dd/mm/yyyy

Đổi cách bán hàng, nông sản không lo ế bất kể covid

Nhiều loại cá đặc sản, rau xanh của Kiên Giang vẫn đến tay khách hàng một cách thuận tiện trong mùa dịch nhờ các chủ cơ sở làm quen, thay đổi cách bán hàng.

Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, một số chủ cơ sở kinh doanh, tiểu thương nhanh nhạy đáp ứng nhu cầu khách hàng bằng cách chuyển từ bán trực tiếp sang hình thức bán online.

Thay đổi thói quen tiếp thị đặc sản

Khảo sát tại TP.Rạch Giá (Kiên Giang) cho thấy, đứng trước thực tế dịch bệnh kéo dài khiến khách đến chợ truyền thống giảm, nhiều tiểu thương thay đổi suy nghĩ, tiếp cận cách bán hàng qua các ứng dụng mạng xã hội như Zalo hay Facebook.

Bà Nguyễn Thị Ngân - tiểu thương bán rau tại chợ Tắc Ráng chia sẻ, ban đầu bà ngại bán hàng qua mạng xã hội. Tuy nhiên, sau vài lần được con gái hướng dẫn, bà thấy quen và khá thuận lợi, lại không phải tiếp xúc trong thời điểm dịch bệnh. Hiện tại, bà Ngân tự quay video, chụp ảnh rau, cải các loại, trái cây mới về đăng lên mạng xã hội cho khách hàng lựa chọn. Nhờ đó, bà Nga vẫn giữ được các mối khách quen và doanh thu ổn định gần như khi chưa có dịch. "Có Facebook, Zalo cá nhân của mình, khách xem và đặt hàng qua tin nhắn. Từ khi có dịch bệnh, chợ vắng nhưng vẫn bán được hàng nhờ khách liên hệ qua điện thoại" - bà Ngân cho biết.

Đổi cách làm, bán nông sản thuận lợi - Ảnh 1.

Anh Đoàn Ngọc Dũng - chủ cơ sở sản xuất tinh dầu Nathea, thị trấn Tân Hiệp (Tân Hiệp) chuẩn bị hàng giao cho khách. Ảnh: An Lâm

Tính từ ngày 19/7 đến 12/9/2021, Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang (thông qua Trung tâm Hỗ trợ nông dân và Giáo dục nghề nghiệp) đã trực tiếp hỗ trợ giúp nông dân tiêu thụ được trên 177 tấn các loại nông, thủy sản các loại. Cán bộ của trung tâm còn chủ động hỗ trợ nông dân tiêu thụ hàng hóa thông qua việc đăng tải bán hàng qua Facebook, Zalo.

Trang Facebook Đặc sản Kiên Giang chuyên bán hải sản các loại với giá niêm yết công khai, khách hàng chỉ cần gọi điện thoại hoặc đặt qua Zalo đã có hải sản tươi, không tẩm ướp hóa chất giao tận nhà. Theo chị Hoàng Thị Hằng - chủ cửa hàng đặc sản Kiên Giang ở số 278 Lê Hồng Phong, phường An Hòa (TP.Rạch Giá), bán hàng online ngoài khách hàng trên mạng xã hội còn có khách quen nên sản phẩm bán ra phải chất lượng, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng mới giữ được lòng tin khách hàng.

Cơ sở của chị Hằng chuyên cung ứng các mặt hàng hải sản tươi sống từ Nam Du (Kiên Hải) và Phú Quốc, hầu hết đều được sơ chế trước khi đến tay người tiêu dùng như mực lá, cá thu, cá ngừ, hàu… và một số thực phẩm được chế biến sẵn như chả cá, tôm tích…

Đáp ứng nhu cầu khách hàng, chị Hằng nhận giao hải sản đi các tỉnh và TP.HCM nhờ kết nối với xe giao hàng được cấp luồng xanh và thanh toán bằng chuyển khoản. Ngoài những thứ có sẵn, khi khách hàng tại các tỉnh có nhu cầu về thực phẩm khác, chị Hằng cũng sẵn lòng mua và gửi kèm.

Trước khi có dịch, chị Hằng cung ứng hải sản cho các quán ăn ở các tỉnh. Từ khi giãn cách, chị cố gắng duy trì lấy hàng tại các đầu mối quen để giữ chỗ làm ăn và khách quen. "Hiện tôi chủ yếu bán cho khách quen, đơn hàng chủ yếu đi các tỉnh nhưng không ổn định, chi phí giao hàng tăng lên vì phải qua 2-3 khâu. Để tiết kiệm chi phí, tôi tự làm hết các phần việc để lấy công làm lời đồng thời gom nhiều đơn mới gửi 1 lần để giảm chi phí thuê xe" - chị Hằng nói.

Trong khi đó, anh Đoàn Ngọc Dũng - chủ cơ sở sản xuất tinh dầu Nathea, số 234 khu phố Đông Hưng, thị trấn Tân Hiệp (Tân Hiệp, Kiên Giang) cho biết, trước khi có dịch, doanh số bán hàng trung bình của cơ sở dao động từ 180-220 triệu đồng/tháng. "Thời gian cửa hàng đóng cửa vì thực hiện giãn cách xã hội, tôi chuyển sang kinh doanh online. Việc này vừa duy trì mua bán vừa có nguồn thu hỗ trợ lương nhân viên thất nghiệp" - anh Dũng cho biết.

Tấm vé gián tiếp xuất khẩu nông sản

Theo anh Dũng, từ kết quả bán hàng online, hiện nhiều khách hàng quan tâm đến sản phẩm tinh dầu loại xông mũi và pha vào nước tắm ngừa cảm mạo nên các sản phẩm tinh dầu khuynh diệp, sả, gừng, tràm, chanh bán chạy. Ngoài ra, mật ong rừng U Minh, tinh bột nghệ cũng được khách hàng trong và ngoài tỉnh tìm mua khá nhiều. Từ đó, giúp cơ sở của anh Dũng có doanh thu 2 tháng qua hơn 80 triệu đồng.

Nhằm giúp nông dân tìm đầu ra cho các mặt hàng nông, thủy sản, trong thực hiện sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh cũng đã kịp thời tháo gỡ ách tắc, đẩy mạnh lưu thông hàng hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động vận chuyển - thu mua hàng hóa, tiêu thụ nông - thủy sản…

Bên cạnh đó, chính quyền cơ sở, các tổ chức đoàn thể cũng đã và đang tiếp tục phát huy vai trò, tích cực hỗ trợ tiêu thụ nông sản hàng hóa, giúp giảm bớt khó khăn cho nông dân. Trong đó, đáng chú ý là các hoạt động thiết thực như tạo điều kiện cho nông dân mở gian hàng, gửi thư ngỏ đến nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh, kết nối quảng bá, đăng tin rao bán nông sản trên các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook…

Những hoạt động này đã, đang và sẽ được tiếp tục phát huy, mang lại hiệu quả thiết thực, giúp nông dân tiêu thụ nông sản trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay.

Bà Phan Kim Loan - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ nông dân và Giáo dục nghề nghiệp tỉnh cho biết: "Mạng xã hội đang trở thành một thị trường lý tưởng, không chỉ là kênh tiêu thụ hiệu quả mà còn giúp quảng bá sản phẩm của các địa phương. Từ đó đưa khoảng cách giữa người nông dân và khách hàng lại gần hơn, bỏ qua các khâu trung gian. Người nông dân sẽ tránh được tình trạng bị thương lái ép giá, hay lo cảnh được mùa mất giá, giải cứu nông sản". 

Chúc Ly - An Lâm