Khách hàng giao dịch tại Agribank
Ông Trần Xuân Sơn, Phó Giám đốc Agribank Quảng Bình cho biết: “Chúng tôi đã phối hợp với chính quyền địa phương triển khai chính sách tín dụng đẩy mạnh cho vay thông qua tổ lưu động, mở rộng địa bàn và trực tiếp thẩm định, giải ngân đến tận tay người dân tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa…”.
Tạo nguồn vốn phát triển nông nghiệp
Những năm qua, Agribank Chi nhánh tỉnh Quảng Bình đã có những đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động nâng cao hiệu quả trong việc thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Để người dân tiếp cận được nguồn vốn một cách nhanh chóng, thuận tiện, Agribank Quảng Bình đã cùng Hội Nông dân, Hội Phụ nữ tỉnh Quảng Bình ký kết thỏa thuận liên ngành nhằm đưa chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Theo đó, các bên đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện kiện toàn, chấn chỉnh hoạt động của các tổ vay vốn đã được thành lập. Nhanh chóng giải thể những tổ vay vốn không đủ điều kiện hoặc hoạt động không hiệu quả. Triển khai thành lập mới các tổ vay vốn và thực hiện cho vay không có đảm bảo bằng tài sản thông qua các Tổ vay vốn.
Agribank Quảng Bình tài trợ xây dựng phòng học tại huyện Quảng Trạch
Chỉ tính đến cuối năm 2016, tổng dư nợ cho vay nền kinh tế trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đạt gần 8.700 tỷ đồng, với gần 47.000 khách hàng. Trong đó cho vay nông nghiệp nông thôn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu cho vay. Doanh số cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn lũy kế từ năm 2011 đến 2016 đạt 34.550 tỷ đồng. So với năm 2011, doanh số cho vay năm 2016 tăng gấp 2,7 lần, đạt gần 9.100 tỷ đồng. Dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn đến cuối năm 2016 đạt gần 7.500 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ hơn 86% trong tổng dư nợ cho vay nền kinh tế. So với năm 2011, dư nợ năm 2016 tăng 5.116 tỷ đồng (gấp 3,16 lần so dư nợ năm 2011).
Nhờ đồng vốn vay đến kịp thời với người dân nên đã tạo được động lực trong phát triển kinh tế hộ. Gia đình ông Nguyễn Văn Sự (huyện Quảng Ninh) đã vay 25 triệu đồng ở tổ vay vốn. Ông đầu tư hệ thống chuồng trại theo phương pháp mới và chăn nuôi gà, chim bồ câu Pháp. Tổng đàn chim của ông có gần 60 cặp chim bố mẹ. Hàng tháng, bán chim non cho các lái buôn, trừ chi phí ông cũng có lãi được hơn 2 triệu đồng.
Ông Sự hồ hởi: “Từ nguồn vay ban đầu, đến nay thu nhập gia đình tôi cũng khá ổn. Cuối năm nay thì tôi cũng trả vốn. Theo cách làm ăn này, tôi phát triển thêm cặp chim bố mẹ để tăng thu nhập’’.
Hàng ngàn hộ dân nhờ vay vốn kịp thời và có kế sách sử dụng đồng vốn vay phù hợp nên đạt được hiệu quả cao. Đồng tiền lãi dành dụm từ sản xuất cũng đã cho thu nhập ổn định cho bà con. Nhờ đó, hàng ngàn hộ dân vươn lên thoát nghèo.
“Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục thành lập mới các tổ vay vốn nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho nông dân tiếp cận nguồn vốn Agribank. Qua đó, sẽ có nhiều hộ khó khăn có điều kiện vươn lên có thu nhập và thoát nghèo’’, ông Tiến nói thêm.
Bà Lê Thị Thế (huyện Lệ Thủy) vay từ nguồn vốn được 30 triệu đồng. Gia đình bà đầu tư nuôi gà đồi và chăn nuôi lợn. Qua ba năm, bà đã trả hết nợ vay và còn dành dụm được một ít vốn.
Bà Thế cho biết: “Từ nguồn vốn vay ngân hàng thông qua hội phụ nữ thôn, mỗi năm tôi bán được 3 lứa heo và gà. Trả xong vốn, tôi đã sửa sang được nhà bếp. Bây giờ còn hơn 100 gà thì để bán vào dịp Tết đến. Số lợn nuôi thức ăn nông sản sạch cũng còn hơn chục con’’.
Phục vụ nông nghiệp, nông thôn
Sau khi Nghị định 67 “Về một số chính sách phát triển thủy sản” của Chính phủ ban hành, Agribank Quảng Bình tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân triển khai làm dự án đóng mới tàu vỏ gỗ, vỏ thép. Theo đó đã tiến hành thẩm định, giải ngân vốn vay cho 46 khách hàng với tổng số tiền 502 tỷ đồng/518 tỷ đồng cam kết cho vay.
Tại TP Đồng Hới thực hiện giải ngân vốn vay cho 13 khách hàng với tổng số tiền 190 tỷ đồng. Ngư dân Nguyễn Văn Dương (xã Bảo Ninh, TP Đồng Hới) vay 20 tỷ đồng để đầu tư đóng mới tàu vỏ thép. Những chuyến đi biển đầu tiên của con tàu mới này được bội thu.
Ông Dương phấn khởi: “Tàu mới, máy tốt, ngư lưới cụ đảm bảo nên chuyến nào ra ngư trường đều thắng lợi. Có những chuyến thu về hơn tỷ đồng. Chính sự giúp sức của Agribank đã cho ngư dân chúng tôi an tâm ra khơi bám biển, vừa có thu nhập cao vừa giữ biển cho Tổ quốc“.
Tàu cá của ngư dân Nguyễn Văn Dương trong chuyến ra khơi thu nhập 1 tỉ đồng
Chương trình xây dựng NTM đã triển khai đến toàn bộ 119 xã trên địa bàn cả tỉnh. Agribank Quảng Bình cũng đã nhanh chóng vào cuộc để hỗ trợ kịp thời cho người dân.
Theo số liệu, đến cuối năm 2016, số tiền cho vay theo kênh NTM đạt trên 5.000 tỷ đồng. Agribank Quảng Bình chỉ đạo các đơn vị trực thuộc đưa đồng vốn đến với các hộ gia đình để đầu tư cho SXKD, cho vay người lao động có thời hạn ở nước ngoài. Giúp người dân mở ra những phương thức làm giàu, ổn định và nâng cao đời sống. Từ đó chủ động được nguồn tài chính để chung tay góp sức cùng địa phương xây dựng NTM. Không chỉ gián tiếp cùng nhân dân các địa phương xây dựng nông thôn mới, đơn vị còn tài trợ băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền về xây dựng NTM cho các địa phương.