Nhà máy nhôm hồi sinh
Kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump khơi mào cuộc chiến thương mại cách đây vài tháng, thì tại quận New Madrid ở bang Missouri phía Tây nước Mỹ, người ta tránh nói về vấn đề thuế quan. Đây là địa phương chuyên trồng ngũ cốc và sản xuất kim loại. Tại khu vực này, nông dân và công nhân ngành luyện nhôm vẫn sát cánh bên nhau hàng ngày và họ bất ngờ bị phân chia thành “kẻ thắng - người thua”.
Thuế quan của ông Trump đối với thép và nhôm nhập khẩu đã làm hồi sinh một nhà máy luyện nhôm mà hầu hết người dân địa phương đều cho rằng nó đã bị phá sản và không thể gượng dậy.
Nhưng tại các cánh đồng xung quanh nhà máy và trên toàn quận, người nông dân lo lắng về việc sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu của Mỹ sẽ bị trả đũa thương mại. Vì vậy, họ đã trì hoãn việc mua máy móc thiết bị, bán trước vụ thu hoạch để chốt giá vì sợ giá sản phẩm sẽ còn tiếp tục giảm mạnh.
“Mọi người không muốn nói về thương mại”, Justin Rone, nông dân trong một gia đình có truyền thống trồng đậu nành và bông, nói.
Nỗi lo sợ của người nông dân trở thành hiện thực cách đây vài ngày, khi Mỹ và Trung Quốc chính thức đánh thuế đối với hàng hóa trị giá 34 tỉ đô la của nhau. Nhiều mặt hàng nông sản của Mỹ, bao gồm cả đậu nành, hiện đang phải đối mặt với mức thuế nhập khẩu 25%.
Ông Neil Priggel là một người biết rõ cả hai khía cạnh tác động của chiến tranh thương mại đối với cộng đồng của mình. Ông từng làm việc tại nhà máy luyện nhôm Noranda trước khi nó phá sản năm 2016. Hiện ông đang điều hành trang trại rộng 4.000 mẫu của gia đình.
Hồi tháng 3, khi Tổng thống Donald Trump công bố mức thuế đặc biệt đối với thép và nhôm nhập khẩu, ông Priggel theo dõi sát sao tin tức trên truyền hình và nghĩ: “Nhà máy nhôm đã được cứu. Chúng tôi sẽ có việc làm”. Song, một ý nghĩ khác cũng ập ngay tới: làm sao bảo vệ trang trại của mình.
Priggel và các nông dân khác ở đây, nơi khoảng 70% cử tri ủng hộ Tổng thống Donald Trump, nhận thức rõ rằng vụ mùa của họ là mục tiêu hiển nhiên của những quốc gia muốn trả đũa thuế quan của Mỹ. Họ cũng biết rằng, thuế mới của Mỹ nhằm vào thép và nhôm nhập khẩu sẽ giúp các ông chủ mở lại nhà máy nhôm ở địa phương, nơi mà trước đây việc làm đã tạo ra thu nhập tài trợ cho đủ mọi thứ, từ thanh toán nợ, mua máy móc thiết bị, mua vật dụng thiết yếu...
Bà Kathee Brown đã làm việc tại nhà máy nhôm Noranda trong ba thập kỷ. Tháng 3 vừa qua, bà trở lại nhà máy, làm việc ở bộ phận nhân sự (chỉ có một người). Dưới sở hữu của chủ mới, Noranda giờ mang tên Magnitude 7 Metals.
Những ngày gần đây, điện thoại của bà đổ chuông liên tục. “Có đúng là nhà máy đang quay lại không?”, “Bà có nhận được đơn xin việc của tôi không?”...
Trên chiếc bàn làm việc đầy bụi bặm của bà, ngăn kéo vẫn đầy ắp những hóa đơn cũ. Đa số người gọi đến là công nhân cũ của nhà máy. Đôi khi họ mừng rơi nước mắt khi bà Brown gọi điện lại.
Chủ sở hữu mới của nhà máy có kế hoạch thuê 465 người, song số người xin nộp đơn đã gấp đôi.
Nhiều người không tin là nhà máy có thể hồi sinh, giống như việc lần đầu tiên có một cơ sở sản xuất trả lương cao xuất hiện ở góc nông thôn vùng Missouri này vậy.
Kể từ khi nhà máy được xây dựng năm 1969, người lao động đã phải chứng kiến nhiều thăng trầm như thời kỳ giá nhôm giảm mạnh, các cuộc suy thoái kinh tế, các cuộc đình công và biểu tình để phản đối nhà cung cấp điện... Công ty đã từng cắt giảm ca làm việc, sa thải công nhân, rồi sau đó thuê lại. Tuy nhiên đến năm 2016, sau một loạt cú sốc trong đó có giá nhôm tụt dốc thảm hại, hai dây chuyền bị cúp điện, một tòa nhà xưởng bị nổ... thì nhà máy không thể gượng dậy.
