dd/mm/yyyy

10 năm nông thôn mới, Thăng Bình tỏa sáng

Đến nay, sau gần 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), từ một huyện còn nhiều khó khăn, song với sự vào cuộc quyết liệt và làm một cách hiệu quả, huyện Thăng Bình (Quảng Nam) đã có bước chuyển mình đáng kể và bứt phá đi lên.

Làn gió mát từ NTM

Sau khi tiếp thu Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05/8/2008 của Ban chấp hành Trung ương Đảng (khoá X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, huyện Thăng Bình đã ban hành đề án về Chương trình MTQG xây dựng NTM trên địa bàn.

10 năm nông thôn mới, Thăng Bình tỏa sáng - Ảnh 1.

Những làng quê trước đây vốn nghèo khó, giờ thay vào đó sự phát triển mạnh mẽ và ngày càng văn minh, hiện đại hơn.

Ban chỉ đạo xây dựng NTM huyện Thăng Bình cho biết, đến cuối năm 2018, Thăng Bình có 12/21 xã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM (xã Bình Tú, Bình Giang, Bình Quý, Bình Định Bắc, Bình Chánh, Bình An, Bình Định Nam, Bình Trị, Bình Trung, Bình Sa, Bình Phú và Bình Triều). Năm 2019, xã Bình Nguyên dự kiến đạt chuẩn NTM và năm 2020 có 3 xã gồm Bình Đào, Bình Hải, Bình Phục dự kiến đạt chuẩn NTM, nâng số xã đạt chuẩn NTM của huyện là 16 xã.

Ông Đoàn Thanh Khiết – Trưởng phòng NNPTNT huyện Thăng Bình chia sẻ, có được kết quả như trên nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động xây dựng NTM với nhiều hình thức phong phú, đa dạng... Đặc biệt, cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây NTM, đô thị văn minh'', phong trào "Dân vận khéo", "Chung sức xây dựng NTM", "Thanh niên tình nguyên", gia đình "5 không 3 sạch", " Nhà sạch, vườn đẹp", "Tiếng kẻng an ninh"…. gắn với xây dựng NTM luôn được các Hội, đoàn thể và các ngành chú trọng... Nhờ đó, người dân hiểu được vai trò chủ thể của mình trong xây dựng NTM, người dân đã tự nguyện hiến đất, vật kiến trúc và tham gia ngày công để xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và dân sinh.

10 năm nông thôn mới, Thăng Bình tỏa sáng - Ảnh 2.

Cuối năm 2018, Thăng Bình đã có 2 sản phẩm OCOP đạt 3 sao (cao chè vằng - Bình Phú, nước mắm của khe – Bình Dương) và huyện đang xây dựng 7 sản phẩm OCOP trong năm 2019.

Đặc biệt, từ nguồn vốn của chương trình, kết hợp lồng ghép các nguồn khác và vận động nguồn lực của nhân dân, trong giai đoạn 2016-2018 đã đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu, như: giao thông, thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa, trường học, trạm y tế xã, nước sạch, xử lý môi trường, và các công trình khác… với số tiền 556,492 tỷ đồng.

Đời sống nhân dân sung túc

Theo ông Khiết, để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân ở khu vực nông thôn, thời gian qua huyện Thăng Bình đã chú trọng phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn một cách hiệu quả. Hiện nay huyện đã triển khai thực hiện các mô hình chuyển đổi cây trồng từ lúa sang các cây trồng cạn, diện tích chuyển đổi ổn định vụ đông xuân 462 ha, vụ hè thu 455 ha, hiệu quả tăng từ 1,5 - 3 lần so với trồng lúa.

"Nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả, cho thu nhập cao, như: nuôi gà thả vườn; chăn nuôi bò nhốt bán thâm canh; nuôi lợn ngoại, lợn móng cái sinh sản; mô hình trồng tiêu,.. Đặc biệt là mô hình tích tụ tập trung ruộng đất, liên kết sản xuất giống lúa, lạc ở HTX nông nghiệp Bình Đào, Bình Nam, Bình Tú, Bình Quý, Bình Giang, Bình Sa, Bình Chánh, Bình Hải,… đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho HTX và người dân...." – ông Khiết chia sẻ.

