dd/mm/yyyy

Gây dựng thương hiệu cho hoa đào Vân Tảo

Khoảng những năm 1990, những gốc đào đầu tiên được người dân xã Vân Tảo, huyện Thường Tín mua tại vùng đào truyền thống phường Nhật Tân (quận Tây Hồ) về trồng. Đến nay, diện tích hoa đào đang không ngừng được mở rộng, góp phần quan trọng nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người nông dân nơi đây.
Nghề trồng đào góp phần cải thiện đời sống người dân xã Vân Tảo.
Nghề trồng đào góp phần cải thiện đời sống người dân xã Vân Tảo.

Anh Nguyễn Văn Khả, chủ nhà vườn đào Văn Khả là một trong những người đầu tiên ở xã Vân Tảo bén duyên với cây đào. Sau khi địa phương thực hiện chủ trương dồn điền đổi thửa theo Chương trình xây dựng nông thôn mới, anh Khả đã thuê thầu tổng diện tích khoảng 1,5 mẫu để trồng đào. Nhiều năm qua, vườn đào không chỉ mang lại lợi nhuận trên dưới 300 triệu đồng/năm cho gia đình anh, mà còn tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động những tháng cuối năm.

Toàn xã Vân Tảo hiện có gần 60 ha trồng hoa đào, tập trung tại hai thôn Nội Thôn và Đông Thai. Bên cạnh canh tác rau màu, nghề trồng đào đang mang lại thu nhập khá cho khoảng 1.800/2.300 hộ dân nơi đây. Qua đó, giúp tăng thu nhập bình quân của người nông dân địa phương năm 2017 lên mức xấp xỉ 37 triệu đồng/năm.

Dù thu nhập bình quân đầu người đã tăng đáng kể, mà trong đó, nghề trồng đào đóng vai trò quan trọng, nhưng Chủ tịch UBND xã Vân Tảo Nguyễn Mạnh Hưng vẫn bày tỏ băn khoăn về tỷ lệ hộ nghèo toàn xã, khi con số này đến nay vẫn còn tới trên 3,6%.

Theo ông Hưng, trên cơ sở hiệu quả từ mô hình chuyển đổi từ cây lúa sang trồng hoa, cây cảnh (chủ yếu là đào Nhật Tân), UBND xã Vân Tảo đã quy hoạch và định hướng nhân rộng vùng trồng đào. Cụ thể, trong những năm tới, địa phương sẽ tiếp tục chuyển đổi khoảng 60 ha đất lúa truyền thống sang trồng đào. Song song với đó là đẩy mạnh hỗ trợ đào tạo, tập huấn kỹ thuật chăm sóc và cho vay đầu tư phát triển vùng đào hiện có. Mục tiêu hướng tới là biến xã Vân Tảo thành vùng đào mới của Hà Nội.

Chủ tịch UBND xã Vân Tảo cho biết thêm, địa phương đang nỗ lực phấn đấu để có thể về đích nông thôn mới trong năm 2018. Việc thu nhập của người nông dân đang ngày một tăng là tín hiệu tích cực, góp phần đưa địa phương dần hoàn thành tiêu chí cốt lõi, xuyên suốt của Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội là “nâng cao đời sống nông dân”.

Xác định hoa đào vẫn sẽ là cây trồng chủ lực cần tập trung khai thác, nhưng ông Hưng cho rằng, để nâng cao giá trị của loại cây này, rất cần sự hỗ trợ của các sở ngành của TP trong việc tạo dựng thương hiệu “Hoa đào Thường Tín”. Cùng với đó là xây dựng và từng bước triển khai đề án phát triển làng nghề hoa, cây cảnh gắn với du lịch sinh thái, nhằm đa dạng hóa nguồn thu cho người nông dân. Đây sẽ tiền đề có ý nghĩa hết sức quan trọng, giúp đưa địa phương tiến thêm một bước dài trong tiến trình xây dựng nông thôn mới.

Bài, ảnh: Lâm Nguyễn