dd/mm/yyyy

Đậu đen, đậu xanh, đậu đỏ đều được nhiều người yêu thích, nhưng loại nào tốt hơn?

Đậu đen, đậu xanh, đậu đỏ đều là loại ngũ cốc được nhiều người yêu thích, vậy nhưng loại nào tốt hơn cho sức khoẻ?

Đậu đen, đậu xanh, đậu đỏ là loại ngũ cốc quen thuộc trong thực đơn hàng ngày. Các loại đậu này không chỉ thơm ngon mà còn rất tốt cho sức khoẻ. Tuy nhiên mỗi loại đậu này sẽ có những tác dụng và hạn chế nhất định mà có thể bạn chưa biết được.

Đậu đen

Tác dụng của đậu đen

Bài viết của ThS Hoàng Khánh Toàn trên Báo Sức khoẻ & Đời sống cho biết, đậu đen còn được gọi là hắc đại đậu, ô đậu, đông đậu tử... là loại ngũ cốc rất thông dụng trong đời sống. Về mùa hè, đậu đen được dùng rất rộng rãi nấu cháo, làm các loại chè để giải nhiệt.

Theo sách thuốc cổ, đậu đen có vị ngọt, tính bình lợi về kinh tỳ và thận, có công dụng hoạt huyết giải độc, khứ phong lợi thủy, bổ thận tư âm, điều trung hạ khí, thanh nhiệt giải biểu, kiện tỳ, dưỡng gan, minh mục (làm sáng mắt); dùng để trị các chứng thủy thũng, cước khí do phong độc, vàng da, các bệnh lý hậu sản, lở loét ngoài da, di niệu, tai ù tai điếc, thị lực kém do thận hư, viêm dây thần kinh...

Đậu đen dùng lâu có công dụng bổ thận, cường thận, tăng sức đề kháng, kéo dài tuổi thọ rất có lợi cho cả người già, trẻ em và phụ nữ sau khi sinh.

Lưu ý khi sử dụng đậu đen

Tuy mang lại nhiều lợi ích với sức khoẻ nhưng không phải ai cũng có thể sử dụng được đậu đen. Dưới đây là những người không nên dùng đậu đen và lưu ý khi sử dụng đậu đen.

Báo Vietnamnet dẫn nguồn Bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Tấn Vũ, giảng viên khoa Y học Cổ truyền, Trường Đại học Y Dược TP.HCM cho biết, đậu đen tốt cho sức khỏe nhưng khi dùng bạn không nên lạm dụng, ăn uống quá nhiều.

Bạn chỉ nên dùng đậu đen như món nước giải khát, tuần sử dụng 2-3 lần, mỗi lần khoảng 100-250ml vừa đủ không gây cảm giác no, không dùng nước đậu đen thay thế nước uống hàng ngày.

Những người cần hạn chế sử dụng đậu đen hoặc cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước:

Thứ nhất, người bị bệnh thận: Nước đậu đen có tác dụng lợi tiểu, do đó người có bệnh về thận cần thận trọng khi sử dụng.

Thứ hai, người đang uống thuốc có khoáng chất: Trong nước đậu đen chứa Phytat làm ảnh hưởng tới khả năng hấp thu của các chất trong cơ thể. Phytat gây cản trở cho việc hấp thu của các khoáng chất như sắt, kẽm, đồng, phốt pho.

Vì vậy, bạn không nên dùng nước đậu đen để uống các loại thuốc có chứa sắt, kẽm, can, đồng, canxi hoặc sử dụng thực phẩm có chứa các chất này… dẫn tới thiếu máu, loãng xương. Tốt nhất, thời gian lý tưởng để sử dụng đậu đen với các thực phẩm khác là cách nhau khoảng 4 giờ.

Đậu đen, đậu xanh, đậu đỏ đều được nhiều người yêu thích, nhưng loại nào tốt hơn? - Ảnh 1.

Đậu đen, đậu xanh, đậu đỏ, loại đậu nào tốt nhất cho sức khoẻ

Thứ ba, người mắc bệnh viêm đại tràng, đi ngoài phân lỏng, tiêu chảy, tiêu hóa kém không dùng đậu đen. Nếu bạn muốn uống thì phải rang lên và dùng với số lượng ít.

Thứ tư, trẻ nhỏ và người già, do hàm lượng protein trong đậu đen rất cao khiến cho người già, trẻ em hay người có thể trạng yếu, khó tiêu thụ hết lượng protein trong đậu đen, dễ dẫn đến các vấn đề về tiêu hóa, đầy bụng, đau bụng.

Đậu xanh

Tác dụng của đậu xanh

Bài viết trên website Bệnh viện Đa khoa Medlatec có sự tham vấn y khoa của BSCKI. Dương Ngọc Vân cho biết, đậu xanh chứa rất nhiều loại vitamin cũng như khoáng chất cần thiết đối với cơ thể mỗi chúng ta như glucid, cellulose, protid, lipid, Ca, P và vitamin A, C, B1,...

Bên cạnh đó, các chất Phosphatidylcholine hay Phosphatidylethanolamine trong loại đậu này sẽ giúp cải thiện hệ thống miễn dịch rất hiệu quả.

