dd/mm/yyyy

Đất chín rồng trồng nấm theo hướng công nghệ cao

Khu vực ĐBSCL có tiềm năng cao về phát triển nghề trồng nấm ăn nhưng những năm qua nghề này vẫn chưa ổn định, do kỹ thuật trồng nấm còn thủ công, nhỏ lẻ…

Làm thế nào để sản xuất nấm ăn theo hướng công nghệ cao? Đó là vấn đề đặt ra cho người trồng nấm cũng như chính quyền, địa phương và nhà khoa học tại Diễn đàn khuyến nông @ nông nghiệp chuyên đề: “Phát triển sản xuất nấm ăn theo hướng công nghệ cao” do Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp với Sở NNPTNT tỉnh An Giang tổ chức.

Ông Trần Văn Khởi, Quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia chủ trì diễn đàn.
Ông Trần Văn Khởi, Quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia chủ trì diễn đàn.

Tiềm năng lớn

Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Trần Văn Khởi, Quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia, cho biết: Sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu ở nước ta có từ lâu đời, thời gian qua có nhiều thay đổi đáng kể. Năm 2012, Chính phủ đưa nấm là sản phẩm quốc gia, sau lúa gạo. Tuy nhiên, nấm là mặt hàng dạng rau, dễ bị hư hỏng nên việc tiêu thụ rất quan trọng, nếu không tiêu thụ kịp thời người trồng nấm sẽ thua lỗ; mô hình sản xuất nấm hiện còn nhỏ lẻ, bán cho thương lái không có hợp đồng bền vững; kỹ thuật nuôi trồng chưa thống nhất nên còn lúng túng khi gặp sự cố...

Theo báo cáo của Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), tổng sản lượng nấm của cả nước đạt 136.504 tấn trong năm 2016, ước tính tăng 111.158 tấn so với năm 2000. Tốc độ tăng trưởng sản lượng nấm qua các năm của Việt Nam bình quân đạt 11,88%/năm. Tuy nhiên, xu hướng tăng trưởng không đều qua các năm. Giai đoạn từ 2000 đến 2010 tăng nhanh từ 25.346 tấn lên đến 110.197 tấn. Từ 2011 đến 2012 sản lượng nấm có xu hướng giảm mạnh và dần phục hồi lại từ năm 2013. Nguyên nhân là do dịch bệnh gây hại làm giảm đáng kể năng suất của một số loại nấm chủ lực lực như nấm mỡ, nấm mộc nhĩ.

Riêng vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long là khu vực sản xuất nấm lớn nhất khu vực phía Nam với sản lượng gần 80.000 tấn /năm, nơi đây cũng tập trung nhiều đơn vị sản xuất kinh doanh meo giống nấm nhất.

Là một trong những tỉnh có tiềm năng sản xuất nấm lớn nhưng quy mô hiện còn nhỏ lẻ, kỹ thuật nuôi trồng, bảo quản chưa tốt, hiện tại An Giang có khoảng 104 hộ tham gia sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu, tập trung chủ yếu vào sản xuất nấm rơm và nấm bào ngư. Diện tích sản xuất nấm rơm của tỉnh An Giang tính đến năm 2016 vào khoảng 5.000 ha với sản lượng 60 tấn nấm rơm. Nấm bào ngư đạt 2,0 triệu bịch, ước tính sản lượng đạt 600 tấn nấm tươi. Tốc độ phát triển trung bình 2,32%/năm.

Chính vì vậy, ông Khởi mong muốn: “Tại Diễn đàn các nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân trồng nấm cùng nhau trao đổi, chia sẻ để tìm giải pháp từng bước hình thành ngành sản xuất nấm theo hướng sản xuất hàng hóa, tập trung, quy mô công nghiệp, từng bước ứng dụng công nghệ tiên tiến, hình thành chuỗi khép kín có sự gắn kết chặt chẽ từ khâu nghiên cứu, sản xuất, bảo quản, chế biến đến tiêu thụ, tạo thương hiệu nấm riêng cho từng vùng và thương hiệu nấm Việt Nam nói chung và tiến tới xâm nhập vào thị trường quốc tế; góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người trồng nấm, bảo vệ môi trường, chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, tạo ra hàng hóa có giá trị kinh tế cao phục vụ cho thị trường trong nước và xuất. khẩu”.

Phát triển theo hướng công nghệ cao

Tại diễn đàn rất nhiều ý kiến của bà con nông dân đặt ra xung quanh kỹ thuật trồng nấm, dinh dưỡng, chính sách hỗ trợ và liên kết phát triển bề vững… đã được các nhà khoa học, lãnh đạo Sở NNPTNT An Giang, Cục Trồng trọt và Trung tâm Khuyến nông quốc gia giải thích rất rõ ràng, đưa ra nhiều giải pháp thiết thực để phát triển nghề nấm theo hướng công nghệ cao trong thời gian tới.

Mô hình trồng nấm rơm ngoài trời ở Cần Thơ.
Mô hình trồng nấm rơm ngoài trời ở Cần Thơ.

Theo Cục Trồng trọt, giải pháp căn cơ phát triển nghề nấm là cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu về nấm, sưu tầm, bảo tồn nguồn gen các chủng loại nấm ăn - nấm dược liệu từ tự nhiên và trong sản xuất; nghiên cứu lai tạo, chọn lọc các chủng giống nấm mới cho năng suất, chất lượng cao và phù hợp với điều kiện tự nhiên của từng vùng sản xuất; xây dựng và quản lý hoàn thiện hệ thống bộ giống nấm; xây dựng hệ thống liên kết chặt chẽ từ sản xuất đến tiêu thụ, trong đó ưu tiên, khuyến khích sản xuất quy mô trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp; đa dạng hóa sản phẩm nấm để tận dụng các điều kiện theo yêu cầu thị trường…

Ông Lê Duy Thắng, nguyên giảng viên Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia TP.HCM chia sẻ, để phong trào trồng nấm đi vào chiều sâu và nghề nấm đạt nhiều thành tựu hơn cần giải quyết 3 vấn đề: Đổi mới công nghệ nuôi trồng nấm, để đưa cơ giới hóa và tự động hóa vào sản xuất; sản xuất nấm theo quy mô công nghiệp nhằm ổn định sản lượng và chất lượng nấm; nuôi trồng và sản xuất nấm sạch, đáp ứng thị trường trong nước, cũng như xuất khẩu.

Bài ảnh: Hồng Cẩm