Vị trí và hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới. Nguồn: TTDBKTTVTW
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Trung ương, đêm qua, khi đi vào vùng biển Kiên Giang - Cà Mau, bão số 16 -Tembin (Trâu Mộng) đã suy yêu thành áp thấp nhiệt đới.
Hồi 4 giờ sáng nay (26.12), tâm áp thấp nhiệt đới ở trên vùng biển ven bờ Bạc Liêu, Cà Mau. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/giờ), giật cấp 9.
Dự báo trong 12 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, tốc độ di chuyển 15-20km/h và tiếp tục suy yếu thành một vùng áp thấp trên Vịnh Thái Lan. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40km/h).
Trong ngày hôm nay (26.12), vùng biển các tỉnh từ Bà Rịa-Vũng Tàu đến Cà Mau và trên đất liền các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau còn có gió giật cấp 6.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới kết hợp với không khí lạnh, ở vùng biển từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận (bao gồm cả đảo Phú Quý) có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8.
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, hôm nay (26.12) ở Nam Bộ tiếp tục có mưa vừa; ở các tỉnh Nam Trung Bộ và Trung Trung Bộ có mưa to và có khả năng kéo dài 2-3 ngày. Từ đêm 26.12, mưa vừa, mưa to có khả năng mở rộng ra Bắc Trung Bộ và Bắc Bộ.
Dự báo trong 12 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, tốc độ di chuyển 15-20km/h, đến 16 giờ ngày 26/12, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 8,4 độ Vĩ Bắc; 103,8 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới kết hợp với không khí lạnh, ở vùng biển từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận (bao gồm cả đảo Phú Quý) có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8.
Những thiệt hại khi bão số 16 đổ bộ vào quần đảo Hoàng Sa
Sáng nay, một số tỉnh Tây Nam Bộ có mưa rả rích. Lãnh đạo các địa phương như Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang, Bến Tre, Trà Vinh... cho biết vẫn tiếp tục cấm biển, song với thời tiết không còn nguy hiểm trên đất liền, sẽ tổ chức cho người dân ở các điểm sơ tán trở về nhà, học sinh ngày mai trở lại trường.
"Rất vui vì bão Tembin suy yếu, dân về nhà trong vui mừng, nhưng thời tiết còn u ám nên không thể chủ quan", ông Nguyễn Long Hoai - Chánh Văn phòng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau nói.
Trước khi suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, bão Tembin đã hoành hành ở Philippines làm 240 người chết, chủ yếu do lũ và sạt lở đất. Vào biển Đông tối 23/12, bão mạnh thêm, quét qua quần đảo Trường Sa (Việt Nam) đạt sức gió cấp 11, giật cấp 14; tại nhà giàn DK1, gió cấp 13, giật cấp 15. Trước mối đe dọa của bão, các tỉnh từ Bà Rịa - Vũng Tàu đến Cà Mau đã phải sơ tán hàng trăm nghìn dân.