Gà Mía thuần chủng
Bảo tồn gà quý
Gà Mía hiện không xa lạ với người Hà Nội, nhưng ít ai biết rằng có thời nó bị lãng quên, mai một. Con gà Mía vốn quen với môi trường chăn thả tự nhiên bỗng nhiên vắng bóng, chỉ còn một số gia đình giữ lại vài con chăn thả trong vườn.
Nhiều năm tâm huyết với gà mía, ông Nguyễn Duy Vụ - Giám đốc Xí nghiệp Chăn nuôi gia cầm Hadico (xã Cổ Đông, Sơn Tây) cho biết: “Gà Mía là giống gà quý hiếm. Tuy nhiên trước đây chỉ được nuôi giữ trong các hộ chăn nuôi gia đình, chất lượng giống hạn chế. Nhiều đơn vị đã từng bỏ công nghiên cứu nhưng không thành công, bởi giống gà này có một số đặc thù, không thể chỉ đưa máy móc, công nghệ hiện đại vào mà thành công được”.
Trước nguy cơ tuyệt chủng một con giống đặc sản, năm 2005, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã đưa giống gà Mía vào danh mục nguồn gen vật nuôi quý hiếm cần bảo tồn. Công ty Hadico được giao nhiệm vụ duy trì, phát triển và bảo tồn hàng chục ngàn con gà Mía giống “bố mẹ”, “ông bà” và nhân giống để cung ứng cho thị trường. “Thủ phủ” lưu giữ nguồn gen của giống gà Mía thuần chủng là Xí nghiệp Chăn nuôi gia cầm Hadico.
Để chọn lựa những con giống gốc, Xí nghiệp đã chủ động liên kết với các trại gà giống Mía khác trong vùng để trao đổi về gà trống “ông bà”, “bố mẹ”. Nghiên cứu tập quán chăn thả của người dân, thiết kế chuồng trại phù hợp... Các bác sỹ thú y cũng được cử về “nằm vùng” tại trang trại để thực hiện quy trình tiêm chủng vacine, phòng bệnh và giám sát chế độ ăn uống của đàn gà theo đúng quy chuẩn. Nhờ vậy, nhiều năm nay không dịch bệnh nào có thể xâm nhập được vào đàn gà, nguồn gen quý của giống gia cầm này đã được bảo tồn. Chính những kinh nghiệm nuôi thả trong dân gian đã giúp Xí nghiệp tìm ra bí quyết bảo tồn gà Mía.
Tháng 9.2014, gà Mía nuôi tại Xí nghiệp Chăn nuôi gia cầm Hadico đã được công nhận giống gốc. Hiện tại Xí nghiệp đang sở hữu đàn gà “bố mẹ”, “ông bà” giống gốc thuần khoảng 30.000 con, được chăm sóc theo một quy trình đặc biệt tại trang trại rộng 11ha ở xa khu dân cư. Khu lò ấp được đầu tư máy ấp và máy nở hiện đại, mỗi năm “ra lò” khoảng 1,5 - 2 triệu con gà Mía, cung cấp cho các hộ nông dân, trang trại, gia trại khắp thành phố Hà Nội và nhiều tỉnh thành khác như Hoà Bình, Bắc Giang, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Hà Nam…
Gà Mía giống gốc của Xí nghiệp Hadico.
“Ăn, ngủ” cùng gà
Ông Hà Văn Chiến ở thôn Mông Phụ (xã Đường Lâm) được mệnh danh “Vua gà Mía”. Ông Chiến hiện đang sở hữu trang trại gà Mía mẹ và thương phẩm lớn nhất vùng.
Vốn không xa lạ gì với gà Mía, bởi từ hàng chục năm nay, gia đình ông vẫn duy trì đàn gà vài chục con, nhưng chăn kiểu “thả lã”, phục vụ nhu cầu gia đình. Ông Chiến chỉ thực sự “sống chết với gà” từ năm 2009, khi ông mua gom đất để lập trang trại rộng 2ha. Tại đây ông xây dựng khu chuồng trại cho gà Mía đẻ và khu chăn thả gà thương phẩm.
Từ ngày mở trang trại, vợ chồng ông Chiến cũng dọn ra “ở chung” với gà. 7 năm trôi qua, trang trại được mở rộng, quy mô nuôi tăng thêm, nhưng vợ chồng ông vẫn ở trong gian nhà chừng 30m2 lụp xụp, không khác mấy so với chuồng gà. Hiện trang trại của ông đang nuôi 3.000 gà Mía mẹ và 2.000 gà Mía thương phẩm. Năm nay thu nhập của nhà ông trông mong cả vào đàn Mía thương phẩm đã 4 tháng tuổi, phục vụ dịp Tết.
