã hiến 500m2 đất của gia đình để làm trường học cho con em trong làng. Đầu năm 2005, điểm trường học tại làng đã hoàn thành, đi vào hoạt động. Năm 2013, ông quyết định hiến thêm 300m2 đất ruộng liền kề, nâng diện tích khuôn viên của trường hiện nay lên 800m2, với ba phòng học cấp Tiểu học, hai phòng học cho lớp mẫu giáo thuộc điểm trường xã Ia Bol.

Góp sức mang chữ về buôn làng

Từng thế hệ học sinh được tiếp cận con chữ, góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong Bôn Sar. Chính họ sau khi được học hành đến nơi đến chốn, được tiếp cận với văn hóa tiên tiến lại trở về góp sức, mang chữ về với buôn làng cũ, để trẻ em biết chữ, đỡ vất vả hơn.

Ông Nay Bim (áo trắng bên trái) với nhiều bằng, khen, giấy khen của các cấp khen tặng. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN
Ông Nay Bim (áo trắng bên trái) với nhiều bằng, khen, giấy khen của các cấp khen tặng. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN

Cô giáo Nay H’Lệ, Bôn Sar, xã Ia Rbol, thị xã Ayun Pa, cho biết: "Ba mẹ tôi kể lại, trước đây vì đường sá xa xôi, tôi đã từng phải nghỉ học ở nhà giữa chừng. Nhưng rất may có bác Nay Bim hiến đất, mở trường, nên chúng tôi lại được tiếp tục đi học. Bản thân tôi đã lớn lên, gắn bó và trưởng thành từ ngôi trường này. Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi vinh dự khi được quay lại ngôi trường này để dạy chữ cho các em học sinh ở đây, trong đó có em, cháu, người thân của tôi. Tôi sẽ cố gắng thực hiện ước nguyện của bác Nay Bim là mang chữ về với trẻ em buôn làng".

Bôn Sar hiện là một trong những làng nông thôn mới kiểu mẫu của thị xã Ayun Pa, cảnh quan môi trường trong buôn xanh, sạch, đẹp, 100% đường làng, ngõ xóm đều được bê tông hóa. Buôn hiện chỉ còn 7 hộ nghèo.

Nguyên là Chủ tịch HĐND xã Ia Rbol, hiện với vai trò là Phó Bí thư chi bộ Bôn Sar, Già làng Nay Bim là tấm gương tiêu biểu, gương mẫu đi đầu trong mọi hoạt động, đặc biệt là vận động gia đình, người thân, cùng toàn thể nhân dân phấn đấu đưa làng đạt nông thôn mới năm 2018.

Với nhiều đóng góp tích cực trên các lĩnh vực, ông Nay Bim đã nhận được nhiều bằng khen, giấy khen các cấp. Năm 2018, ông vinh dự đại diện cho các già làng tiêu biểu của thị xã Ayun Pa tham dự lễ tôn vinh người uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số toàn quốc tại Hà Nội. Đây là nguồn động viên tinh thần, khích lệ to lớn giúp ông tiếp tục đóng góp công sức vì cộng đồng, giúp người dân chung sức xây dựng buôn làng ngày càng phát triển.

Hồng Điệp