Ngoài ra, lợi ích của đậu xanh còn cung cấp những dưỡng chất tốt cho hệ tiêu hoá. Trong loại đậu này, chứa rất nhiều chất xơ, đặc biệt là Pectin. Đây là một loại chất xơ hoà tan có công dụng rất tốt trong việc tiêu hoá thức ăn.

Bên cạnh đó, chất kháng tinh bột trong đậu xanh rất có lợi đối với vi khuẩn đường ruột. Kháng tinh bột sẽ được các lợi khuẩn này tiêu hoá rồi chuyển hoá chúng thành axit béo để nuôi dưỡng, thúc đẩy sự miễn dịch và đặc biệt là phòng chống được bệnh ung thư ở ruột già.

Đậu xanh có tính mát. Cho nên, những món ăn được chế biến từ loại đậu này rất được nhiều người ưa chuộng trong mùa nóng để thanh nhiệt và giải độc. Bên cạnh đó, nó còn có lợi ích trong việc chống viêm và ngăn ngừa tình trạng sốc nhiệt.

Đặc biệt, chất chống oxy hoá Vitexin và Isovitexin trong đậu xanh sẽ bảo vệ cho các tế bào của cơ thể tránh khỏi những tổn thương có thể gây ra bởi sốc nhiệt.

Đậu xanh chứa một lượng cao chất xơ. Điều này sẽ giúp cơ thể chúng ta sau khi ăn có thể hạn chế được sự hấp thụ chất béo và cholesterol xấu gây hại cho tim. Hơn thế nữa, Kali trong loại đậu này sẽ hỗ trợ rất tốt trong việc duy trì mức huyết áp ổn định và tránh được nhiều bệnh liên quan đến tim mạch.

Những điều cần lưu ý khi sử dụng đậu xanh

Đậu xanh tốt cho sức khoẻ nhưng các chuyên gia khuyên bạn cần sử dụng đậu xanh đúng cách và vừa đủ. Dưới đây là những lưu ý khi sử dụng đậu xanh để tốt nhất cho sức khoẻ:

Không nên ăn thô đậu xanh mà nên nấu hoặc ngâm trong nước một khoảng thời gian rồi mới sử dụng.

Những người có thân nhiệt tính hàn với dấu hiệu tay, chân lạnh hoặc bị đi phân lỏng thì tuyệt đối không nên ăn đậu xanh.

Người lớn tuổi và trẻ em chỉ dùng một lượng ít đậu xanh mỗi ngày để tránh tình trạng khó tiêu.

Không dùng đậu xanh trong thời gian đang điều trị bệnh bằng thuốc vì có thể làm giảm tác dụng chữa trị.

Tránh ăn những món ăn hoặc nước uống có đậu xanh khi đói.

Đậu đỏ

Tác dụng của đậu đỏ

Khi nhắc đến họ nhà đậu với phần lớn là các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng, chắc hẳn không thể bỏ qua đậu đỏ. Một chén đậu đỏ khoảng 200gr nấu chín có chứa các chất dinh dưỡng sau:

  • Calo: 294;
  • Carbohydrate: 57g;
  • Protein: 17,3g;
  • Chất béo: 0,2g;
  • Chất xơ: 16,8g;
  • Mangan: 1,3mg (66% DV);
  • Phốt pho: 386mg (39% DV);
  • Kali: 1,224mg (35% DV);
  • Đồng: 0,2mg (34% DV);
  • Magiê: 120mg (30% DV);
  • Kẽm: 4,1mg (27% DV);
  • Sắt: 4,6mg (26% DV);
  • Thiamin: 3mg (18% DV);
  • Vitamin B6: 0,2mg (11% DV);
  • Riboflavin: 0,1mg (9% DV);
  • Niacin: 1,6mg (8% DV);
  • Canxi: 64,4mg (6% DV).

*DV là hàm lượng dinh dưỡng khuyến nghị mà cơ thể bạn cần phải hấp thụ mỗi ngày.

Cả Y Học Hiện Đại hay Đông Y đều công nhận đậu đỏ là nguồn thực phẩm có hàm lượng dưỡng chất cao, tính bình, mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe như:

  • Hỗ trợ kiểm soát tiểu đường, huyết áp, các bệnh về tim mạch
  • Hỗ trợ tăng cường hệ miễn dịch
  • Tăng cường cơ bắp, hỗ trợ giảm cân
  • Cải thiện sức sống làn da

Những điều cần lưu ý khi ăn đậu đỏ

Bài viết của tiến sĩ, lương y Phùng Tuấn Giang, Viện Nghiên cứu phát triển y dược cổ truyền Việt Nam cho biết, ngoài những lợi ích với sức khoẻ thì tác dụng phụ phổ biến nhất của việc ăn đậu là đầy hơi. Nếu chúng ta ngâm đậu khô thì không được dùng nước đã ngâm đậu để nấu vì nước này sinh ra nhiều khí. Các enzym tiêu hóa giúp giải cứu sự khó khăn trong việc tiêu hóa đậu.

Trên đây là những tác dụng và hạn chế của các loại đậu: đậu đen, đậu xanh, đậu đỏ đối với sức khoẻ. Tuỳ vào sở thích và nhu cầu sức khoẻ bạn hãy chọn cho mình một loại đậu tốt và phù hợp nhất nhé.


THANH THANH(Tổng hợp)