Với diện tích gần 1ha, bà Lộc trồng đủ các loại cây. Phía trên chuồng lợn có giàn nhót xanh rờn, quả ra sai chi chít. Cạnh đó là cây bưởi, cây ổi, cây roi... Thứ cây nào cũng xanh tốt. Dãy chuồng lợn, chuồng hươu, vịt, gà, ngan, ngỗng nằm xen kẽ khắp vườn. Ngoài ra, bà còn xây nhiều bể cá. Nước thải từ ao cá trở thành nguồn nước tưới cho cây trồng.
Suốt bao năm chăn nuôi, gắn bó với đàn gia súc, gia cầm, bà Lộc đã tự làm thuốc chữa bệnh cho chúng. Cách làm của bà rất đơn giản là lấy các loài lá từ tự nhiên như nhót, ổi, bông hôi, mã đề... Mỗi thứ bà lấy một ít. Sau đó bà cho cả vào nồi nước to, đun sôi khoảng 15 phút. Hàng ngày bà lấy thứ nước này trộn với thức ăn cho đàn lợn, đàn gà.
Nhờ cách làm này mà đàn gia cầm, gia súc của bà Lộc chưa bao giờ bị chết vì dịch bệnh, dù tại địa bàn có xảy ra dịch. "Đám lợn nái tôi nuôi suốt cả chục năm đều sống khỏe. Chúng đã vượt qua dịch tai xanh, dịch tả lợn châu Phi... Ngày nào tôi cũng hòa thứ nước thảo dược tự nhiên đó cho chúng ăn", bà Lộc chia sẻ.
Trong vườn của bà Lộc cũng trồng rất nhiều các loài cây thảo dược, như: Ổi, bông hôi, mã đề. Phía trên chuồng lợn, chuồng gà bà trồng giống nhót xanh. Hệ thống giàn nhót vừa che nắng cho gia súc, gia cầm, vừa để lấy lá làm kháng sinh. Cây nhót xanh còn cho quả bán. Trong khuôn viên chưa lấy gì làm rộng rãi, nhưng nhờ cách trồng bài bản và khoa học, nên bà Lộc đã khai thác được tối đa lợi nhuận từ khu vườn này.
Cách làm này của bà Lộc đã duy trì suốt nhiều năm. Năm nào bà cũng thu được cả trăm triệu đồng từ chăn nuôi. Theo bà Lộc, hầu như bà không phải tiêm phòng cho đàn lợn, chúng hay ăn, chóng lớn. Hơn nữa, đàn lợn, đàn gà lúc nào cũng có thể bán được giá cao hơn. Nguyên liệu lấy ngoài tự nhiên dễ kiếm và dễ làm.