Giá rớt thủng đáy
Về Đồng Tháp, dọc theo các tuyến đường chính, dễ dàng nhận ra hình ảnh những nhà vườn bày bán những giỏ xoài chín cây. Đa phần xoài có trái to, màu đẹp, nhưng giá rẻ bất ngờ.
Ghé vào điểm bán xoài trên đường dẫn cầu Cao Lãnh (xã Tịnh Thới, TP.Cao Lãnh), chị Nguyễn Thị Út, mời chào hấp dẫn: Xoài (loại 4 trái/kg) cát chu 10.000đồng/kg, xoài cát Hòa Lộc 20.000đồng/kg, xoài được bao bọc xốp từng trái, đóng gói cẩn thận. Tôi thật sự ngạc nhiên khi xoài - loại cây ăn trái được mệnh danh là “nữ hoàng trái cây”, bởi giá trị kinh tế lẫn giá trị dinh dưỡng - giờ phải ra đường với giá dưới cả mức... bình dân. Nhưng đó vẫn chưa phải là giá cuối cùng. Thấy tôi lưỡng lự, chị Út hạ giá thêm: “Mua nhiều sẽ tính giá “hữu nghị”: Chu 8.000đồng/kg, Hòa Lộc 18.000đồng/kg”.
Là chủ của 1ha xoài, nhưng mấy ngày nay, ông Trần Ngọc Triển (53 tuổi, ấp Tân Chủ, xã Tân Thuận Tây, TP.Cao Lãnh, Đồng Tháp) ăn ngủ không yên vì xoài đã tới lứa thu hoạch mà khó tìm được lái mua.
“Hiện giá lái mua tại vườn xoài Chu 3.500đồng/kg, Hòa Lộc 15.000đồng/kg (loại 1), không mua xoài loại 2 trở xuống. Tính nhẩm, với giá này, mỗi công xoài, lỗ khoảng 6 triệu đồng” - ông Triển cho biết. Nhưng nếu không bán sẽ càng lỗ nặng hơn. Bởi kéo dài, xoài chín vàng cây, lái không mua, lỗ càng lớn thêm. Do vùng ĐBSCL đang vào mùa thu hoạch rộ, xoài dọa chín trên cây, trong khi đó do nhiều nguyên nhân, đầu ra đang hẹp nên nhà vườn tìm cách bán tháo...
Hái xoài chín cho cá, ốc ăn
Ông Triển vẫn được xem là may mắn, vì còn bán được xoài nhờ trồng giống đặc sản, chất lượng cao. Bởi với nhiều người, trồng giống xoài truyền thống, chất lượng không cao, tình hình càng bi đát hơn.
Về xã Bình Thạnh, địa phương từng được mệnh danh là “Tiểu vương quốc xoài” của huyện Cao Lãnh với trên 1.000ha chuyên canh xoài, chúng tôi tận mắt chứng kiến cảnh tượng không thể đau lòng hơn: Nhà vườn hái xoài chín cây cho ốc ăn, vì khó tìm được đầu ra dù chấp nhận giá rẻ như cho.
Từng nổi tiếng với vai trò đi đầu địa phương trong việc phá vườn tạp lập vườn cây ăn trái, hơn 20 năm trước, cha ông Nguyễn Văn Lợi Em, ấp Bình Mỹ A (Bình Thạnh) đã trồng gần 6.000m2 xoài với đủ các giống nổi tiếng lúc bấy giờ: Xoài ghép, xoài thơm, xoài lai... Tuy nhiên, giờ các giống xoài này không đáp ứng nhu cầu số đông người tiêu dùng nên anh Lợi Em khó bán. Hiện thương lái mua xoài loại nhất với giá 4.000đồng/kg, nhưng với số lượng cầm chừng mỗi ngày vài trăm ký. “Riêng xoài loại nhì, mua với giá như cho: 1.800đồng/kg, nhưng có hôm mua vào, hôm không. Trong khi đó do nằm giữa vùng xoài, nên không thể bán cho người trong xóm” - anh Lợi Em chia sẻ. Trước áp lực xoài chín vàng cây, anh Lợi Em hái xoài chín cây (10-30kg/ngày) cho ốc tự nhiên dưới mương vườn xoài ăn với hy vọng thu lại từ nguồn bán ốc thịt, như cách vớt vát từ những vất vả với trái xoài.
