dd/mm/yyyy

Y Múa mở homestay để thoát nghèo

Sùng Y Múa ở bản Hang Kia (xã Hang Kia, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình) là tấm gương điển hình của phụ nữ Mông vươn lên thoát nghèo và làm giàu. Múa cũng là một trong những phụ nữ người Mông đầu tiên ở nơi đây dám rời bản về trường nội trú huyện học lấy cái chữ.

Nhà Y Múa ở bản trung tâm xã Hang Kia. Khu Homestay của Múa được làm rất vững chãi và sạch sẽ. Mấy khu phòng đón khách được lợp lá cọ với lối trang trí rất gần gũi, nhưng cũng vô cùng sang trọng. Mấy năm trở lại đây, nó trở thành nơi đến lý tưởng cho du khách gần xa khi muốn đến với chốn đẹp như miền cổ tích này.

Quyết tâm học lấy cái chữ

Xung quanh nhà Y Múa hoa đào, hoa mơ đang nở sáng cả một cánh rừng. Múa - người phụ nữ dân tộc Mông chất phác và đầy nhiệt tình. Trên gương mặt tràn ngập niềm vui của chị luôn nở nụ cười tươi đón khách. Vừa gặp khách, chị đã đon đả mời khách vào thăm khu nhà của mình. Nâng ly trà nóng do chính tay Múa hái lá chè cổ thụ trên đỉnh Pà Cò về mời khách mà thấy lòng thật ấm áp.

Y Múa mở homestay để thoát nghèo  - Ảnh 1.

Vợ chồng Y Múa chụp ảnh với du khách nước ngoài.

Thái độ gần gũi, khuôn mặt tươi tắn và rất tự tin trong giao tiếp của chị Múa khiến khoảng cách giữa chủ và khách đã bị xóa nhòa. Chị Múa sinh ra ở bản Chà Đáy, xã Pà Cò (Mai Châu - Hòa Bình) - cách nơi đặt khu nghỉ dưỡng của chị có 4km. Giống như bao phụ nữ người Mông khi đó gặp vô vàn rào cản trên con đường học hành.

Đa số phụ nữ người Mông thuộc thế hệ 8X của xã Pà Cò - Hang Kia đều không đến trường. Đến tuổi trăng rằm, khi họ còn chưa kịp lớn đã theo chồng. Sau đó là những tháng năm ăn làm và đẻ một mạch. Dường như cái quy luật đó cứ bám riết lấy phụ nữ người Mông nơi đây.

Bố mẹ Múa lại nghĩ khác, dù nhà có đông con, nhưng ông lại luôn động viên con đi học. Đúng dịp đó, việc phổ cập xóa mù chữ cho người Mông ở Hang Kia - Pà Cò vào cuối những năm 80 của thế kỉ XX đã lan đến 2 xã đồng bào Mông. Múa đã có cơ hội đến trường. Dù động viên, tuyên truyền thế nào, cả xã Pà Cò khi đó cũng chỉ có 13 cô gái Mông, trong đó có Múa xung phong xuống huyện học lấy cái chữ.

Suốt mười mấy năm liền xa nhà học chữ, Y Múa đã dần học được cái chữ. Từ việc đọc thông, viết thạo, Y Múa học một lèo đến đại học. Trong lúc đi học Y Múa ước mơ trở thành ca sĩ. Chị hát hay như con chim rừng hót véo von đầu rừng vào buổi sáng. Duyên phận đưa đẩy, chị lại học ngành y. "Múa rất thích hát. Múa từng đi thi hát và đoạt giải nhất về dân ca Mông. Nhưng cuối cùng Múa chọn học ngành y để về phục vụ bà con của bản", Y Múa chia sẻ.

Y Múa mở homestay để thoát nghèo  - Ảnh 2.

Chị Sùng Y Múa là tấm gương vượt khó của phụ nữ Mông ở xã Hang Kia.

