Điểm đến ngày càng chất lượng
Năm 2001, du lịch được Chính phủ định hướng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Tuy nhiên, chỉ khoảng 10 năm trở lại đây, ngành công nghiệp không khói của Việt Nam mới thực sự bùng nổ nhờ hàng loạt chính sách kích cầu và sự vào cuộc của nhiều tập đoàn tư nhân lớn.
Nếu như năm 2000, Việt Nam chỉ đón được hơn 2 triệu lượt khách quốc tế (bằng 1/20 Philippines; bằng 1/40 các nước phát triển khác như Singapore, Malaysia, Thái Lan) thì giai đoạn 2015 – 2019, du lịch Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc về các chỉ số quan trọng: lượng khách quốc tế tăng 2,3 lần, từ 7,9 triệu lên khoảng 18 triệu lượt, tăng bình quân khoảng 22% mỗi năm.
Cầu Vàng - Sun World Ba Na HillsTừ một điểm đến nghèo nàn về trải nghiệm, Việt Nam gây ấn tượng mạnh bằng những sản phẩm du lịch độc đáo và hàng loạt khu vui chơi giải trí và nghỉ dưỡng sang trọng, đẳng cấp dọc chiều dài đất nước.
Tại lễ trao giải thưởng “Oscar của ngành du lịch” - World Travel Awards (WTA) 2020, Việt Nam được xướng tên ở ba hạng mục: Điểm đến Di sản hàng đầu châu Á, Điểm đến Văn hóa hàng đầu châu Á và Điểm đến Ẩm thực hàng đầu châu Á. Trong khi đó, tạp chí du lịch nổi tiếng Condé Nast Traveler cũng bình chọn Việt Nam ở vị trí thứ 9 trong 20 quốc gia là điểm đến của năm 2020.
Những “cánh tay nối dài”
Theo ông Graham E.Cooke – người sáng lập WTA, Việt Nam đang có những đóng góp ngày càng lớn cho du lịch toàn cầu theo hướng bền vững, từ đó rất nhiều cơ hội kinh doanh được mở ra. Các doanh nghiệp Việt Nam đang đầu tư hạ tầng và cơ sở vật chất ngày càng tốt hơn, những khu nghỉ dưỡng chất lượng cao hơn, chất lượng dịch vụ khách sạn cũng được cải thiện rõ rệt nhờ có sự đào tạo đồng bộ từ các doanh nghiệp này.
Bằng việc thu hút mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư từ những nhà đầu tư chiến lược như Sun Group, Vingroup… du lịch Việt Nam đã phát triển được hệ thống sản phẩm, dịch vụ, cơ sở vật chất chuyên nghiệp, đẳng cấp, quy mô trong một thời gian ngắn. Sự đầu tư có tâm và có tầm vào những địa phương có ý nghĩa trọng điểm đối với du lịch Việt Nam như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Phú Quốc, Lào Cai, Tây Ninh... không chỉ thay đổi bộ mặt của điểm đến mà còn tạo ra động lực và đòn bẩy cho sự phát triển du lịch, kinh tế của cả vùng.
Năm 2019, lần đầu tiên cái tên Lào Cai được xướng lên trong một lễ trao giải quốc tế. Theo đó, khu du lịch Sun World Fansipan Legend và khách sạn 5 sao quốc tế Hotel De La Coupole - MGallery do tập đoàn Sun Group đầu tư tại Sa Pa, Lào Cai được World Travel Awards vinh danh là “Điểm du lịch văn hóa hấp dẫn hàng đầu thế giới 2019” và “Khách sạn có thiết kế hàng đầu thế giới” cùng giải thưởng đặc biệt “Khách sạn biểu tượng của thế giới”.
Năm 2020, du lịch Lào Cai lại tiếp tục tỏa sáng trên đấu trường quốc tế với giải thưởng "Điểm du lịch văn hóa hấp dẫn hàng đầu Thế giới 2020" – Sun World Fansipan Legend và Hotel De La Coupole - MGallery năm thứ hai liên tiếp trở thành "Khách sạn biểu tượng hàng đầu Thế giới".
Trước đó, những hình ảnh xa hoa mà đầy màu sắc văn hóa của khách sạn 5 sao quốc tế này cũng đã đốn tim hàng triệu du khách khi xuất hiện ấn tượng trên CNN, trong khi Tàu hỏa leo núi Mường Hoa tại Sun World Fansipan Legend đẹp đến ngỡ ngàng trong những thước phim của hãng thời trang danh tiếng Louis Vuitton.
Năm 2019 là năm gây dấu ấn mạnh mẽ của du lịch Đà Nẵng tới thế giới với sự xuất hiện của Cầu Vàng tại Sun World Ba Na Hills, tạo nên một "cơn sốt" trên truyền thông quốc tế, mang về cho Đà Nẵng một lượng khách tăng trưởng đột phá. Trang web du lịch lớn nhất thế giới Tripadvisor cũng tôn vinh Đà Nẵng trong Top Điểm đến thịnh hành thế giới (Trending Destinations).
Trong khi đó, JW Marriott Phu Quoc Emerald Bay và Premier Village Phu Quoc Resort tiếp tục viết tên đảo Ngọc Phú Quốc lên bản đồ nghỉ dưỡng xa xỉ thế giới, với hàng loạt giải thưởng “Khu nghỉ dưỡng dành cho tiệc cưới sang trọng bậc nhất thế giới", “Khu nghỉ dưỡng biệt thự biển hàng đầu thế giới”...
Đánh giá về những công trình này, ông Graham E.Cooke chia sẻ: “Tôi cho rằng những cơ sở hạ tầng mà Sun Group đã tạo dựng đều là những công trình có chất lượng cao nhất ở Việt Nam. Họ đã xây dựng cáp treo, sân bay… và bất cứ quốc gia nào cũng cần có cơ sở hạ tầng để ngành du lịch có thể phát triển”.
Sự phát triển của du lịch cũng đồng thời mang tới sự phát triển kinh tế, đời sống xã hội, không chỉ từng bước khẳng định thương hiệu du lịch Việt Nam theo hướng chất lượng cao và hiện đại, trở thành điểm sáng trên trường quốc tế mà còn khẳng định bản lĩnh của người Việt, đưa Việt Nam "sánh vai với các cường quốc năm châu" trên thế giới.