Vậy là chỉ trong một thời gian ngắn, chỉ từ 2 ổ dịch của 2 hộ chăn nuôi ở Hưng Yên và Thái Bình, theo báo cáo của Bộ NNPTNT, hiện dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã lan ra 202 hộ, 64 thôn, 33 xã, 14 huyện của 7 tỉnh, thành phố (Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hà Nam và Hải Dương); tổng số lợn bị mắc bệnh và tiêu hủy là 4.231 con, với tổng trọng lượng tiêu hủy hơn 297 tấn.
Tốc độ lây lan như trên phải nói là rất đáng lo ngại, bởi nói như người đứng đầu Chính phủ, đặc điểm chăn nuôi lợn ở Việt Nam khác với các nước. "Chúng ta có 2,5 triệu hộ chăn nuôi lợn, chiếm 49% tổng đàn lợn và trên 10.000 trang trại. Thịt lợn chiếm 70% sản phẩm thịt các loại"- Thủ tướng nói.
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường, cùng đoàn công tác của Bộ NNPTNT kiểm tra công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi ngày 2/3 tại Hải Phòng.
Vẫn theo Thủ tướng, một khẩu hiệu đặt ra là chống dịch như chống giặc để chúng ta huy động các cấp, các ngành xắn tay áo, ngăn chặn có hiệu quả dịch tả lợn châu Phi, hiện đã xâm nhập vào 7 tỉnh của Việt Nam. "Nếu chúng ta có biện pháp mạnh, ngăn chặn tốt, kịp thời hơn thì dịch không lây lan rộng. Trung Quốc với sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị, đến nay họ đã khống chế dịch được đến 90%. Đây là bài học kinh nghiệm cho chúng ta"- Thủ tướng khẳng định thêm.
Thiên tai, địch họa (trong đó có dịch bệnh) là những thứ không chỉ đe dọa tới sản xuất nông nghiệp, tới chăn nuôi, mà còn ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động kinh tế của đất nước, tới sức khỏe của toàn dân. Song đáng tiếc, như lời Thủ tướng phát biểu sáng nay, người đứng đầu Chính phủ đã trực tiếp tham dự hội nghị trực tuyến, nhưng ở nhiều đầu cầu của các tỉnh lại chỉ cử Chi cục thú y, Sở NNPTNT tham dự, mà không phải là người đứng đầu địa phương đó về mặt hành chính- Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư.
Nhắc nhở một số địa phương chỉ cử chi cục thú ý dự hội nghị, Thủ tướng nêu rõ, không phải đơn thuần là việc của chi cục thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông, thôn mà mỗi địa phương đều phải ra tay thì mới hiệu quả. Do đó, các cấp, các ngành, theo chức năng được phân công, phải xắn tay áo vào cuộc, bao gồm cử cán bộ, cung cấp phương tiện, không chỉ ra văn bản chỉ đạo mà có những biện pháp, hướng dẫn hành động kịp thời.
Từ những vấn đề nêu trên, có thể nhận thấy ở một số địa phương hiện nay vẫn coi việc phòng chống dịch bệnh trên động vật chỉ là của bên thú y, còn trách nhiệm của người đứng đầu không thấy đâu. Trên thực tế cho thấy, trong giai đoạn nước sôi lửa bỏng như thế này, tại mỗi địa phương cần phải coi việc ngăn chặn dịch bệnh như cứu hỏa, phải huy động cả hệ thống chính trị, cùng mọi tầng lớp nhân dân cùng tham gia vào dập dịch.
Một vấn đề nữa là, công tác thông tin tuyên truyền. Hiện nhiều hộ chăn nuôi thay vì khai báo với cơ quan chức năng, lại đi bán tháo dịch bệnh, hỏi ra mới biết, nhiều nơi người dân không hề biết đến việc, được nhà nước hỗ trợ tiền nếu tiêu hủy lợn bệnh. Như chúng ta đã biết, ở mỗi thôn, bản hiện nay đều có một hệ thống loa thông báo. Vậy thời gian qua, hệ thống loa thông báo đó có hoạt động không, tại sao hàng ngày mỗi thôn không phát thông báo từ 2-3 lần để bà con nắm được, tránh tình trạng hoang mang, bán tháo lợn.
Thêm nữa, một vấn đề cố hữu trong công tác hỗ trợ thiên tai, dịch bệnh của chúng ta là độ trễ trong việc triển khai giải ngân thực tế quá chậm. Có khi cơn bão số 10 của năm sau đi qua, người dân mới nhận được tiền hỗ trợ của cơn bão số 1 năm trước. Tương tự, dù được hỗ trợ trong dịch bệnh, song người dân vẫn ngại bởi vì chẳng biết đến bao giờ mới nhận được tiền. Tâm lý của người dân phải là "tiền tươi, thóc thật", họ cần tiền ngay để khắc phục, tái đầu tư, nhưng với một rừng thủ tục hành chính như hiện nay, nhiều người cho rằng, chẳng biết đến bao giờ mới nhận được tiền hỗ trợ.
Một chốt chặn ngăn dịch tả lợn châu Phi ở Thanh Hóa.
Vì thế, Thủ tướng đã nói: Bộ Tài chính phải có hướng dẫn thanh toán kịp thời cho các địa phương.
Trên hết, Thủ tướng đề nghị, cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, doanh nghiệp và người chăn nuôi phải triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi. Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước Thủ tướng về kết quả phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi tại địa phương mình quản lý.
Có thể hiểu, lâu nay các địa phương vẫn cho rằng, công tác phòng chống dịch là của ngành dọc, tức của Bộ NNPTNT, rồi đến các Sở, Chi cục thú y, mà không phải là của các cơ quan liên quan khác.
Chúng ta rất mừng, khi người đứng đầu Chính phủ luôn luôn quan tâm đến nông nghiệp, đến đời sống của người nông dân, khi trực tiếp Thủ tướng đã chủ trì cuộc họp trực tuyến để chỉ đạo cả hệ thống cùng kích hoạt công việc trong việc chống dịch tả lợn châu Phi nói riêng và các loại dịch bệnh khác nói riêng. Đặc biệt, ngay tại cuộc họp sáng nay, Thủ tướng đề nghị các địa phương kịp thời hỗ trợ người dân trong việc tiêu hủy lợn, mà theo đề xuất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là hỗ trợ 80% giá thị trường đối với lợn con, lợn thịt và mức cao hơn đối với lợn nái, lợn đực giống buộc phải tiêu hủy. Đây là mức hỗ trợ lớn nhất từ trước đến nay.
Song điều quan trọng hiện nay, đó là ý thức, là trách nhiệm của người đứng đầu mỗi địa phương, mỗi cơ sở đối với công tác phòng chống dịch đến đâu hay cứ đợi đến khi có dịch mới "vào cuộc"; lãnh đạo các địa phương mới xuống các vùng dịch chỉ trỏ, chém gió, chỉ đạo phải thế này, phải thế kia; cần thế này, cần thế nọ..., thì dịch đã lan tràn đến mức khó kiểm soát.