Đặc biệt, lĩnh vực TTCN, làng nghề của huyện Thăng Bình có bước phát triển mới, mô hình sản xuất hiệu quả được nhân rộng. Tiêu biểu như chế biến nông sản (bánh đa nem, bún phở khô); sản xuất nước mắm theo phương thức truyền thống tại Cửa Khe, Bình Dương; đan mây tre tại Bình An; sản xuất nấm Linh chi, nấm sò, nấm rơm tại nhiều địa phương trên địa bàn huyện. Hiện nay, các làng nghề truyền thống là Làng Hương, Quán Hương (thị trấn Hà Lam), làng nghề truyền thống Nước mắm cửa khe Bình Dương, các làng nghề này hiện nay hoạt động sản xuất khá tốt, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, thông qua đó, góp phần giữ gìn làng nghề truyền thống tại địa phương.

Nhờ phát triển kinh tế hiệu quả, nhiều mô hình chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng thủy sản... hình thành đã giúp cho đời sống của đại bộ phận người dân ở khu vực nông thôn ngày càng sung túc hơn. Thu nhập bình quân không ngừng tăng lên từng năm, nếu như năm 2015 thu nhập bình quân đạt 22,104 triệu đồng/người thì đến năm 2018 đã tăng lên 35,523 triệu đồng/người. Trong 3 năm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm được 1,95% (từ 8,19% năm 2016 giảm còn 4,78% năm 2018), hộ cận nghèo giảm được 1,74% (từ 6,03% năm 2016 giảm còn 4,29% năm 2018).

Theo ông Khiết, mục tiêu đến cuối năm nay xã Bình Nguyên đạt chuẩn NTM; đánh giá lại xã Bình Tú đủ 5 năm sau công nhận đạt chuẩn. Đến năm 2020 sẽ xây dựng thêm 3 xã đạt chuẩn NTM gồm: Bình Hải, Bình Đào, Bình Phục và xây dựng xã Bình Phú là xã NTM nâng cao. Tiếp tục xây dựng 11 thôn đạt chuẩn "Khu dân cư NTM kiểu mẫu" gồm Thôn Hiệp Hưng xã Bình Hải, Thôn Qúy Phước xã Bình Quý, Thôn Tú Trà xã Bình Chánh, Thôn Ngọc Sơn Đông xã Bình Phục, Thôn Trà Đóa xã Bình Đào, Thôn Tú Ngọc xã Bình Tú, Thôn An Phước xã Bình An, Thôn Vịnh Giang xã Bình Nam, Thôn Châu Xuân xã Bình Định Nam, Thôn Bình Hòa xã Bình Giang; thôn Cao Ngạn –Bình lãnh

10 năm nông thôn mới, Thăng Bình tỏa sáng - Ảnh 3.

Đời sống người dân ở vùng Đông của Thăng Bình ngày càng sung túc nhờ trồng rau.

Để hoàn thành mục tiêu trên, Thăng Bình sẽ lồng ghép tốt các nguồn vốn từ các chương trình, dự án khác trên địa bàn với nguồn vốn thuộc chương trình NTM để phát huy hiệu quả đầu tư; trong đó cần chú trọng lồng ghép từ các nguồn như: Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững; các chương trình mục tiêu; Đề án giao thông nông thôn giai đoạn 2016-2020; Chương trình kiên cố hóa kênh mương, thủy lợi nhỏ, thủy lợi đất màu; Cơ chế hỗ trợ và khuyến khích đầu tư xây dựng chợ, siêu thị và trung tâm thương mại; Cơ chế khuyến khích đầu tư xây dựng các công trình cấp nước sạch tập trung… để đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội ở cấp xã, gắn với việc thực hiện các tiêu chí NTM. Trong đó, ưu tiên hỗ trợ cho các xã phấn đấu đạt chuẩn NTM giai đoạn 2016-2020 (kể cả xã công nhận lại) và các thôn đăng ký thực hiện "Khu dân cư NTM kiểu mẫu".

Với sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của Huyện ủy; sự giám sát, của HĐND huyện; sự vào cuộc tích cực của Mặt trận và hội đoàn thể của huyện, UBND huyện tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện các nội dung Chương trình. Đến nay, bộ mặt nông thôn của huyện có nhiều khởi sắc và chuyển biến theo chiều hướng tích cực, đời sống vật chất tinh thần của người dân nông thôn ngày càng tăng lên.

Đoàn Hồng - Trần Hậu