dd/mm/yyyy

Chuyện nuôi vịt trời “từ A đến Z” của chàng kỹ sư cầu đường

Bỏ nghề xây dựng cầu đường, chàng kỹ sư Nguyễn Duy Trinh (xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa, Phú Yên) quyết khởi nghiệp làm giàu từ nuôi vịt trời trên đồng đất quê nhà…

Làm thuê cho chính mình

Tết Mậu Tuất 2018, Nguyễn Duy Trinh vừa tròn 35 tuổi. Năm 2010 Trinh tốt nghiệp chuyên ngành Xây dựng cầu đường Đại học Bách khoa Đà Nẵng. Anh cho hay: “Tôi đã có 4 năm làm cán bộ kỹ thuật cho nhiều công trình xây dựng giao thông từ Nam chí Bắc. Thu nhập không đến nỗi nào nhưng tôi không thích cảnh nay đây mai đó; chỉ muốn làm thuê cho chính mình. Tôi nhận thấy quê mình vẫn còn tiềm năng để làm “một cái gì đó” từ ruộng đồng. Vấn đề là phải nhìn cho ra “đường đi, nước bước” để khởi nghiệp một cách hiệu quả”.

Nguyễn Duy Trinh trong trại nuôi vịt trời ở xã Hòa Đông, huyện Tây Hòa, Phú Yên. Hùng Phiên
Nguyễn Duy Trinh trong trại nuôi vịt trời ở xã Hòa Đông, huyện Tây Hòa, Phú Yên. Hùng Phiên
Làm nông sản sạch đã khó. Để người tiêu dùng biết và tin tưởng sản phẩm của mình lại càng khó. Tôi phải từng ngày học hỏi, liên kết các mối quan hệ để chào hàng, thuyết phục các địa chỉ tiêu thụ. Nhiều lúc mệt mỏi đến bã người! Thế nhưng phải kiên trì với mục tiêu sản xuất sạch, không thể tham lam mà coi thường sức khỏe người tiêu dùng. Chính việc “làm đồ sạch” là một cơ hội lợi nhuận bền vững khi kinh doanh nông sản”. Kỹ sư Nguyễn Duy Trinh Trinh

Rồi anh miệt mài lên mạng tìm tòi, xem sách báo chuyên ngành nông nghiệp để tìm đối tượng đầu tư. Sau nhiều ngày suy tính, Trinh nhận thấy phải chọn một giống vật nuôi khác biệt trong vùng để tăng lợi thế thị trường. Chắp nối thông tin, anh khăn gói tìm đến trang trại nuôi vịt trời của ông Nguyễn Văn Sáng (ở Tây Ninh) để học hỏi cách làm. Sau một tháng quan sát, tìm hiểu, Trinh nhận thấy vật nuôi này ở vùng quê mình vẫn chưa mấy người sản xuất thành công, thị trường còn rộng cửa.

Thế là anh quyết định dồn vốn mua vịt trời thương phẩm từ Tây Ninh về cung cấp cho các quán, nhà hàng trên địa bàn tỉnh để “thử lòng” nhu cầu tiêu thụ. Anh còn chọn lựa những con khỏe để giữ lại làm giống. “Thịt vịt trời thơm ngọt khác biệt các giống vịt truyền thống, chế biến được nhiều món rất ngon. Nhiều người đã thử ăn thịt vịt trời là mê luôn! Dự án nuôi vịt trời của tôi được những người thân quen hết lòng ủng hộ. Thế là tôi bắt tay xây dựng trại vịt trời với diện tích 200 m2 ngay tại vườn nhà của cha mẹ ở thôn Vinh Ba, Hòa Đồng”, Trinh cho hay.

Ban đầu, anh chọn lọc, chăm nuôi cẩn thận 100 con vịt giống và đầu tư gần 30 triệu đồng mua máy, lập lò ấp trứng tự động. Sau 3 năm xoay trở, đàn vịt trời của Trinh lúc này luôn duy trì số lượng hơn 3.000 vịt thịt, cung ứng thị trường 2.000 - 3.000 vịt con/tháng,… Hiện anh đang tiếp tục liên hệ thuê 4 ha mặt bằng để mở rộng trang trại, nuôi những con đặc sản khác.

Người theo sát từ đầu trang trại của Trinh là ông Mai Văn Hải - Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Đồng. “Khi quyết chọn vịt trời, Trinh dứt khoát chỉ làm sản phẩm sạch. Anh chọn phương thức chăn thả tự nhiên trong từng khu vực ruộng nhất định. Chủ động khâu thức ăn tại chỗ như cám gạo, bắp, chuối cây, rau muống, lục bình,… Điều này góp phần tiết giảm chi phí so với mua thức ăn công nghiệp, lại tạo được chất lượng thịt vịt trời thơm ngon tự nhiên. Theo đông y, thịt vịt trời còn là vị thuốc dưỡng vị, thận, hỗ trợ điều trị một số bệnh,… nên nhiều người rất chuộng”, ông Hải nói.

