Nói đến nhân sâm, hẳn nhiều người nghĩ ngay đến Hàn Quốc. Nơi đây ví như "xứ củ sâm", vì họ sở hữu loại hồng sâm nổi tiếng thế giới, cùng ngành công nghiệp trồng nhân sâm phát triển.
Trên thực tế Hàn Quốc không phải là quốc gia duy nhất có nhân sâm. Ở Châu Á cũng có nhiều quốc gia trồng sâm quý hiếm. Thậm chí ngày nay, ngành trồng nhân sâm cũng đang phát triển và nhân rộng ra những quốc gia tại châu Âu hoặc châu Mỹ.
Mỗi khi nhắc đến những loại sâm quý hiếm, bổ dưỡng và đắt đỏ không chỉ trên thế giới mới có, ở Việt Nam cũng có loại sâm giá "chát" không kém. Loại sâm được nhắc đến ở đây là sâm Ngọc Linh.
Sâm Ngọc Linh không chỉ củ sâm mà lá hay quả cũng giàu dinh dưỡng. Quả của sâm Ngọc Linh tuy nhỏ xíu nhưng đôi khi "đắt như vàng", thậm chí có thời điểm giá lên tới 240 triệu đồng/kg. Đắt đỏ là vậy nên có người không dám mua cân mà chỉ dám đếm hạt tính tiền.
Muốn biết tại sao sâm Ngọc Linh lại có giá đắt như vậy trước hết chúng ta cần biết được nó có nguồn gốc từ đâu và giá trị như thế nào. Từng là loại cây mọc hoang dại trên dãy núi Ngọc Linh thuộc địa phận của tỉnh Quảng Nam và Kon Tum... sâm Ngọc Linh được các nhà khoa học phát hiện và xác định là một trong 5 loại nhân sâm tốt nhất thế giới. Ngày nay nhiều người coi sâm Ngọc Linh là một loại dược liệu quý, được mệnh danh là nhân sâm Việt Nam.
Sâm Ngọc Linh có tên khoa học là Panax vietnamensis, thuộc họ Cuồng cuồng (Araliaceae). Loại sâm này còn được biết đến với những tên gọi như sâm Việt Nam, Khu Năm (sâm K5), sâm trúc (sâm đốt trúc, trúc tiết nhân sâm), củ ngải rọm con, một số nơi gọi với tên cây thuốc giấu,…
Loại sâm này có phần rễ nhiều đốt, cong ngoằn ngoèo, màu nâu hoặc vàng xám. Trên thân nổi rõ những vết vân ngang chia phần thân rễ thành nhiều đốt, đặc biệt xuất hiện nhiều sẹo.
Để tìm được loại sâm quý, nhiều người tìm ở vùng Trung Trung Bộ Việt Nam, tập trung ở các huyện như Đăk Tô và Tu Mơ Rông thuộc tỉnh Kon Tum, huyện Nam Trà My tỉnh Quảng Nam. Đáng chú ý, loại sâm này mọc dày thành đám dưới tán rừng, gần nơi suối ẩm, trên đất nhiều mùn.
Không chỉ củ, lá, quả, hạt sâm ngọc linh cũng vô cùng tốt. Cụ thể, lá sâm Ngọc Linh cũng chứa tới 16 hợp chất Saponin, 17 acid amin và 20 khoáng chất vi lượng nên được săn lùng ráo riết với giá từ 10-12 triệu đồng/kg lá tươi.
Với hương vị độc đáo, giá trị dinh dưỡng lớn, loại hạt này được gọi với cái tên "nữ hoàng của các loại hạt". Những năm trở lại đây hạt sâm Ngọc Linh cũng trở thành loại hạt đắt nhất Việt Nam khi có giá đắt hơn vàng, lên đến 110-120 nghìn đồng/hạt. Trung bình, cứ khoảng trên 2.000 hạt sẽ được 1kg.
Nhận thấy được độ quý hiếm của loại sâm này hầu hết người trồng sâm ở vùng núi Ngọc Linh đều sẽ giữ lại hạt để ươm cây chứ rất ít người bán. Vì vậy, loại hạt này lúc nào cũng khan hiếm và “cháy hàng”.
Điểm nổi bật ở quả sâm Ngọc Linh khi chín có chấm đen không đều trên đỉnh quả. Phần thịt quả mỏng, có vị hơi đắng nhân nhẩn như khổ qua, ngọt thanh như mật rất dễ chịu.
Cũng vì quý hiếm và nhiều công dụng thực tiễn, nhu cầu tiêu thụ sâm Ngọc Linh tăng cao, và đương nhiên kéo theo sự khai thác quá đà của con người. Ngoài ra, loại sâm này mất tới 10 năm để trưởng thành, nên chẳng mấy chốc đã rơi tình cảnh có nguy cơ tuyệt chủng cực cao. Vậy là đã hiếm nay càng hiếm hơn, giá sâm Ngọc Linh cũng theo đó mà tăng lên.
Một số tác dụng "vàng" của cây sâm Ngọc Linh đối với sức khỏe
+ Cải thiện hoạt động trí tuệ và thể lực, góp phần tăng sức đề kháng tự nhiên.
+ Chống stress vật lý, stress tâm lý và trầm cảm.
+ Giúp người dùng ăn ngon, ngủ yên, tăng cường thị lực.
+ Phòng chống ung thư, bảo vệ tế bào gan, kéo dài sự sống của tế bào và tăng cường sản xuất các tế bào mới.
+ Cải thiện các căn bệnh liên quan đến thần kinh như suy nhược thần kinh và suy nhược sinh dục, nâng cao huyết áp ở người bị huyết áp thấp.
+ Phục hồi sự suy giảm chức năng của cơ thể, bồi bổ cho người bệnh lâu ngày hoặc những trường hợp vừa phẫu thuật cần tẩm bổ.
+ Kích thích hệ miễn dịch, chống oxy hóa, làm chậm quá trình lão hóa,...