dd/mm/yyyy

Con đường ra ruộng lúa thân quen

Thuở bé, tôi cứ bị ám ảnh bởi câu nói của người già: làng mình toàn “bờ xôi, ruộng mật”. Chẳng rõ thực hư về đồng đất quê mình màu mỡ, quý giá nhường nào nhưng những bờ ruộng lúa, chân đê thì luôn in dấu trong kí ức tôi khi đã lớn khôn, đi xa quê.

Bởi, làng quê với ruộng lúa, đồng đất, bãi sắn, nương dâu... là nơi in hằn dấu chân bao thế hệ, là con đường vươn xa từ tuổi thơ đầu trần, chân đất, nơi đưa tôi vào trò chơi lấm lem bắt cua, đào dế, nướng cá cùng với bao kỷ niệm vui buồn khác.

Con đường mòn men bờ ruộng thân quen in dấu chân bao thế hệ (ảnh: BVP)
Con đường mòn men bờ ruộng thân quen in dấu chân bao thế hệ (ảnh: BVP)

Cũng như bao làng quê, làng tôi ruộng nhiều nhưng mỗi thửa lại hẹp sau nhiều lần phân chia. Chẳng biết từ bao giờ, một con đường mòn là lối đi chung của cả làng ra với ruộng. Không thênh thang như đường làng, đường ra với ruộng lúa hẹp đến mức gặp người đi ngược chiều phải nép vào một bên mà tránh, vừa là dịp cất lời chào và hỏi thăm nhau. Cũng bởi thế mà lối đi ấy luôn nhẫn bóng, cỏ không thể mọc chen vào, ngày nắng đi bỏng chân, ngày mưa lầy lội bùn đất. Ấy vậy mà, với tụi trẻ con trong làng chúng tôi, đường ra ruộng lúc nào cũng thật thú vị. Mỗi sáng thức giấc, theo cha mẹ ra đồng là bắt gặp dấu vết một hang dế, hang cua, hay chí ít là những bông cỏ gà mập mạp đủ sức chọi nhau với tụi trẻ làng trên, xóm dưới.

Lớn lên một chút, được nghe người lớn kể, con đường nhỏ bình dị ấy đã có từ bao đời, bao dấu chân trần của người làng tôi đã in hằn qua năm tháng trên lối đi ấy. Chẳng có tấm hình, văn bia nào ghi lại hình ảnh, tên họ của người dân làng qua bao thế hệ mà chỉ có con đường ấy lưu giữ những bàn chân vô danh đã làm nên hạt lúa, củ khoai nuôi lớn bao thế hệ trai tráng đi đánh giặc giữ nước, đến giảng đường đại học, đi du học nước ngoài, thành bậc khoa bảng làm rạng danh tên làng.

Con đường đồng đất ấy cũng có bao thứ cây cỏ là vị thuốc Nam cứu vớt người làng khi trái gió, trở giời khi ngày nóng nực, mùa giá rét. Nào là những thài lài, rau má, nhọ nồi, ngũ sắc, bông hôi…để cầm máu bàn chân bị gai đâm rách, giải nhiệt người bốc hỏa, hạ nhiệt cơn sốt hay đau đầu, xổ mũi…Khi lại người, lành bệnh, chợt thấy con đường ấy thật ân tình.

Nhớ những năm tháng đi xa quê, chẳng mấy khi phải đi chân trần, kí ức về đất đai, hoa cỏ cứ mờ ảo trong trí nhớ giữa muôn vàn lo toan, bận rộn.

Bữa nay lại có dịp về làng, thấy mọi người đi ra đồng chăm sóc lúa, tôi múc vội gầu nước giếng đá ong rửa mặt, cầm chiếc quạt mo cau, đi đôi chân trần ra con đường dẫn tới những mảnh ruộng làng. Cảm giác nhói, rát nơi bàn chân gợi cái gì đó xa xôi, chợt thấy lạ lẫm như ruộng đồng không còn muốn nhận ra mình nữa.

Con đường vẫn quanh co như dải lụa uốn mình trên cao, dưới ruộng lúa kia là những dáng người làng đang lom khom, cắm cúi. Dẫu chẳng còn được bé lại để hòa vào đám trẻ đang túm tụm bắt cua, đào hang dế, loay hoay đốt rơm nướng cá nhưng vẫn thấy như được trở lại những năm tháng tuổi thơ hồn nhiên, chân thật với bàn chân được in hằn trên con đường bình dị và thiên liêng đưa ta ra với những thửa ruộng của làng.

Bùi Việt Phương