dd/mm/yyyy

Cuộc sống mới ở Bó Luông

Đó là lời tâm sự của chị Lù Thị Sơn, bản Bó Luông (xã Chiềng Khoong, Sông Mã, Sơn La), một trong hàng nghàn hộ dân đã dời nơi ở cũ đến nơi ở mới vì dòng điện ngày mai của Tổ quốc.

Theo chân anh Nguyễn Văn Hiếu, cán bộ Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Sông Mã, chúng tôi tìm đến điểm tái định cư Bó Luông của xã Chiềng Khoong.

Đi trên con đường bê tông phẳng phiu dài gần 10 cây số, chúng tôi có mặt tại điểm tái định cư Bó Luông. Nghe bà con nông dân ở đây bàn chuyện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhất là phong trào thực hiện chủ trương trồng cây ăn quả trên đất dốc của tỉnh Sơn La, chúng tôi hiểu rằng nếp nghĩ, cách làm của người dân ở nơi ở mới đã được nâng lên rõ rệt. 

Sau khi được Nhà nước cấp đất sản xuất, đời sống của người dân ở điểm tái định cư Bó Luông ngày càng được nâng lên.

Được biết, để hiến đất cho Đảng và Nhà nước thực hiện dự án công trình thủy điện Sơn La, tháng 3.2008, 34 hộ dân ở bản Có, xã Liệp Muội, huyện Quỳnh Nhai nay là xã Nậm Ét phải dời nơi “chôn rau cắt rốn” đến nơi ở mới bản Bó Luông.

Không chỉ được cấp đất sản xuất, người dân nơi đây còn được Nhà nước quan tâm đầu tư công trình cấp nước sinh hoạt. 

Trò chuyện với chúng tôi, anh Lù Văn Chảnh – Trưởng bản Bó Luông, chia sẻ: Tính đến nay, số hộ của bản đã tăng lên 45 hộ (100% là bà con đồng bào dân tộc Thái) với 205 nhân khẩu. Về nơi ở mới, chúng tôi không những được Nhà nước cấp đủ đất ở, đất canh tác mà còn được đầu tư đường giao thông, trường học, nhà văn hóa, công trình nước sinh hoạt, điện lưới quốc gia nên bà con rất yên tâm lao động sản xuất.

Đường giao thông được xây dựng kiên cố tạo điều kiện thúc đẩy KT-XH ở Bó Luông phát triển.

Nằm cách nhà ông Chảnh hơn chục bước chân là nhà chị Lù Thị Sơn. Biết chúng tôi là nhà báo, chị Sơn chia sẻ: “Trước kia ở bản cũ, điện, đường, trường, trạm không có. Đất đai rộng nhưng trồng ngô, trồng sắn không lên nổi nên cái đói, cái nghèo cứ bám víu lấy cuộc sống của chúng tôi. Chuyến đến nơi ở mới, cuộc sống tốt hơn nơi ở cũ rất nhiều”. 

Nhà văn hóa được xây dựng khang trang tạo điều kiện cho người dân được họp hành.

Những chia sẻ của chị Sơn là hoàn toàn có cơ sở, bởi ở điểm tái định cư Bó Luông ngoài việc kết cấu hạ tầng được đầu tư đầy đủ, ở gần quốc lộ 4G, người dân còn được tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất. Bằng chứng là diện tích đằng sau những ngôi nhà sàn khang trang của các hộ dân nơi đây đã phủ kín màu xanh của cây nhãn ghép, xoài da xanh đang đua nhau đâm hoa kết trái.

Những vườn cây ăn quả đang đâm hoa kết trái hứa hẹn một mùa bội thu cho bà con bản Bó Luông.

“Trước, người dân chỉ biết trồng cây ngô, sắn nên mùa giáp hạt nào cũng đói triền miên. Sau khi chuyển đến nơi ở mới, bà con được Nhà nước cấp ruộng canh tác, hỗ trợ giống cây trồng, được tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi nên cuộc sống khá hơn trước nhiều lắm” – anh Chảnh bảo vậy. 

Nhận thức được nâng lên, bà con tích cực di chuyển gia súc ra khỏi gầm sàn.

Trao đổi với phóng viên Trang trại Việt, ông Hoàng Văn Thuyên – Giám đốc Ban quản lý dự án huyện Sông Mã, cho biết: Đến nay, các hộ dân tái định cư ở Bó Luông đã có cuộc sống ổn định. Điều quan trọng nhất là thay đổi trong nhận thức của người dân. Bà con đã biết áp dụng hiệu quả tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp như nuôi trâu bò nhốt chuồng gắn với trồng cỏ, chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế như nhãn, xoài... Vì vậy, thu nhập bình quân đầu người đang ngày một nâng lên qua các năm và tỷ lệ hộ nghèo ngày càng giảm.

Tuệ Linh