Công ty Toàn Cầu (Bắc Giang) được thành lập năm 2016, hoạt động trong lĩnh vực chế biến nông sản và xuất khẩu. Anh Đỗ Hoàng Phương, Giám đốc Công ty cho biết: Nhiều năm hoạt động trong ngành thương mại, xây dựng ở Ninh Bình, thời gian gần đây công ty mới chuyển sang lĩnh vực nông nghiệp và chế biến thực phẩm. Nhận thấy tiềm năng của Bắc Giang về các loại nông sản, doanh nghiệp đã đến khảo sát để tiến hành đầu tư.
Sau đó, công ty đã mua lại một doanh nghiệp chế biến hoa quả, nông sản tại huyện Lục Ngạn, tiến hành đầu tư, cải tạo dây chuyền sản xuất cũ, đồng thời cho lắp đặt một số thiết bị, máy móc mới. “Ngoài cơ sở vật chất, nhà xưởng, dây chuyền, thiết bị, chúng tôi vẫn giữ lại bộ khung quản lý, nhân viên thị trường, công nhân vận hành và nhiều đối đối tác lớn. Do đó dù mới thành lập, tiếp quản và vận hành nhưng doanh nghiệp đã nhanh chóng đi vào sản xuất ổn định”, anh Phương cho biết.
Ngoài ra, công ty đã chủ động nâng cao hiệu quả sản xuất bằng cách đầu tư thiết bị mới, vừa tăng giá trị, vừa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và giải quyết khó khăn, hạn chế của đơn vị trước. Vụ vải thiều năm 2018, công ty sản xuất và tiêu thụ gần 500 tấn quả tươi, xuất bán sang các nước châu Âu như: Pháp, Đức...
Sản phẩm chính của Toàn Cầu là vải thiều đóng hộp xuất khẩu, đồng thời, với tiềm năng vùng cây ăn quả của huyện Lục Ngạn và tỉnh Bắc Giang, công ty hướng tới việc chế biến các loại quả, nhất là sản phẩm nước ép cam, bưởi tiêu thụ trong nước. Song song với đó, lĩnh vực sản xuất rau của công ty cũng rất được chú trọng. Để tạo vùng nguyên liệu ổn định, công ty đã tiến hành liên kết với nông dân, tổ chức sản xuất, hướng dẫn kỹ thuật canh tác và ký cam kết thu mua sản phẩm cho bà con.
Nhờ cách làm uy tín, đến nay mối liên kết giữa Toàn Cầu và người dân đã phát triển và nhân rộng ra nhiều xã ở huyện Lục Nam, Tân Yên (Bắc Giang); một số địa phương của tỉnh Bắc Ninh, Thái Nguyên, Phú Thọ... Công ty còn mạnh dạn ứng trước vốn, vật tư phân bón, thuốc BVTV, hạt giống... cho nông dân, sau đó trừ vào giá trị thu mua. Ngoài ra, công ty chủ động phát triển vùng nguyên liệu riêng đối với một số loại cây mà thị trường tự do ko có như đậu tương rau, ngô ngọt, cải bó xôi... để cung cấp cho đối tác Nhật Bản.
Ông Diêm Đăng Dục, Chủ tịch UBND xã Phúc Sơn (huyện Tân Yên), địa phương có nhiều hộ liên kết với Công ty Toàn Cầu cho biết: “Chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu được ý nghĩa và giá trị của việc liên kết trong sản xuất nông nghiệp, từ đó tiếp tục có sự phối hợp lâu dài, hiệu quả”.
Định hướng lâu dài của Toàn Cầu là sản xuất bền vững, nâng cao giá trị nông sản của địa phương. Do đó, vấn đề liên kết sản xuất quy mô, áp dụng công nghệ cao chế biến sâu tại chỗ, tạo ra các sản phẩm sạch, đủ sức cạnh tranh trên thị trường... là hướng đi xuyên suốt. Song song với đó, trong thời gian tới, công ty sẽ tiến hành đầu tư vùng nguyên liệu riêng, xây dựng hệ thống nhà lưới, nhà màng trồng rau, củ, quả; hình thành các vườn cây ăn quả theo tiêu chuẩn sạch...
Mặt khác, doanh nghiệp sẽ chủ động tìm kiếm đối tác tại các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản... “Chúng tôi cam kết thu mua tối đa nông sản với giá cả ổn định; thực hiện đầy đủ việc hỗ trợ vốn, vật tư và chuyển giao kỹ thuật canh tác”, anh Phương khẳng định.
Với sự đồng hành của các cấp ngành, chính quyền và nhân dân địa phương, tin rằng Toàn Cầu sẽ sớm trở thành doanh nghiệp hàng đầu về sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản ở Bắc Giang.