Anh Nguyễn Thành Lập hướng dẫn người dân đan lát mây tre lá theo mẫu.
Anh Lập kể vào năm 1997 anh tham gia lực lượng thanh niên xung phong (TNXP) tại Cần Giờ với điều kiện khi đó rất khó khăn, thiếu thốn, anh nhanh chóng “thuộc nằm lòng” các kỹ thuật về đan lát mây tre lá.
Trong môi trường TNXP anh được giao nhiệm vụ quản lý, đào tạo nghề để giải quyết việc làm cho học viên. Từ đây anh có điều kiện tiếp xúc với nhiều nghề thủ công truyền thống, trong đó có nghề đan lát. Nhờ chịu khó học hỏi, đam mê cùng với năng khiếu sẵn có, càng về sau, tay nghề anh càng cao nên chỉ cần nhìn mẫu sản phẩm là anh đã biết được cách đan và hoàn thành sản phẩm một cách nhanh chóng thành thục dù mẫu có đa dạng như thế nào.
Năm 2006 rời lực lượng TNXP, anh về xã Bình Khánh mở cơ sở đan lát mây tre lá và vận động người lao động nghèo tại địa phương tham gia. Vạn sự khởi đầu nan, cơ sở anh gặp không ít khó khăn do thiếu vốn. Nhiều lúc chủ hàng không kịp gửi tiền nên anh phải lặn lội vay mượn khắp nơi để trả tiền cho công nhân.
Mặc dù vậy, thanh niên Nguyễn Thành Lập khi đó không nản lòng, nỗ lực động viên người dân tham gia. Bởi anh cho rằng, ở vùng quê nghèo Cần Giờ chọn nghề đan lát là đơn giản, không cần đầu tư nhiều. Đặc biệt nghề này phù hợp với nhiều đối tượng, từ người già, trẻ nhỏ đến thanh niên... Thời gian làm việc cũng linh động, rảnh lúc nào làm lúc đó, mọi lúc, mọi nơi. Qua đó không chỉ tạo thêm thu nhập cho lao động nghèo mà còn góp phần hạn chế các tệ nạn xã hội ở nông thôn.
Thấy có triển vọng, nhiều lao động nghèo tại địa phương tin tưởng anh và chủ động tìm đến học nghề. Những người đến đây đều được anh tận tình truyền nghề và đưa nguyên liệu để đan các sản phẩm kiếm thêm thu nhập.
Nhận thấy nhu cầu của người lao động lớn, anh Lập đã chủ động thành lập các tổ hợp tác mây tre lá tại địa phương; tổ chức được nhiều tổ hợp tác đan lát mây tre lá tại các xã Bình Khánh, Lý Nhơn, An Thới Đông của huyện Cần Giờ. Đến nay công việc hàng ngày của anh là mang nguyên liệu đến phát cho các tổ, đồng thời kiểm tra, hướng dẫn cho người lao động các kỹ thuật đan lát theo từng mẫu sản phẩm mới. Sau đó anh thu gom sản phẩm để mang đi giao cho khách hàng. Số lượng các hộ dân liên kết với cơ sở của anh để làm nghề đan lát hiện khoảng 70 hộ.
Nhiều người dân xã An Thới Đông theo nghề đan lát mây tre.
Dù bận rộn, vất vả là thế nhưng anh Lập luôn cảm thấy vui vì tạo được công ăn việc làm cho người dân nghèo ở địa phương với nghề đan lát mây tre lá. Cuộc sống gia đình anh cũng dần ổn định. Sau nhiều năm theo nghề anh đã mua trả góp được một chiếc xe tải để vận chuyển sản phẩm. Nhờ có xe nên chi phí vận chuyển cũng giảm, anh có thêm một khoản dư ra và dùng để tăng lương cho nhân công. Hiện anh tiếp tục tìm thêm các đối tác để nhận thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người lao động tại địa phương.