Xuất khẩu gạo của Việt Nam đầu tháng 6 tăng cả sản lượng và giá thành. Ảnh minh họa
Theo Bộ Công thương, giá gạo XK của Việt Nam đang liên tục tăng lên. Những ngày đầu tháng 6, giá gạo XK loại 5% tấm (giá FOB) là 390 USD/tấn, tăng so với mức 360 - 380 USD/tấn hồi cuối tháng 5. Đây là mức giá cao nhất kể từ tháng 12/2014.
Thông tin từ các doanh nhân ngành gạo cho hay, ngay sau khi ký kết Bản ghi nhớ thương mại gạo với Việt Nam, Bangladesh đã yêu cầu mua ngay 200.000 tấn gạo, trong đó có 25.000 tấn gạo đồ, thời hạn giao hàng trong vòng 45 ngày. Tuy nhiên, có một điều đáng tiếc là ở Việt Nam, hiện chỉ có 1 nhà máy chế biến gạo đồ đang hoạt động, nhưng lại không có đủ khả năng chế biến được 25.000 tấn gạo đồ trong thời gian như trên.
Song song với việc hỏi mua gạo của Việt Nam, Bangladesh cũng hỏi mua 500.000 tấn gạo trắng và gạo đồ của Thái Lan, nhưng Thái Lan cũng khó có khả năng đáp ứng nhu cầu gạo đồ của Bangladesh do không còn lúa để sản xuất loại gạo này.
Philippines không chỉ đang chuẩn bị mở thầu NK 250.000 tấn gạo, mà còn cần nhiều hơn thế. Để đáp ứng nhu cầu từ nay đến cuối năm và gối đầu cho quý I/2018, Philippines dự kiến sẽ phải NK tối thiểu 1,5 - 1,6 triệu tấn gạo.
Một thông tin đáng chú ý là một số nước khác trong khu vực cũng đang quay trở lại NK gạo. Mới đây, Malaysia đã quay lại mua của Việt Nam 40.000 tấn gạo và đang mua thêm 80.000 tấn. Indonesia cũng đang dự tính có thể NK gạo trở lại. Nhu cầu NK gạo từ 2 thị trường rất quan trọng khác là Trung Quốc và châu Phi vẫn đang có xu hướng tăng lên.
Trong khi nhu cầu thế giới tăng cao, thì nguồn cung lại đang hạn chế, thậm chí được nhiều chuyên gia quốc tế cho rằng đang vào thời điểm cạn kiệt. Tại Hội nghị lúa gạo Thái Lan với chủ đề “Triển vọng thương mại gạo thế giới”, diễn ra tại Bangkok ngày 29/5 vừa rồi, ông Jeremy Zwinger (Giám đốc điều hành của Rice Trader), cho rằng, nguồn cung gạo toàn cầu đang bị thắt chặt lại, kể cả kho gạo tồn trữ của Thái Lan vốn dồi dào trước đây, giờ đã giảm rất nhiều.
Thu hoạch lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Huỳnh Xây
Cụ thể, ở Thái Lan, đến tháng 5, tồn kho gạo vụ cũ chỉ còn 4,32 triệu tấn. Trong đó, chỉ có 1,82 triệu tấn là còn sử dụng được cho con người, còn lại 2,5 triệu tấn là gạo đã quá cũ, chỉ có thể dùng làm thức ăn gia súc và sản xuất năng lượng. Hồi cuối tháng 5, Thái Lan đã tổ chức đấu thầu bán hết 1,82 triệu tấn gạo tồn kho còn dùng được cho con người. Phải đến tháng 9, Thái Lan mới thu hoạch vụ mùa với sản lượng ước tính 3 triệu tấn lúa và đến tháng 11 mới thu hoạch vụ chính. Thành ra, khả năng bán gạo của Thái Lan trong vài tháng tới sẽ bị hạn chế khá nhiều.
Nhu cầu tăng cao trong khi nguồn cung hạn chế, đang khiến cho giá gạo XK của nhiều nước tăng liên tục. Đến đầu tháng 6, gạo 5% tấm của Thái Lan đã ở mức 430 USD/tấn, là mức cao nhất trong gần 1 năm qua. Giá gạo 5% tấm của Ấn Độ cũng đã tăng lên ở mức 413 - 416 USD/tấn …
Theo nhận định của các chuyên gia gạo quốc tế tham gia Hội nghị lúa gạo Thái Lan, giá gạo trên thị trường thế giới sẽ còn tăng khoảng 20 USD/tấn trong 3 tháng tới.
Riêng ở Việt Nam, nhận thấy nhu cầu XK đang tăng trong khi nguồn cung hạn hẹp, nhiều DN đang chủ động trữ gạo lại, chưa vội bán ra, với hy vọng giá gạo XK loại 5% tấm sẽ còn tăng lên nữa, ít nhất là 400 USD/tấn. Một số doanh nhân ngành gạo cũng cho rằng các DN không nên vội bán đón đầu khi thấy giá gạo tăng để tránh thiệt hại. Bởi thực tế vừa rồi, nhiều DN đã bị thiệt hại không nhỏ khi vội ký hợp đồng XK khi giá còn chưa lên cao.