Ông Thống cho biết, năm 2012, ông được người thân ở Mexico gửi về 200 hạt nho thân gỗ. Sau đó, ông đem ươm lên và số hạt nảy mầm khá cao. Sau hơn 2 năm trồng và chăm sóc cẩn thận, những cây nho này bắt đầu cho trái tuy nhiên những cây nho này hoàn toàn khác với cây nho thân gỗ ở vùng đất Nam Mỹ. Cụ thể cây của ông trồng cho lá tròn, to, có sức sống tốt và đặc biệt thích hợp với khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo quan sát phóng viên, cây nho thân gỗ của ông Thống có thân giống cây ổi, hoa có màu trắng, mọc cả trên thân cây và cây càng lâu năm thì trái càng sai. Trái nho có hình dáng giống trái sung, có mùi vị đặc trưng, hương như rượu vang, từ vỏ đến hạt đều ăn được và có cả 3 vị chát, chua và ngọt trong một trái.
Hiện ông đang sở hữu khoảng 5.600 cây nho “độc lạ”. Trong số đó, có 600 cây đã cho trái và 5.000 cây trưởng thành chưa ra trái.
Do hiện nay có nhiều người biết và đến hỏi mua cây giống về trồng nên ông quyết định ươm cây con để cung cấp. Hơn 4 năm qua, mỗi năm ông Thống cung cấp ra thị trường trên 1.000 cây con. Với giá từ 100 – 500 ngàn đồng đối với cây con và từ 500- 2 triệu đồng đối với cây trưởng thành và từ 2 – 3 triệu đồng đối với cây có trái.
Hiện cây giống của ông đã bán ra rất nhiều địa phương ở ĐBSCL và miền Trung. Còn quả nho “độc lạ” này ông bán ra thị trường với giá khoảng 600 ngàn đồng/kg.
Ông Lâm Hoàng Trường An - cán bộ phụ trách du lịch của Phòng Văn hóa Thông tin quận Thốt Nốt, trong quá trình khảo sát tìm các hộ dân phù hợp để phát triển du lịch trên địa bàn, ông tình cờ biết ông Thống ở cù lao Tân Lộc đang trồng giống nho thân gỗ.
“Sau đó tìm đến vườn nho của ông Thống, vận động vị thầy giáo tham gia làm du lịch, vừa phục vụ du khách tham quan vườn, kết hợp bán cây giống. Gần 2 tháng nay, gia đình ông Thống đã cải tạo lại vườn cây, làm lối đi cùng các công trình phụ trợ khác để đón khách du lịch. Nhờ đó, lượng cây giống được tiêu thụ cũng tăng hơn trước”, ông An nói.