Gà Ayam Cemani và có nguồn gốc ở đảo Java, Indonesia. Năm 1998, một người Hà Lan đã đưa giống gà đen “xuất ngoại” qua châu Âu. Nhờ đó, loài gia cầm này đã được nhân giống ở một số quốc gia khác như Anh quốc, Ba Lan.
Giống gà này đặc biệt ở chỗ đây là loại gà “đen từ trong ra ngoài”, tức đen từ bộ lông, da, mào, mắt tới xương, nội tạng, thậm chí cả vỏ trứng. Do những đặc điểm dị biệt ấy, loại gà này còn mang tên gọi khác là “gà mặt quỷ”.
Vẻ ngoài thú vị của chúng đi kèm với một lời giải thích khoa học đặc biệt, đó là sự tái sắp xếp phức tạp trong bộ gene.
Theo một nghiên cứu đăng trên tạp chí PLOS One vào năm 2017, nguyên nhân khiến loài gà trên có màu đen kỳ lạ là do bắt nguồn từ gene.
Cụ thể, cả hai giống gà Ayam Cemani và Silkie (còn gọi là gà lông lụa) đều có mô đen ở bên dưới lông, mặc dù gà Silkie nổi tiếng có bộ lông trắng như tuyết. Cả hai giống gà này đều gặp phải tình trạng fibromelanosis. Đây là một loại sắc tố khiến các mô của hai giống gà trở thành màu đen. Theo các chuyên gia, yếu tố đằng gây ra tình trạng trên dường như là một loại đột biến phức tạp có liên quan đến gen EDN3, mã hóa cho protein endothelin-3.
Endothelin-3 là loại protein đóng vai trò quan trọng đối với sắc tố của loài vật vì nó có thể thay đổi cách các melanocyte (hay còn gọi là tế bào biểu bì tạo hắc tố) được phân loại, hình thành và lan truyền trong khắp cơ thể. Ngoài ra, sắc tố tối màu ở trong mô bắt nguồn từ melanin và chúng ta có thể thấy ở nhiều nơi trong thế giới động vật.
Các nhà nghiên cứu nhận định, sở dĩ giống gà Ayam Cemani có màu đen đến như vậy là do một đột biến có thể đã xảy ra cách đây hàng nghìn năm và điều này khiến gene EDN3 được tăng cường điều chỉnh. Điều này cũng đồng nghĩa rằng, nó được thể hiện ở gần như mọi tế bào trong cơ thể và dẫn tới sự phát triển của một phôi chứa đầy tế bào sắc tố, bao gồm từ xương đến mỏ.
Theo Leif Andersson, nhà di truyền học tại Đại học Uppsala, Thụy Điển, đột biến di truyền cổ xưa dẫn đến fibromelanosis được cho là chỉ xảy ra một lần ở một loài chim duy nhất sống cách đây hàng trăm, thậm chí hàng nghìn năm. "Đột biến gây ra fibromelanosis rất đặc biệt, vì vậy chúng tôi chắc chắn nó chỉ xảy ra một lần", ông nói. Hai giống gà Ayam Cemani và Silkie đều kế thừa đột biến này.
Việc có xương, nội tạng và mỏ màu đen dường như không ảnh hưởng đến cuộc sống của gà. Bên cạnh đó, thịt siêu hắc tố được coi là giá trị hơn thịt gà thông thường, thậm chí có thể mang đến những lợi ích về sức khỏe.
Thịt gà Ayam Cemani được cho là có lợi với bệnh tiểu đường, thiếu máu, đau bụng kinh và trầm cảm sau sinh. Ngoài ra, người dân Châu Á quan niệm rằng, tiếng gáy của chúng mang lại sự thịnh vượng và ăn thịt gà đen sẽ xoa dịu lương tâm của họ. Người phương Tây cũng tin rằng khi nuôi gà đen Ayam Cemani trong nhà sẽ mang lại nhiều may mắn, nó sẽ che chở, bảo vệ cho gia đình và giúp vượng thế trong làm ăn.
Chính vì vậy, giá trị của loại gà này rất cao. Thông thường, gà Ayam Cemani nặng từ 1.5-2.5kg/con và có giá khoảng 2.500 USD (khoảng 55.000.000 đồng). Đặc biệt, con mái có thể đẻ 60-70 trứng/năm, mỗi quả trứng giá từ 500.000 - 1.000.000 đồng.
Chính sự độc đáo cùng giá trị vượt trội đã thôi thúc các đại gia “chơi gà” trên thế giới đua nhau săn lùng giống gà đen Ayam Cemani. Không chỉ vậy, người dân Indonesia luôn coi chúng như một giống vật nuôi quý hiếm, quan trọng hơn những loài gà khác. Vì vậy, họ vẫn thường gọi với tên “gà Lamborghini” (thương hiệu siêu xe nổi tiếng thế giới).
Gà Ayam Cemani có sức đề kháng cao, có thể thả vườn hoặc nuôi nhốt nhưng nên nhốt để bảo quản nguồn gen. Thức ăn là thóc, côn trùng, rau cỏ, ngô, cám công nghiệp…
Giống gà này nuôi khá dễ, từ 6-8 tháng là trưởng thành. Một con gà trống trưởng thành có trọng lượng 2,5-3kg, gà mái là 2-2,5 kg. Ở Việt Nam, cũng đã có nhiều người nuôi thành công giống gà này.