dd/mm/yyyy

Bình Dương xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển làng nghề

Xã Bình Dương (Thăng Bình, Quảng Nam) nổi tiếng với làng nghề nước mắm truyền thống Cửa Khe, người dân nơi đây đã sống với nghề hơn 100 năm qua. Hiện làng nghề này đã tạo việc làm, giúp tăng thu nhập cho hàng trăm lao động, đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng nông thôn mới (NTM).

Sức sống mới

Đường về trung tâm xã Bình Dương bây giờ không còn xuất hiện những đụn cát bay thông thốc vào mặt mỗi khi có gió táp. Giờ đây, đường nhựa rộng thênh thang, thẳng tắp. Cây cầu Cửa Đại từ phố cổ Hội An nối với vùng Đông của huyện Duy Xuyên, Thăng Bình đã hoàn thành, nhiều khu nghỉ dưỡng phía Nam Hội An đã và đang xây dựng... biến vùng quê Bình Dương yên bình ngày nào nay sôi động hẳn lên.

Bình Dương xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển làng nghề - Ảnh 1.

Cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng ngày càng khang trang, đồng bộ, đã tạo nên diện mạo nông thôn xã Bình Dương ngày càng văn minh, hiện đại.

Ông Phan Thanh Vân – Chủ tịch UBND xã Bình Dương cho biết, xác định mục tiêu xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông, làm động lực thúc đẩy kinh tế -xã hội, nên từ khi có chủ trương xây dựng NTM, xã đã huy động tối đa mọi nguồn lực để đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng. Nhờ đó, Bình Dương đã xây dựng được 1,9km đường giao thông trục xã, 15,6km đường trục thôn, 29km đường ngõ xóm sạch, đẹp không còn lầy lội vào mùa mưa. Về thủy lợi thì tỷ lệ diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới và tiêu nước chủ động đạt 80%.

Toàn xã có 3 trường, gồm trường THCS Lê Đình Chinh, Trường TH Lê Văn Tám, Trường Mẫu giáo Bình Dương, trong đó 2/3 trường được tỉnh công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ I. Bên cạnh việc đầu tư giao thông, hàng loạt các công trình phúc lợi khác ở Bình Dương được đầu tư như trạm y tế, trường học, khu thể thao xã, sân vận động, nhà văn hóa… cũng được đầu tư đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương.

Theo ông Vân, ở Bình Dương việc phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân là mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm của xây dựng NTM. Chính vì thế, trong nhiều năm qua, xã chú trọng phát triển sản xuất, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất, nhờ đó đã tạo sự chuyển biển mạnh mẽ trên lĩnh vực nông nghiệp. Bên cạnh đó, lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ ngày càng phát triển. Với lợi thế có dự án khu phức hợp nghỉ dưỡng Vinpearl Nam Hội An đóng trên địa bàn đã tạo nên sự thay đổi đáng kể cho địa phương, đang là "đòn bẩy" nhằm thúc đẩy kinh tế-xã hội.

Gắn với xây dựng làng nghề nước mắm

Ông Nguyễn Thanh Hải - Trưởng ban quản lý làng nghề nước mắm Cửa Khe cho biết, làng nghề nước mắm Cửa Khe đã tồn tại hơn 100 năm tuổi. Trải qua biết bao thăng trầm, khó khăn nhưng người dân nơi đây vẫn bám nghề và làm cho làng nghề nước mắm truyền thống Cửa Khe không ngừng vươn xa.

Bình Dương xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển làng nghề - Ảnh 2.

Làng nghề nước mắm truyền thống Cửa Khe (xã Bình Dương, Thăng Bình, Quảng Nam) đã giải quyết hàng trăm lao động cho địa phương có thu nhập ổn định.

Làng Cửa Khe có 65 hộ làm nghề chế biến nước mắm. Ban quản lý làng nghề nước mắm Cửa Khe được thành lập từ năm 2011, đến nay thu hút 9 cơ sở sản xuất lớn tham gia.

Thời gian gần đây, người tiêu dùng rất ưa chuộng sản phẩm nước mắm truyền thống Cửa Khe, nhờ không có chất hóa học, mùi vị nước mắm Cửa Khe lại rất thơm, ngon nên vẫn giữ được lòng tin của khách hàng.

Mỗi năm, làng nghề nước mắm Cửa Khe bán ra thị trường khoảng 120.000-150.000 lít, với giá bán từ 50.000-60.000 đồng/lít tùy loại. Tiêu biểu phải kể đến hộ bà Nguyễn Thị Hiền, Lê Thị Lợi, Trương Thị Bường, Nguyễn Thị Tám...

Theo ông Nguyễn Thanh Vinh – Phó Chủ tịch UBND xã Bình Dương, thời gian qua, làng nghề nước mắm Cửa Khe phát triển mạnh, đã mang lại thu nhập ổn định cho hàng trăm người dân ở xã Bình Dương. Ngoài ra, cơ cấu kinh tế công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ chuyển biến mạnh mẽ. Khi điều kiện kinh tế được nâng cao, người dân hăng hái tham gia, đóng góp vào quá trình xây dựng nông thôn mới.

"Hiện nay, nước mắm Cửa Khe Hai Hiền của hộ sản xuất kinh doanh Nguyễn Thị Hiền được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao (chương trình mỗi xã một sản phẩm, tỉnh Quảng Nam năm 2018). Thời gian tới, địa phương đang tiếp tục duy trì, xây dựng, chú trọng phát triển thương hiệu nước mắm truyền thống Cửa Khe là sản phẩm hàng đầu của khu vực miền Trung" - ông Vinh nhấn mạnh.

Với sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Bình Dương, mới đây qua rà soát, địa phương đã đạt 15/19 tiêu chí, còn 4 tiêu chí chưa đạt gồm: Giao thông, cơ sở vật chất văn hóa, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật xã tiếp tục xây dựng trong thời gian đến. Hiện nay, thu nhập bình quân của xã đạt 38 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều còn 3,77%.

Đại Nghĩa – Hậu Trần