Trinh đang đưa trứng vịt trời vào lò ấp. Hùng Phiên
Trinh đang đưa trứng vịt trời vào lò ấp. Hùng Phiên

Sản phẩm sạch làm nên lợi nhuận

Trinh cho hay, vịt trời ăn rất ít, chỉ khoảng 10% khẩu phần ăn của vịt nhà. Từ khi nở ra đến khi xuất bán, chi phí thức ăn cho mỗi con vịt trời khoảng 50.000 đồng. Nguồn thức ăn tại chỗ đã tạo nền tảng chất lượng đàn vịt trời và giúp tăng thêm thu nhập cho nhiều hộ dân địa phương.

Để quản lý chặt số lượng đàn, anh Trinh dùng “bí quyết” cắt lông cánh và cho ăn đầy đủ để chúng không bay đi kiếm thức ăn. Anh đã dành nhiều tâm sức để tạo dựng quan hệ, thuyết phục các quán ăn, nhà hàng ở miền Trung bộ và TP.HCM nhập mua sản phẩm vịt trời. Từ mỗi nơi vài chục con/tháng, đến nay trang trại của Trinh đang cung cấp ổn định trên 500 con vịt trời thương phẩm/tháng.

Anh còn ngược xuôi mở quán “chuyên đề” vịt trời để đưa sản phẩm đến “tận răng” người tiêu dùng. Kiên trì từng bước giới thiệu đến người tiêu dùng trong khu vực quen dần các sản phẩm đặc trưng từ vịt trời. Gần đây, anh đã chào hàng thành công việc cung ứng thịt tươi, trứng vịt trời để bán trong các siêu thị. Đại diện siêu thị đã khảo sát và đánh giá cao quy trình nuôi vịt trời sạch của Trinh. Hiện tại, anh tập trung đầu tư dây chuyền giết mổ khép kín, máy đóng gói, hút chân không,… để đảm bảo sản phẩm sạch, đạt chuẩn theo yêu cầu của hệ thống siêu thị.

Nguyễn Duy Trinh tại quán “đối chứng” của mình, với món thịt vịt trời nướng. Hùng Phiên
Nguyễn Duy Trinh tại quán “đối chứng” của mình, với món thịt vịt trời nướng. Hùng Phiên

Trinh thông tin thêm một kế hoạch đầy tham vọng. Đó là việc thuê 4 ha đất tại Phú Hòa; các thủ tục hiện đã cơ bản hoàn tất. Anh cũng đã viết hoàn chỉnh Dự án để tiến hành vay ngân hàng 450 triệu đồng. Cùng với vốn tự có, anh sẽ đầu tư khoảng 1 tỉ đồng vào trang trại này.

Trinh cho hay: “Qua nắm bắt thị trường, tôi dự tính đầu tư nuôi một số con đặc sản. Đó là: gà H’Mông, heo đen miền núi, bò vàng địa phương và các loại cá chất lượng cao. Tôi quy hoạch trang trại theo hướng hữu cơ, tận dụng phụ phẩm nông nghiệp tại chỗ làm thức ăn chăn nuôi, dùng phân bò trồng cỏ, nuôi trùn quế cho gà ăn,… Tôi hướng đến việc làm nông sản sạch và “nắm luôn” đầu ra, nghĩa là “từ A đến Z”, để chủ động trong kinh doanh. Mọi việc phải quyết tâm nhưng cần tính toán thận trọng, làm từng bước chắc chắn. Xây dựng, phát triển một thương hiệu là điều không dễ dàng, tôi phải cố gắng “động não” từng ngày”.

Tôi đùa: “Trai làm ăn giỏi, chắc con gái theo nhiều?”. Trinh cười: “Mấy thằng bạn ở quê đã có cháu rồi. Dòng họ cũng thúc em dữ; em hứa “đánh” ổn cái trang trại rồi lo cưới vợ… Em có bồ rồi nghe. Tình duyên có chút lận đận nên chậm chậm chút. Mong rằng, vợ sẽ cùng chí hướng kinh doanh với mình để có cuộc sống ổn định”.

Một thanh niên chưa lập gia đình như Trinh mà làm trang trại nuôi vịt trời quy mô là rất đáng nể trọng. Anh là một điển hình nông dân khởi nghiệp ở địa phương. Hiện, trang trại vịt trời “từ ruộng đến bàn ăn” của Trinh đã đạt mục tiêu lợi nhuận 200 triệu đồng/năm, tạo việc làm ổn định cho hàng chục lao động địa phương. Hội đang hết sức ủng hộ anh tiếp tục mở rộng trang trại chăn nuôi đặc sản. Mô hình kinh doanh của Trinh đang góp phần khuấy động việc phát triển làm ăn lớn ở vùng nông thôn này”. Ông Trần Văn Danh - Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tây Hòa, Phú Yên.
Hùng Phiên