Agribank Quảng Trị triển khai nghiệp vụ Thanh toán biên mậu phục vụ thanh toán xuất nhập khẩu qua biên giới Việt Lào
Giữ vai trò chủ đạo, chủ lực trong đầu tư phát triển kinh tế địa phương, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, thời gian qua, bên cạnh việc đầu tư cho vay đến hộ gia đình và cá nhân, Agribank còn quan tâm đầu tư vốn cho các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh ngày càng có hiệu quả, trở thành động lực phát triển kinh tế xã hội.
Đến 30.9.2017, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có tổng số 3.217 doanh nghiệp đang hoạt động. Nếu như những năm trước đây, các doanh nghiệp chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực thương mại, xây dựng với quy mô nhỏ, thì nay đã có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, chế biến nông, thủy sản xuất khẩu và từng bước đầu tư kinh doanh, thương mại dịch vụ vận tải, du lịch, khách sạn… với quy mô vừa và lớn.
Không ít doanh nghiệp đã nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn, kinh doanh ngày càng hiệu quả, đóng góp quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của tỉnh nhà. Năm 2016 tổng sản phẩm GDP của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt trên 6.800 tỷ đồng, đóng góp khoảng 47,6% GDP của tỉnh, đóng góp trên 50% thu ngân sách địa phương, giải quyết việc làm cho hơn 35.500 lao động.
Công ty Cổ phần Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị hoạt động theo mô hình Công ty Cổ phần do Nhà nước sở hữu trên 57% vốn điều lệ, kinh doanh đa ngành nghề bao gồm sản xuất tinh bột và các sản phẩm từ tinh bột, kinh doanh dịch vụ lưu trú ngắn ngày, cho thuê văn phòng làm việc và nhà bán hàng, thu mua và chế biến mủ cao su, thu mua và chế biến nông sản, vận chuyển, cung ứng hàng hóa và dịch vụ thiết yếu phục vụ đồng bào miền núi….
Doanh thu của Công ty hàng năm đạt từ 600-700 tỷ đồng, trong đó sản phẩm tinh bột sắn SePon mang lại doanh thu và lợi nhuận lớn nhất cho Công ty. Đây được xem là một trong những “doanh nghiệp đầu đàn” của tỉnh Quảng Trị, cũng đồng thời là khách hàng truyền thống của Agribank Quảng Trị.
Ký kết thoả thuận liên ngành về cho vay qua tổ giữa Hội Nông dân tỉnh Quảng Trị, Hội LHPN tỉnh Quảng Trị và Agribank Quảng Trị
Giám đốc Công ty, ông Hồ Xuân Hiếu chia sẻ, năm 2004, Công ty mạnh dạn xây dựng Nhà máy chế biến tinh bột sắn tại địa bàn xã Thuận thuộc huyện miền núi Hướng Hóa. Agribank đã đầu tư khép kín từ xây dựng nhà máy đến thu mua và tiêu thụ sản phẩm.
Tính đến nay, Nhà máy đã tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động ở địa phương, đặc biệt là bà con dân tộc thiểu số PaCô, VânKiều ở hai huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông. Sản phẩm tinh bột sắn của Công ty được thị trường ưa chuộng, chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Singapore. Năm 2008, Công ty nâng cấp công suất dây chuyền lên 210 tấn/ngày, đến năm 2016 nâng cấp dây chuyền thiết bị lên 270 tấn/ngày.
Việc đầu tư mở rộng dây chuyền sản xuất kết hợp nâng cấp hệ thống xử lý nước thải đảm bảo đạt chuẩn, hiện đại nhằm giải quyết triệt để các vấn đề về môi trường. Nguồn vốn tín dụng của Agribank Quảng Trị thực sự là ”bệ đỡ” cho Công ty chúng tôi mở rộng quy mô hoạt động Nhà máy, tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho bà con nông dân trên địa bàn – Ông Hồ Xuân Hiếu khẳng định.
Giám đốc Agribank Quảng Trị, ông Hoàng Minh Thông cho biết, thực hiện chỉ đạo của Hội đồng thành viên, Ban lãnh đạo Agribank cũng như từ thực tiễn tình hình hoạt động kinh doanh của địa phương, trong quá trình đầu tư tín dụng phát triển kinh tế, ngoài việc xác định mục tiêu chính yếu đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Agribank Quảng Trị còn hướng đến đầu tư cho vay đối với các doanh nghiệp, trong đó tập trung cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu các mặt hàng nông sản, thủy hải sản, tạo sự khép kín trong sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu.
Trong giai đoạn nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, Agribank đã liên tục giảm lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên, hỗ trợ các doanh nghiệp theo chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước. Quán triệt quan điểm chỉ đạo của Thống đốc NHNN Việt Nam và của Agribank về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, Agribank Quảng Trị đã dành nguồn vốn 400 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi để cho vay theo “Chương trình kết nối Ngân hàng- Doanh nghiệp”, được các cấp chính quyền địa phương ủng hộ và ghi nhận.
Thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16.5.2016 của Chính Phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, hàng năm UBND tỉnh tổ chức Hội nghị đối thoại doanh nghiệp, đại diện lãnh đạo Agribank Quảng Trị luôn tham gia để kịp thời nắm bắt những vấn đề liên quan của doanh nghiệp, trực tiếp trao đổi, tháo gỡ các vướng mắc khó khăn của doanh nghiệp.
Lễ ký kết hợp đồng tín dụng cho vay đóng mới tàu hậu cần nghề cá và tàu khai thác hải sản xa bờ
Bên cạnh việc đầu tư vốn cho doanh nghiệp, Agribank Quảng Trị còn cung ứng các dịch vụ tiện ích của Ngân hàng hiện đại bao gồm dịch vụ tài khoản và tiền gửi, dịch vụ quản lý vốn tập trung, dịch vụ thanh toán và sản phẩm giá trị gia tăng về ngoại hối, dịch vụ ngân hàng và sản phẩm ngân hàng khác; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, thu mua, tiêu thụ sản phẩm cũng như thắt chặt mối quan hệ giữa Ngân hàng và doanh nghiệp trên cơ sở bình đẳng, hai bên cùng có lợi.
Đến 30.9.2017, tổng dư nợ cho vay của Agribank Quảng Trị đạt 7.400 tỉ đồng, trong đó dư nợ cho vay doanh nghiệp 1.400 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 19%. Hiện có trên 900 doanh nghiệp quan hệ tín dụng với chi nhánh, chủ yếu là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, kinh doanh thương mại, sản xuất và phân phối điện, nuôi trồng, chế biến nông, lâm, thủy hải sản….Trong nhiều năm qua, Agribank luôn là NHTM dẫn đầu về quy mô, thị phần hoạt động trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, góp phần tích cực vào quá trình phát triển kinh tế địa phương.
Bà Nguyễn Thị Hà, Giám đốc Công ty TNHH Phương Thảo cho biết, trong quá trình quan hệ tín dụng với Agribank Quảng Trị, Công ty nhận được nhiều ưu đãi từ phía Ngân hàng, rất thuận lợi trong quá trình vay vốn, kể cả về mức vay, lãi suất cũng như thủ tục. Ngân hàng đã đáp ứng vốn kịp thời cho hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty, đồng thời Agribank áp dụng những chính sách ưu tiên về lãi suất, phí… dành cho khách hàng doanh nghiệp, khách hàng xuất khẩu… nên Công ty cũng giảm được nhiều chi phí, tăng lợi nhuận.