dd/mm/yyyy

Độc đáo phong tục mổ lợn béo, gói bánh chưng đen ngày giỗ tết

Vào dịp giỗ, tết, người Thu Lao ở Lào Cai có phong tục rất độc đáo. Cúng ông bà tổ tiên phải là con lợn do gia chủ tự tay chăm sóc, vỗ béo rồi chờ chọn ngày đẹp để mổ thịt.

Con lợn được hóa kiếp trên tấm phản ngay trước ban thờ, vừa mổ lợn, người ta vừa thắp hương khấn báo công với tổ tiên về thành quả trong năm cũ, cầu một năm mới làm ăn nhiều may mắn.

Khi những nhành đào rừng khoe sắc thắm trên những con đường ngoằn ngoèo dẫn vào thôn Sán Chá (xã Thào Chư Phìn, huyện Si Ma Cai, Lào Cai) thì cũng là lúc bà con nơi đây rộn ràng đón Tết.

Nét xuân. Ảnh: Võ Văn Hoàng
Nét xuân. Ảnh: Võ Văn Hoàng

Cũng như những người anh em ở bản khác, người Thu Lao ở xã Thào Chư Phìn vẫn giữ tục mổ lợn Tết rất độc đáo. Con lợn được gia chủ tự tay chăm sóc, chọn ngày đẹp để mổ thờ cúng ông bà tổ tiên. Con lợn được làm ngay trên tấm phản trước ban thờ, vừa mổ lợn, người ta vừa khấn thắp hương báo công với tổ tiên về thành quả trong năm cũ, cầu một năm mới làm ăn gặp nhiều may mắn.

Ông Séo Sao Lẻng ở Thôn Sán Chá (xã Thào Chư Phìn, Si Ma Cai) nói, “nhà có điều kiện thì mổ con to, không có thì mổ con nhỏ. Ngày Tết tất cả đều đi lấy bánh, lấy thịt để cúng bàn thờ, không nhà nào thiếu cả”.

Một sản vật khác không thể thiếu trong ngày Tết của người Thu Lao đó là bánh chưng đen. Những chiếc bánh chưng được gói bằng gạo nếp nương do bà con tự tay trồng cấy, hạt to tròn và thơm. Lạ là để bánh chưng có màu đen, người ta cho trộn bột than của một loại cây đặc biệt được lấy từ rừng già với gạo nếp nương đã được ngâm và vo kỹ. Sau đó, tất cả được bàn tay người phụ nữ Thu Lao khéo léo gói lại bằng dây rừng. Khi bánh chưng được luộc trong nhiều giờ đồng hồ, thứ bột đặc biệt này quện với hương vị của nhân đỗ xanh, và của nếp nương khiến những chiếc bánh của người Thu Lao có hương vị rất thanh mát, và ăn không thấy chán.

Việc gói bánh còn thể hiện sự đảm đang, tháo vát của người phụ nữ Thu Lao. Bà Ma Chấn Lèn ở thôn Sán Chá (xã Thào Chư Phìn, Si Ma Cai) cho biết, Tết nào mình cũng phải dạy con cháu cách gói bánh, để sau này chúng nó còn biết làm để thờ cúng tổ tiên.

Theo truyền thuyết, thủa ban đầu mới lập bản, con trâu, con ngựa, con chim, con chó là những loài vật rất gần gũi, có công giúp người Thu Lao xây dựng cuộc sống. Khi xưa, người Thu Lao còn đói, con chim tha hạt thóc về gieo trồng trên đất Sán Chá, con trâu cày những thửa ruộng để mở rộng sản xuất cho mùa màng bội thu, còn con chó trông nhà, trung thành luôn theo sát người dân bản. Chính vì vậy, người Thu Lao ở Sán Chá rất trọng các con vật nuôi, đặc biệt họ không ăn thịt chim, thịt chó vào ngày Tết.

Ông Lừu Xuân Thương ở thôn Sán Chá (xã Thào Chư Phìn, Si Ma Cai) cho biết, “những con vật này gần gũi và thân thiết trong gia đình, gia đình rất quý và thường xuyên chăm sóc. Ngày Tết gia đình chuẩn bị sẵn thức ăn cho con trâu, con bò, con chó, con lợn, con gà trong nhà. Mình ăn Tết thì chúng cũng được ăn no đủ”.

Xuân này, bản của người Thu Lao ở Thào Chư Phìn thực sự thay áo mới, nhà nhà ấm no, chất đầy bao gạo, bao ngô. Không chỉ vậy, bà con đã tiếp cận với những công nghệ mới như điện thoại cảm ứng để đọc tin tức hay xem tivi để biết được các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước cho bà con dân tộc thiểu số. Đặc biệt là học tập những nơi khác để phát triển kinh tế gia đình.

Hải Đăng