Suốt những năm học xa nhà, Múa luôn tâm niệm phải học thật tốt để có cái kiến thức phục vụ quê hương. Ra trường Múa được phân về làm cán bộ y tế ở trạm y tế xã Hang Kia. Và suốt mười mấy năm qua, chị đã không ngừng nỗ lực tuyên truyền đến chị em phụ nữ Mông về cách phòng chống bệnh tật. Múa cùng chính quyền địa phương vận động chị em ra trạm y tế sinh đẻ. Ngoài ra có bệnh đến trạm khám, chứ không tổ chức cúng ma linh đình như trước nữa.

Những năm trước người Mông nơi đây còn nhiều phong tục lạc hậu. Họ ốm đau đều nhờ đến thầy mo, thầy cúng, chứ gần như không ra trạm y tế. Đặc biệt là chị em phụ nữ, họ rất ngại đến trạm khám bệnh. Từ khi Múa về công tác tại tram y tế xã, Múa đã mất nhiều tháng ngày đi mòn các bản để vận động bà con thay đổi nhận thức.

Từ việc chị em chỉ sinh con ở nhà, đến nay hầu như phụ nữ người Mông nào nơi đây cũng đến trạm xã để sinh đẻ. Không những vậy, Múa còn quyên góp được nhiều đồ đạc và quần áo giúp cho các chị em phụ nữ người Mông nơi đây. Giờ Múa đến bản nào của xã Hang Kia, bà con cũng coi như con em trong nhà. Họ bảo rằng, cái Múa luôn thật cái bụng. Nó làm gì cũng chỉ tốt cho bà con.

Mở homestay đón khách

Hang Kia là xã vùng cao lại nằm cạnh cao nguyên Mộc Châu. Nơi này khí hậu quanh năm ôn hòa và mát mẻ. Khung cảnh lại nên thơ, nên du khách các nơi đổ dồn về đây du lịch. Múa thầm nghĩ "tại sao mình không dựng nhà đón khách. Vừa để giao lưu học hỏi vừa có thêm thu nhập".

Nghĩ là Múa bắt tay vào làm. Múa vay tiền, mua gỗ, thuê thợ dựng nhà sàn đón khách. Bao khó khăn vất vả, thiếu thốn trăm bề, nhưng Múa vẫn quyết tâm làm. Múa chia sẻ, mình có may mắn vừa dựng nhà xong, khách đã kéo đến nghỉ rất đông. Đoàn nay đi có đoàn khác đến. Múa nhờ người địa phương dọn nhà, nấu ăn cho khách những món ăn của chính người Mông thường sử dụng. Từ gà nướng, măng xào, cải mèo xào tỏi... món gì du khách cũng thấy ngon, lạ miệng.

Y Múa mở homestay để thoát nghèo  - Ảnh 3.

Khách du lịch đến với Homestay của Y Múa ngày một đông.

Bén duyên với nghề du lịch, nên từ một ngôi nhà ban đầu, đến giờ Múa đã mở thêm được thêm 2 ngôi nhà sản nhỏ nữa. Nơi này trở thành điểm lưu trú hấp dẫn của cả khách tây lẫn khách ta. Họ đến là Múa đón tiếp như người nhà của mình. Chính cái cảm giác gần gũi và thân thiện của Múa đã giúp khu nghỉ dưỡng này luôn đông khách.

Múa bảo: Hang Kia là địa điểm săn mây lý tưởng. Họ đến đây được Múa dẫn đi thăm thú và hòa nhập với văn hóa bản địa, ai cũng chết mê. Không những vậy, mỗi du khách đến bản là mua sản vật địa phương cũng làm tăng thu nhập cho bà con.

Y Múa mở homestay để thoát nghèo  - Ảnh 4.

Cơ sở lưu trú của Múa giờ là điểm đến hấp dẫn cho khách du lịch trong và ngoài nước.

Từ một cô gái nhút nhát, Múa đã vươn lên mạnh mẽ như những bông hoa rừng đang khoe sắc khi mùa xuân về. Múa đã không cam chịu đói nghèo và không cam phận đến tuổi không đi học mà phải ở nhà lấy chồng rồi sinh con và trở thành con ma của nhà chồng. Múa đã thổi luồng gió mới đến vùng gian khó này.

(Dân Việt)