Là xã thuần nông của huyện Bát Xát, nhiều năm trước đây, kinh tế vùng biên Cốc Mỳ chủ yếu phụ thuộc vào cây sắn, cây ngô, cây lúa ... Thu nhập bình quân đầu người còn thấp, dưới mức trung bình của huyện); tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn cao; hạ tầng kinh tế - xã hội nhất là giao thông còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều, dân cư phân bố rải rác, việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế.
Đến hết năm 2023, xã Cốc Mỳ mới chỉ đạt 7/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Để hoàn thành các tiêu chí còn lại cấp uỷ, chính quyền và nhân dân ở xã vùng cao biên giới Cốc Mỳ đang phát huy tối đa mọi nguồn lực thực hiện từng chỉ tiêu, tiêu chí, trong đó, ưu tiên những tiêu chí dễ thực hiện làm trước.
Tổ chức tuyên truyền, vân động nhân dân thực hiện xây dựng nông thôn mới; phát động các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã bằng nhiều hình thức, như lồng ghép trong các cuộc Hội nghị, giao ban của xã, cuộc họp chi bộ thôn...
Ông Tẩn Láo Tả, Chủ tịch UBND xã Cốc Mỳ, huyện Bát Xát cho biết: Các tiêu chí khó thực hiện là: Thu nhập; tỷ lệ hộ nghèo; lao động việc làm, tổ chức sản xuất... Tập trung chủ yếu ở những khu có địa bàn rất khó khăn đối với công tác giảm nghèo và thực hiện các tiêu chí nông thôn mới.
Trước những khó khăn thách thức, Đảng ủy xã Cốc Mỳ đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/ĐU về lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị năm 2024, đưa ra nhiều giải pháp quan trọng. Trong đó, giải pháp phát huy sức mạnh toàn dân trong xây dựng nông thôn mới và huy động tối đa các nguồn lực cho phát triển kinh tế xã hội được triển khai đồng bộ, quyết liệt và tạo được sự đồng thuận trong nhân dân.
Bằng nguồn vốn từ Chương trình phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nguồn vốn xã hội hóa và sự đóng góp của nhân dân, xã Cốc Mỳ đã hoàn thành 3 tuyến đường giao thông, với tổng chiều dài trên 6,5km; 3 tuyến đường điện thắp sáng nông thôn tại Tân Long, Vĩ Kẽm, Sơn Hà với tổng kinh phí đầu tư trên 500 triệu đồng.
Triển khai đồng bộ các chủ trương, chính sách trong phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với thực tế tại địa phương, xã Cốc Mỳ đã đã xác định 4 cây, 2 con chủ lực trong nông nghiệp là cây chuối, cây dứa, cây quế, cây khoai môn, con lợn và con ngựa kết hợp với các tiểu dự án trong các Chương trình mục tiêu quốc gia để hỗ trợ nhân dân phát triển sản xuất.
Tổng nguồn lực hỗ trợ cho sản xuất nông, lâm nghiệp là trên 5 tỷ đồng từ các chương trình mục tiêu quốc gia. Cùng với đó, là tạo điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo vay vốn ưu đãi từ Phòng giao dịch ngân hàng chính sách xã hội huyện Bát Xát, với tổng dư nợ trên 40 tỷ đồng.
Để giúp người dân ổn định cuộc sống, yên tâm phát triển kinh tế, Cốc Mỳ đã triển khai các chính sách hỗ trợ từ nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia giúp nhân dân xây mới 6 nhà, sửa chữa 52 nhà với tổng kinh phí 1,358 tỷ đồng; hỗ trợ 129 téc nước cho 129 hộ xã nguồn nước tập trung; hỗ trợ máy móc cho 33 hộ thiếu đất sản xuất với tổng kinh phí 330 triệu đồng; triển khai 2 lớp học nghề với tổng số 70 học viên tại thôn Bản Trang, Ná Lùng.
Ông Đinh Văn Hiệp, Phó Bí thư Đảng ủy xã Cốc Mỳ, huyện Bát Xát cho biết: Hàng tháng từ kết luận của Ban Chấp hành, Ban tuyên vận Đảng ủy đã cụ thể hóa thành các mục tiêu tuyên vận cụ thể cho từng tổ tuyên vận để cán bộ tuyên vận "đi từng ngõ, gõ từng nhà" để các chủ trương của cấp ủy trở thành hành động thiết thực của mỗi một người dân.
Mặc dù hoàn lưu cơn bão số 3 tháng 9/2024 đã gây thiệt hại nặng nề cho Lào Cai nói chung và xã Cốc Mỳ (huyện Bát Xát) nói riêng. Thiệt hại trên 10% diện tích đất nông nghiệp do bị đất đá vùi lấp, xa Cốc Mỳ đã huy động mọi lực lượng cùng bà con nhân dân tập chung khắc phục hậu quả của hoàn lưu bão số 3 về đường giao thông được thông xuốt các thôn trên địa bàn xã. Xã Cốc Mỳ cũng chỉ đạo các bộ phận, các thôn thực hiện dọn dẹp, vệ sinh, khắc phục các tuyến giao thông.
Đến nay, xã Cốc Mỳ hoàn thành 8/19 tiêu chí, các tiêu chí đã đạt: Quy hoạch; thủy lợi; điện; trường học; cơ sở hạ tầng thương mại, Thông tin và Truyền thông; Giáo dục và đào tạo; văn hoá.
Bằng những giải pháp đổi mới, sáng tạo và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhâ dân, phong trào "toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới" sẽ có những bước chuyển quan trọng, diện mạo nông thôn mới Cốc Mỳ sẽ ngày càng thêm khởi sắc.