Lúa sau khi triển khai tưới khô xen kẽ đang chín rộ, năng suất tăng hơn so với cách làm truyền thống
Xã Cam Phước Đông được biết đến là vùng sản xuất lúa nước có diện tích lớn nhất của TP. Cam Ranh (Khánh Hòa), vào mùa hạn lượng nước nơi đây không đủ cung cấp cho người dân sản xuất lúa. Để hạn chế tình trạng trên, ông Cao Hữu Lý (Chủ tịch Hội Nông dân xã Cam Phước Đông) đã tìm ra bí quyết tưới khô xen kẽ vừa giúp nông dân tăng được năng suất, đồng thời hạn chế được lượng nước tưới tiêu.
Theo ông Lý, trong canh tác, cây lúa rất cần nước nhất là ở giai đoạn mạ, đẻ nhánh, làm đòng, giai đoạn lúa trổ bông. Ngược lại, khi lượng nước tưới nhiều sẽ gây ngập úng, còn lượng nước tưới thiếu sẽ làm ảnh hưởng đến việc đẻ nhánh của cây lúa.
Đặt đặt ống dưới chân ruộng để triển khai phương pháp tưới khô xen kẽ
Phương pháp áp dụng tưới khô xen kẽ chia thành 6 giai đoạn khác nhau
Sau khi khảo sát, ông Lý đã lựa chọn hộ ông Nguyễn Văn Dũng (thôn Hòa An, xã Cam Phước Đông) để hướng dẫn, triển khai thí điểm mô hình tưới khô xen kẽ cho cây lúa, với diện tích 1.200m2. Phương pháp áp dụng tưới khô xen kẽ (hay còn gọi nông lộ phơi), quy trình này chia thành 6 giai đoạn khác nhau gồm:
Giai đoạn 1 (sau khi sạ từ 7-10 ngày), giữ mực nước từ bão hòa đến cao khoảng 1cm, mực nước trong ruộng sẽ được giữ cao khoảng 1 - 3cm theo giai đoạn phát triển của cây lúa và giữ liên tục cho đến lúc bón phân lần 2 giai đoạn này, nếu làm tốt sẽ hạn chế cỏ mọc mầm.
Giai đoạn 2 (lúa từ 12 – 40 ngày). Thời gian lúa đẻ nhánh, nếu để ngâm nước thường xuyên sẽ gây khó khăn lúa đẻ nhánh và cây lúa sẽ khó phát triển, dễ sinh dịch bệnh. Giai đoạn này, tưới ngập 5cm sau đó rút cạn để nứt chân chim thì cho vào tiếp. Khoảng 7-10 ngày kết thúc giai đoạn đẻ nhánh hữu hiệu, tưới đến độ sâu 5cm.
Giai đoạn 3 (cuối đẻ nhánh), phơi ruộng từ 10 – 15 ngày.
Giai đoạn 4 (giai đoạn lúa 40 - 45 ngày), là giai đoạn bón phân lần 3 (hay còn gọi đón đòng). Lúc này, cần bơm nước vào khoảng 1 - 3cm trước khi bón phân, nhằm tránh ánh sáng làm phân hủy và bốc hơi phân bón, nhất là phân đạm.
Giai đoạn 5, lúa 60 - 70 ngày. Ở giai đoạn này lúa trổ nên cần giữ nước cho cây lúa trổ và thụ phấn dễ dàng, hạt lúa không bị lép.
Riêng giai đoạn 6 (cây lúa 70 ngày đến thu hoạch), chỉ cần giữ mực nước từ bằng mặt đến thấp hơn mặt ruộng 15cm. Cần phải “xiết’’ nước 10 ngày trước khi thu hoạch để mặt ruộng được khô ráo.
Ông Lý cho biết, để thực hiện được phương pháp tưới khô xen kẽ này cần phải lắp đặt ống nhựa dưới ruộng để theo dõi, nên chọn 4- 5 điểm cố định trên ruộng lúa, mỗi điểm đặt một ống. Ống nhựa có chiều dài 25cm, đường kính 10 - 20cm, được đục thủng nhiều lỗ.
Qua đánh giá, có thể thấy rằng, phương pháp tưới khô xen kẽ tiết kiệm giảm được 5 lần tưới. Nhẩm tính, với cách làm trên năng suất ruộng lúa thí điểm đạt 69 tạ/ha, tăng 6 tạ/ha so với ruộng đối chứng. Phương pháp này đang được ứng dụng rộng rãi trên địa bàn xã Cam Phước Đông.