dd/mm/yyyy

Gà ri Thanh Chương đệ nhất đặc sản xứ Nghệ

Gà ri (gà cỏ) phân bố chủ yếu ở các tỉnh miền Trung, nổi tiếng thơm ngon. Nhưng gà ri Thanh Chương mới là đệ nhất, gà nhỏ, chậm lớn nhưng chất lượng thịt rất đặc biệt đến nỗi có người nói về đây mà chưa được ăn cơm gà xáo Thanh Chương thì coi như là chưa đến.

Gà ri Thanh Chương vốn đặc biệt bởi chất thịt thơm ngon là đặc sản xứ Nghệ.

Tạo nên vị thơm ngon cho giống gà ri Thanh Chương là nhờ đặc điểm về khí hậu, thổ nhưỡng để cho ra đời những con gà ri chất lượng cao. Lợi thế này cũng đang được người dân và chính quyền địa phương quan tâm để bảo tồn và phts triển giống gà đặc sản này.

Giống gà trứ danh xứ Nghệ

“Giống gà ri Thanh Chương rất nhanh nhẹn, nhưng nhút nhát nên khó gần. Đặc điểm của giống gà này là chân nhỏ, thấp, mình thon gọn; mào đỏ tươi; lông xếp sít nhau, mượt, khá nhiều màu như màu chuối, nâu, đen, vàng nâu; ăn nhiều nhưng chậm lớn, con trưởng thành chỉ đạt trên dưới 1,5kg; thịt dai, thơm ngon… Về đây mà chưa được ăn cơm gà xáo Thanh Chương thì coi như là chưa đến”.
Ông Phan Thái Xuân.

Ông Phan Thái Xuân ở xóm Xuân Sơn 1, xã Thanh Xuân là người có thâm niên hàng chục năm nuôi gà thả vườn. Ông Xuân khẳng định, nuôi gà thả vườn không lo đầu ra. Tuy nhiên, đây là giống gà năng suất thịt thấp, thời gian nuôi lâu, thực tế là lãi rất ít dù giá bán luôn cao. Vì thế, việc bảo tồn giống gà này tại gia trại ông Xuân và một số hộ dân trong xã chỉ mới xuất hiện vài năm nay.

Bản thân ông Xuân trước đây, dù không nuôi các giống gà “ngoại lai” nhưng quá trình nuôi thả tự do, đàn gà của ông cũng bị lai tạp khá nhiều, năng suất thịt tăng đáng kể. Một số hộ chạy theo năng suất, hiệu quả kinh tế đã chủ động lai tạp gà ri địa phương với các giống gà khác.

Trong số trên 1.000 con gà thương phẩm nhởn nhơ trong vườn, chúng tôi khó khăn lắm mới tiếp cận được một số con gà được ông Xuân khẳng định đó là gà ri nguyên gốc. Khác với những giống gà khác hoặc những con gà lai, khi bị dồn vào chân tường hoặc bờ rào, những con gà ri thường phản ứng mạnh mẽ, chúng nhanh chóng tìm chỗ ẩn nấp hoặc nhảy qua bờ rào trốn vào bụi rậm.

Với chất lượng thịt thơm ngon, nhiều năm trở lại đây, gà ri Thanh Chương đã nhận được sự quan tâm của thực khách. Nhiều cửa hàng trưng biển bán gà Thanh Chương, không ít nhà hàng sử dụng các món ăn chế biến từ gà ri để hút thực khách. Mới đây nhất, tổ chức JICA (Nhật Bản) đã hỗ trợ nông dân làm cầu nối để đưa gà Thanh Chương bước rộng ra thị trường.

Gà ri Thanh Chương có đặc điểm chân nhỏ, lông xếp sít

Nâng chất thương hiệu gà ri Thanh Chương

Tháng 4.2014, UBND huyện Thanh Chương thành lập Hội Chăn nuôi gà Thanh Chương, đến nay đã có 72 thành viên tham gia. UBND tỉnh Nghệ An cũng đã phê duyệt Dự án xây dựng phát triển thương hiệu tập thể gà Thanh Chương, tập trung vào 3 chỉ tiêu chí gồm lựa chọn con giống là gà cỏ địa phương, nuôi theo hình thức gà thả vườn, chăn nuôi an toàn sinh học.

Ngày 13.1.2016, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) có Quyết định số 1429/QĐ-SHTT cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 25 66 59 công nhận nhãn hiệu tập thể Gà Thanh Chương.

Những mô hình nuôi gà ri Thanh Chương theo hướng an toàn sinh học để khẳng định thương hiệu 

Năm 2016, Hội Chăn nuôi gà Thanh Chương nhận được sự hỗ trợ của JICA trong việc tập huấn chăn nuôi gà an toàn sinh học, tiến đến chăn nuôi hữu cơ.

Nuôi gà ri Thanh Chương theo quy trình an toàn là 30 ngày đầu, gà được úm và ăn hoàn toàn bằng thức ăn công nghiệp. 15 ngày tiếp theo, lượng thức ăn công nghiệp giảm dần và từ ngày thứ 45 đến lúc xuất bán (5 - 6 tháng) cho gà ăn hoàn toàn bằng lúa, gạo… và thả đồi. Ngoài ra, nông dân Thanh Chương còn ủ men chua từ sắn và cây sắn, một số hộ nuôi giun quế làm thức ăn cho gà.

Người chăn nuôi gà Thanh Chương đứng trước cơ hội đưa sản vật quê mình đến với xứ sở hoa anh đào. Theo ông Nguyễn Bá Quý, Chủ tịch hội thì những hộ tham gia mô hình đã tuân thủ nghiêm ngặt quy trình chăn nuôi gà an toàn sinh học.

Trong năm 2016, với sự kết nối của JICA, một số hộ chăn nuôi gà tại Thanh Chương đã đưa sản phẩm của mình đến với siêu thị Maximax và HTX Tam Nông tại TP Vinh (Nghệ An). “Họ yêu cầu số lượng khoảng trên dưới 200 con/ngày nhưng thực tế chúng tôi đang trong quá trình chọn lựa con giống để nhân gà sinh sản. Số hộ tham gia cũng chưa nhiều, chưa có cách làm đồng nhất nên rất khó đảm bảo số lượng, ông Xuân cho biết.

TS Hoàng Nghĩa Duyệt, nguyên giảng viên Trường Đại học Nông Lâm Huế, nay là chuyên gia cho JICA cho rằng, gà ri hiện nay chưa có một dự án nào nghiên cứu về cấu trúc gen và lưu trữ nguồn gen. Thực tế, giống gà ri hiện nay đã được lai tạp nhiều, không còn thuần chủng. Vì thế, việc nông dân Thanh Chương tham gia bảo tồn giống gà quý này và chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học là một tín hiệu tích cực và cần được phát huy.

Văn Dũng