Riêng với người trồng xoài Đài Loan tình cảnh càng khó khăn hơn. Hiện giá mua chỉ dao động ở mức 2.000đồng/kg. Nhưng do là loại xoài ăn sống nên càng khó tìm đầu ra. Xoài chín, nhà vườn hái cho cá ăn. Tuy nhiên, đáng lo hơn là số người này không hề nhỏ. Bởi chỉ riêng thống kê của Sở Công Thương Đồng Tháp, trong số 9.736ha trồng xoài trong toàn tỉnh, thì diện tích cây xoài ngoài cát Chu và Hòa Lộc chiếm đến trên 1/3 (3.310ha).
Có phải do dịch?
Xoài rớt giá hiện nay, có phải do dịch COVID-19 làm “tắc” đầu xuất khẩu...? Các chuyên gia cho rằng, không hẳn như vậy.
Theo ThS Nguyễn Phước Tuyên, chuyên gia nghiên cứu nông nghiệp độc lập tỉnh Đồng Tháp, trước hết đây là chu kỳ rớt giá theo quy luật: “Trái cây Việt Nam thường sụt giá vào thời điểm từ tháng 4 đến tháng 6 hàng năm. Do đây là thời điểm thu hoạch rộ nhiều loại cây ăn trái nên người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn. Năm nay, xoài trúng mùa nên khả năng này càng tăng hơn”.
Theo ThS Tuyên, sự kiện xoài rớt giá không hẳn do tắc đầu xuất khẩu. Bởi trong số khoảng 57 dòng/giống xoài ở Nam Bộ, chỉ có xoài cát Hòa Lộc và cát Chu là chất lượng cao. Nhưng 2 giống xoài này lại không đủ sức đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng nên không thể bước ra được sân khách mà còn thua ngay trên sân nhà.
Cụ thể, cát Chu, đặc biệt là Hòa Lộc vỏ rất mỏng dễ hỏng và chỉ có tuổi thọ 9 ngày sau khi thu hoạch, so với xoài ngoại là hơn 20 ngày nên việc xuất khẩu chưa từng là thế mạnh. Thậm chí, theo thống kê quốc tế, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 7 về nhập khẩu xoài với mức bình quân là 100.000USD/năm so với xuất khẩu là 155.000USD/năm. Nói cách khác, xoài tiêu thụ chủ yếu trong nước. Trong khi đó, đây là mặt hàng ăn bổ sung, nên khi xã hội gặp khó khăn, phải dồn sức tập trung tích trữ lương thực và các mặt hàng yếu phẩm thì mặt hàng xoài gặp khó là tất yếu.
ThS Tuyên đặc biệt lưu ý đến “cái chết lâu dài” của xoài Đài Loan ở ĐBSCL được xem là dành riêng cho xuất khẩu sang Trung Quốc. Bởi ngoài nguy cơ về cửa khẩu như hiện nay, loại xoài này đang đứng trước sự cạnh tranh bất lợi ngay trong “nội bộ”. Hiện nhiều địa phương phía Bắc đã trồng 10.000ha và một số doanh nghiệp Việt Nam thuê đất Lào trồng với quy mô rất lớn. Với lợi thế vượt trội về khoảng cách xuất khẩu, các địa phương này sẽ dễ dàng cạnh tranh về giá xuất. Như thế, người trồng xoài Đài Loan vùng ĐBSCL thường xuyên đối mặt với khó khăn...
Hợp tác cũng khó... thoát
Được xem là lá chắn bảo vệ người trồng xoài trước những tác động tiêu cực của thị trường, nhưng giờ đây người tham gia Hợp tác xã tiêu thụ xoài ở Đồng Tháp cũng đối mặt với thua lỗ. Anh Hồ Văn Hữu, Phó Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Xoài Tân Thuận Tây (TP.Cao Lãnh) cho biết, hiện HTX mua xoài Chu với giá 5.000-5.500đồng/kg, cao hơn thị trường tối thiểu là 1.000đồng/kg. Nhưng đây là mức thấp nhất trong lịch sử 5 năm gần đây. Bởi thời điểm này, năm 2019, HTX mua xoài với giá 9.000đồng/kg. Với nhà vườn, giá thu mua này là lỗ trắng tay. Bởi do đầu tư thêm cho công đoạn bao trái, thu hoạch, cộng với tiền phân thuốc, giá bán phải từ 10.000 đồng trở lên thì nhà vườn mới có lãi.