dd/mm/yyyy

Cà phê Việt Nam gập ghềnh giấc mơ 6 tỉ USD

Trải qua 160 năm có mặt tại Việt Nam, cây cà phê đã khẳng định vị thế và mang đậm hồn cốt văn hóa Việt. Năm 1991 cà phê Việt Nam mới đạt 1% thị phần thế giới, đến nay Việt Nam đã trở thành nước sản xuất và chế biến cà phê đứng thứ hai thế giới với kim ngạch xuất khẩu đạt 3,3 tỉ USD (năm 2016).

Cà phê Việt Nam chủ yếu xuất thô nông dân hưởng lợi nhuận rất thấp. Ảnh: IT

Cây “tỉ đô” là những hình dung về vị thế của cây cà phê trên đất Việt. Những vùng đất mỗi ngày lại có thêm tỉ phú nông dân nhờ trồng cà phê. Khác với những nông sản khác, người trồng cà phê luôn đi tiên phong trong tiếp cận cơ chế vận hành của thị trường, đã có thời tiếng nói của nông dân trồng cà phê đầy trọng lượng trong cán cân cung – cầu.

Tuy nhiên mọi chuyện đã thay đổi hoàn toàn khi thế giới xuất hiện những cường quốc cà phê mới nổi. Bản đồ cà phê trước áp lực xoay trục nếu các cường quốc không bỏ lối tư duy cũ. Cà phê Việt Nam trước nguy cơ tụt hậu, người trồng cà phê choáng váng khi chỉ chưa đầy 1 năm cà phê đã mất 10 triệu đồng/tấn.

Trước những thách thức của thị trường cà phê, nhìn lại hành trình phát triển giật mình khi cà phê Việt Nam vẫn loay hoay giải quyết những vẫn đề không mới. Đầu tiên là câu chuyện tái canh, hàng chục năm triển khai vẫn ì ạch. Hay câu chuyện về chất lượng chế biến khi thế giới đã bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thì nông dân trồng cà phê vẫn phụ thuộc vào gió trời và sân đất… Chất lượng hạn chế là rào cản cho vẫn đề xây dựng thương hiệu và cà phê Việt Nam chỉ hưởng phần lợi nhuận rất thấp dành cho vị trí gia công.

Sau hàng chục năm, chương trình tái canh cà phê của Việt Nam vẫn rất chậm chạp. Ảnh: IT

Nông dân trồng cà phê bán thô với giá giảm dần đều. Trong khi doanh nghiệp chế biến trong nước phải nhập khẩu cà phê. Nhiều người đã giật mình với con số 60.000 tấn cà phê nhập về Việt Nam hằng năm từ Brazil, Mỹ, Trung Quốc, Indonesia, Lào, Campuchia… Ngành cà phê mải tập trung xuất khẩu nguyên liệu mà bỏ quên sân nhà. Hạt cà phê Việt Nam đi qua nhiều nước, qua chế biến và nhập khẩu trở lại với giá cao gấp 2-3 lần ban đầu.

Giấc mơ 6 tỉ USD xuất khẩu cà phê sau 10 năm nữa không chỉ là chuyện của những nhà làm chính sách với những giải pháp vĩ mô sau hàng chục năm vẫn nằm trên giấy. Phát triển ngành cà phê phải dựa trên tiềm lực của nông dân trồng cà phê và doanh nghiệp. Nếu hai mắt xích này yếu sẽ là điểm yếu “cốt tử” khiến cà phê Việt Nam tụt hậu và nông dân vẫn sống nghèo trên cây “tỉ đô”.

Trọng Đạt