Cảm nhận đầu tiên của chúng tôi khi đến với bản Đông Suông (xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, tỉnh Sơn La) đó là một vùng quê đang trên đà đổi mới. Tỉnh lộ 109, đoạn chạy qua bản Đông Suông được mở rộng hơn nhiều so với những đoạn khác. Nhà cao tầng, nhà xây kiên cố mọc lên san sát ở 2 bên đường. Các tuyến ngõ trong bản đều đã được bê tông hóa và được nối đến tận nhà dân...
Trò chuyện với phóng viên Báo NTNN/Dân Việt/Trang Trại Việt, ông Lò Văn Pháng – Bí thư chi bộ bản Đông Suông, cho biết: Bản Đông Suông có 192 hộ dân, với hơn 700 nhân khẩu. Nằm ở trung tâm xã nên bản Đông Suông có nhiều lợi thế hơn so với các bản khác. Phát huy lợi thế đó, những năm gần đây, người dân trong bản tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Các chủ trương về phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới do Đảng ủy xã Ngọc Chiến đề ra đều thực hiện điểm ở bản Đông Suông, sau đó mới nhân rộng ra toàn xã. Nổi bật là các chủ trương: Thắp sáng làng quê, nuôi gia súc nhốt chuồng, làm đường giao thông nông thôn, làm nhà tiêu hợp vệ sinh... đều được người dân trong bản hưởng ứng nhiệt tình và tích cực thực hiện.
Tìm hiểu được biết, cách làm nông thôn mới ở bản Đông Suông khá hay, đó là phát huy được quyền làm chủ của người dân. Các nội dung liên quan đến xây dựng nông thôn mới của bản đều được đưa ra bàn bạc dân chủ, công khai, sau đó mới thống nhất cách làm. Được tham gia đóng góp ý kiến xây dựng, người dân tích cực phát huy vai trò chủ thể trong xây dựng nông thôn mới.
"Người dân trong bản luôn phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, giúp đỡ nhau trong lao động sản xuất cũng như trong cuộc sống. Bà con tích cực góp công, góp sức, tự nguyện hiến đất làm đường giao thông nông thôn, tự bỏ tiền lắp cột đèn chiếu sáng. Cán bộ, đảng viên trong bản luôn thể hiện rõ vai trò tiền phong, gương mẫu, đi đầu trong mọi phong trào. Qua đó, khơi dậy và phát huy được sức dân trong xây dựng nông thôn mới" – ông Pháng nhấn mạnh.
"Nói có sách, mách có chứng" ông Pháng dẫn chúng tôi ra tỉnh lộ 109, đoạn chạy qua bản Đông Suông. Chỉ tay xuống lề đường, ông Pháng cho hay: "Đoạn tỉnh lộ 109 chạy qua bản dài chừng 700m. Trước đây nó rất hẹp, nhà dân làm sát mép đường, chứ không thông thoáng như bây giờ. Mỗi bên đường được mở rộng ra 3m, đều là do người dân hiến đất thổ cư và tự làm cả đấy".
Cũng theo ông Pháng, sau khi đề ra chủ trương, xã đã cử cán bộ xuống phối hợp với ban quản lý bản tuyên truyền, vận động người dân hiến đất. Người dân tự tháo dỡ phía trước nhà mình và tự bỏ tiền ra để đổ bê tông.
"Lúc đầu vận động người dân hiến đất mở rộng đường gặp không ít khó khăn. Bởi toàn bộ khu đất này là đất thổ cư. Tôi và một số đồng chí cán bộ chủ chốt của xã có nhà ở đó bắt tay vào tháo dỡ trước, sau đó vận động người dân làm theo. Thấy chúng tôi làm, các hộ dân ở bên cạnh cũng làm theo, dần dần lan ra cả khu. Giờ thì đoạn đường này đã được mở rộng, thông thoáng, đi lại thuận tiện, người nào người nấy cũng phấn khởi" – Bí thư chi bộ bản Đông Suông nhớ lại.
Ông Nguyễn Văn Tâm – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường La, cho biết: Cùng với việc đôn đốc các xã triển khai thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, huyện Mường La đang tập trung chỉ đạo xây dựng bản nông thôn mới. Đối với các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, thì huyện chỉ đạo xây dựng bản nông thôn mới kiểu mẫu. Còn với các xã chưa đạt chuẩn thì chỉ đạo thực hiện xây dựng bản nông thôn mới. Xây dựng bản nông thôn mới sẽ làm nền tảng cho việc xây dựng xã nông thôn mới. Huyện Mường La đã lựa chọn bản Đông Suông thực hiện điểm xây dựng bản nông thôn mới của huyện. Đây là bản đi đầu của xã Ngọc Chiến trong việc thực hiện các tiêu chí nông thôn mới. Khi bản Đông Suông hoàn thành các tiêu chí bản nông thôn mới, huyện sẽ tổ chức cho các bản khác trong huyện đến tham quan, học tập kinh nghiệm.
Với sự đoàn kết, đồng lòng của người dân trong xây dựng nông thôn mới, đến thời điểm này, bản Đông Suông đã hoàn thành 17/18 tiêu chí trong bộ tiêu chí bản nông thôn mới do UBND tỉnh Sơn La ban hành. Bản đang nỗ lực hoàn thành nốt tiêu chí thu nhập để được công nhận đạt chuẩn bản nông thôn mới vào cuối năm 2020.