Trang trại của ông Chiến được chăn thả theo hình thức bán tự nhiên. Trên diện tích đất ông trồng sắn, vừa lấy bóng mát, che mưa, vừa là nguồn thức ăn khi sắn ra củ. Nguồn thức ăn chính gồm cám ngô trộn với bã bia. Còn lại gà tự bới đất ăn cỏ, giun và củ sắn tươi… Cách chăn thả này giúp cho gà tăng trưởng tốt mà chất lượng thịt vẫn thơm ngon, săn chắc.
Theo ông Chiến, giai đoạn vất vả nhất là khi gà từ một ngày tuổi đến 30 ngày tuổi. Khi đó gà vừa mới ra lò, làm quen với môi trường tự nhiên. Gà cần được chăm sóc bằng quy trình đặc biệt. Nhiệt độ duy trì từ 25 đến 270C, mỗi ngày cho ăn 5 đến 6 lần, thức ăn không được dư thừa, nước cũng phải vừa đủ. Nếu sơ sểnh gà mắc bệnh đi ngoài thì coi như trắng tay. Gà từ khi ra lò đến lúc 2 tháng tuổi phải qua 8 lần sử dụng vacine (4 lần tiêm và 4 lần uống). “Giai đoạn này hầu như lúc nào tôi cũng ở trong chuồng gà. Tới khi gà được 2 tháng tuổi thì nhàn hơn, hằng ngày chỉ mỗi việc mang thức ăn đổ ra vườn, ngày mưa, trời tối chúng biết tự vào chuồng”, ông Chiến bảo.
Gà Mía của ông Chiến nuôi thả tự nhiên trong vườn sắn
Mắc ở đầu ra
Những người nuôi gà như ông Chiến đối mặt với nguy cơ lớn nhất là gà bị dịch bệnh. Ông tính toán, mỗi lứa gà chỉ được phép hao hụt khoảng 5%, nếu hao hụt quá 10%, coi như lỗ vốn. Đó là chưa kể giá cả bấp bênh. Nếu được giá, chỉ một vụ là thắng cả năm, nhưng nếu giá cả cứ bấp bênh như vài năm vừa rồi thì chỉ “lấy công làm lãi”. Bởi thế, dù sở hữu đàn gà “khủng”, cũng chưa khi nào bị dịch bệnh, nhưng mỗi năm vợ chồng ông chỉ thu về trên dưới 100 triệu đồng.
Hiện những người nuôi gà Mía ở Đường Lâm đã liên kết với nhau thành lập Hội sản xuất và tiêu thụ gà Mía với 24 thành viên. Họ cùng nhau trao đổi kinh nghiệm, kế hoạch thời vụ, chuẩn bị làm khu chế biến. Vấn đề xây dựng thương hiệu gà Mía cũng được tính đến… Tuy nhiên, theo ông Chiến, mọi việc mới chỉ là trong ý tưởng và vấn đề thị trường tiêu thụ vẫn chưa có lời giải.
Ông Chiến cho rằng, mối quan tâm lớn nhất của người nuôi gà là thị trường tiêu thụ. Dù chăn nuôi giỏi đến đâu, gà không hao hụt, tăng trưởng tốt nhưng chỉ cần “rớt giá” thì coi như “làm không công”, thậm chí thua lỗ. Để không bị phụ thuộc vào thương lái, ông Chiến bỏ công tìm hiểu những cơ sở giết mổ để liên kết, nhưng phần vì quy mô nhỏ, phần vì họ lệ thuộc kênh phân phối nên chẳng khác thương lái là bao. Một số siêu thị cũng đến trang trại tìm hiểu, nhưng sau khi đưa ra các tiêu chí, quy định, khiến những trang trại như ông không đáp ứng được.
Gà Mía thuần chủng khoảng 4 tháng tuổi do chính tay ông Chiến chọn lựa
Có lẽ nếu chỉ dựa vào các hộ đơn lẻ mà không có bàn tay doanh nghiệp thì con gà Mía vẫn chỉ quẩn quanh ở “ao nhà”. Những người ngày đêm ăn ở cùng gà Mía như ông Chiến cũng chưa một ngày được thảnh thơi.
Trứng gà Mía có màu trắng hồng, lòng trứng màu vàng ăn rất ngon và có mùi thơm đặc trưng, đặc biệt là vào mùa trứng gà so. Thịt gà Mía thơm ngon, vị ngọt, đậm đà, dai thịt chứ không mềm như gà công nghiệp và cũng không dai quá như gà ta. Nên gà Mía chỉ ăn một lần là nhớ mãi.