1.000 công nhân đã phải đi tìm việc làm khác với mức lương thấp hơn nhiều.
“Có người mất nhà cửa, có người ly hôn”, Dick Bodi, Thị trưởng New Madrid, nói. Nhiều gia đình đã rời khỏi khu vực khiến các trường học bị giảm 10% tổng thu học phí.
Vào cuối mùa hè vừa qua, nhân viên của Noranda đã thu hẹp chỉ còn 9 người. Công việc của họ là bảo vệ nhà máy và cố gắng tìm cách để hồi sinh nó.
Đánh cược vào chính sách
Ông Steve Rusche, hiện là giám đốc điều hành của Magnitude 7 Metals, nằm trong số 9 người nói trên.
Trong quá trình làm việc, ông từng chứng kiến nhiều người mua tiềm năng đi thăm nhà máy, nhưng không phải để khởi động lại nó, mà để tìm cách chia nhỏ bán phế liệu.
Chỉ có ông Matt Lucke, một thương nhân ngành nhôm, là có ý định vận hành nhà máy, nếu nó có thể mang lại doanh thu.
Tháng 6 năm ngoái, Tổng giám đốc Magnitude 7 Metals, ông Bob Prusak đã tham dự cuộc điều trần tại Bộ Thương mại Mỹ trong phiên thảo luận công khai về cuộc điều tra đối với nhôm nhập khẩu. Tại đây, ông Prusak phát biểu rằng thuế quan là vấn đề cần thiết giúp công ty có thể khôi phục hoạt động.
Nhà máy đã tăng cường tuyển dụng và mở dây chuyền sản xuất đầu tiên vào ngày 14-6.
“Bây giờ, đã có hy vọng”, ông Bodi, Thị trưởng New Madrid, nói.
Trong khi đó, hy vọng lại đang mờ dần trên các trang trại của quận New Madrid.
Khu vực này nằm trong số các nhà sản xuất ngô và đậu nành hàng đầu của Missouri năm ngoái, theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA). Người nông dân trồng ngũ cốc đã bán hầu hết mùa màng của họ cho các đầu mối thu mua để xuất khẩu.
Sự trả đũa của Trung Quốc đã tấn công hàng loạt mặt hàng của Mỹ, bao gồm đậu nành, loại sản phẩm xuất khẩu nông nghiệp có giá trị nhất. Căng thẳng gia tăng giữa Mỹ với Mexico và Canada cũng có thể ảnh hưởng đến nông dân Mỹ khi Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ đang được đàm phán lại.
Người nông dân vốn đã bị tổn thương trước khi xảy ra xung đột thương mại, khi giá ngũ cốc thế giới giảm khiến thu nhập từ các trang trại giảm mạnh những năm gần đây.
Theo dữ liệu của USDA, khoảng một nửa số đậu nành của Mỹ đã được xuất khẩu năm ngoái. Hơn một phần tư vụ mùa, trị giá khoảng 12,3 tỉ đô la, được đưa đến Trung Quốc. Missouri đã xuất khẩu 2 tỉ đô la giá trị hàng hóa nông nghiệp, theo dữ liệu liên bang.
Một vài nhân viên trong trang trại của ông Rone đã nhanh chóng chán công việc làm nông nghiệp khi thấy cơ hội mới. Họ cho hay rất biết ơn Rone đã tiếp nhận sau khi bị mất việc ở nhà máy luyện nhôm, nhưng khi nhà máy mở cửa hồi sinh, họ vẫn muốn nộp đơn để xin quay trở lại.
“Tôi vui thay cho họ. Đối với người nông dân, chúng tôi vẫn phải ra quyết định của mình”, ông Rone tâm sự.
Còn đối với Priggel, ông đã bán hơn một nửa lượng bắp, đậu nành và bông mà họ trồng vào mùa xuân này, động thái để chốt giá đề phòng giá nông sản tiếp tục giảm do tranh chấp thương mại. Trong tháng 6, các hợp đồng bán giao sau đối với đậu nành của Mỹ đã gần chạm mức thấp nhất trong 10 năm.
Ông Bobby Aycok, nông dân trồng đậu nành thế hệ thứ ba cũng đã có phương án cắt giảm chi phí hoạt động của trang trại, không mua thiết bị mới và cho thuê một phần đất nông nghiệp của mình.
Trong trường hợp giá ngũ cốc giảm xuống điểm “tử thần”, đe dọa sự sống còn của nông trại, Aycok cho biết ông đã chuẩn bị kế hoạch của mình.
“Tôi sẽ bán lấy tiền, thoát khỏi nghề nông và đi xin việc tại Magnitude 7 Metal”, ông Aycok nói.