Theo tính toán từ số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam trong tháng 6/2023 đạt trên 1,09 tỷ USD, tăng 3,7% so với tháng 5/2023 nhưng giảm 22,4% so với tháng 6/2022.
Tính chung 6 tháng năm 2023 xuất khẩu nhóm hàng này đạt gần 6,06 tỷ USD, giảm 27,9% so với 6 tháng năm 2022; trong đó, riêng sản phẩm gỗ xuất khẩu đạt trên 4,13 tỷ USD, chiếm 68,2% trong tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này, giảm 31,9%.
Doanh nghiệp xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đang cùng lúc đối mặt với những khó khăn chưa từng có khi lâm vào tình trạng khan hiếm đơn hàng, cạn kiệt dòng tiền, đối mặt với các rào cản thương mại từ Mỹ và xuất hiện rào cản mới của thị trường EU... Do vậy, khả năng đẩy mạnh xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong những tháng cuối năm sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn.
Nhóm hàng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Mỹ, riêng thị trường đã chiếm tới 54% trong tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước, đạt gần 3,27 tỷ USD, giảm 32,8% so với cùng kỳ năm trước, riêng tháng 6/2023 xuất khẩu sang thị trường này đạt 622,66 triệu USD, giảm 1% so với tháng 5/2023 và giảm 19,2% so với tháng 6/2022, nguyên nhân do sức mua kém, đơn hàng giảm. Bên cạnh đó, ngành gỗ đã phải đối diện với các cuộc điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp từ năm 2020 và đến nay, sau 7 lần trì hoãn, Bộ Thương mại Mỹ vẫn chưa đưa ra phán quyết cuối cùng.
Bên cạnh đó là một số thị trường cũng đạt kim ngạch cao như: Nhật Bản đạt 812,82 triệu USD, chiếm 13,4%, giảm 3,7%; Trung Quốc đạt 706,57 triệu USD, chiếm 11,7%, giảm 25,4%; Hàn Quốc 394,4 triệu USD, chiếm 6,5%, giảm 25,6%. Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường Đông Nam Á đạt 131,08 triệu USD, chiếm 2,2%, giảm 13%.
Nhìn chung, trong 6 tháng năm 2023 xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang hầu hết các thị trường giảm kim ngạch so với 6 tháng năm 2022.
Mặc dù, xuất khẩu gỗ giảm mạnh trong nửa đầu năm 2023, trong các sản phẩm, vẫn có những nhóm hàng tăng trưởng. Điển hình như mặt hàng ván sợi có kim ngạch xuất khẩu sang Ấn Độ đạt gần 32 triệu USD, tăng 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Với sản phẩm dăm gỗ, 6 tháng đầu năm nay đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 1 tỷ USD, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2022. Trung Quốc và Nhật Bản vẫn là 2 thị trường chính tiêu thụ dăm gỗ xuất khẩu từ Việt Nam; trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm trên 70%.
Hiệp hội Gỗ và Lâm Sản Việt Nam dự kiến trong thời gian tới, nhu cầu viên nén tại thị trường Hàn Quốc sẽ tăng trở lại với lượng tiêu thụ 100.000 tấn/tháng. Còn tại Nhật Bản, các doanh nghiệp Việt đã ký được các hợp đồng dài hạn 2-3 năm cung cấp viên nén. Có thể thấy, hai thị trường nhập khẩu lớn viên nén của Việt Nam là Hàn Quốc và Nhật Bản, (chiếm 98% tổng lượng) đang có tín hiệu tốt.
Còn thị trường châu Âu dần ổn định sau cơn sốt các nguồn cung ứng năng lượng, bao gồm cả nhiên liệu sinh khối. Tuy nhiên, với những cam kết giảm mạnh phát thải và tăng cường sử dụng năng lượng sinh học, xuất khẩu viên nén sẽ phục hồi cả về giá và khối lượng từ những tháng cuối năm 2023. Đây là tín hiệu đáng mừng cho ngành gỗ Việt Nam. Cùng đó, nhiều doanh nghiệp cũng tìm hướng đi riêng biệt để tìm kiếm khách hàng mới cho giai đoạn tiếp theo của ngành gỗ ứng phó khó khăn hiện nay. Đồ gỗ vào thị trường châu Âu có mảng đồ trang trí được xem là thị trường ngách dự kiến tăng trưởng 4,27%/năm cho giai đoạn 2023-2026, đến năm 2026 có thể đạt 7,05 tỷ USD. Với những mặt hàng trang trí nội thất càng có nét bản địa, bản sắc riêng thì các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam càng có nhiều thị trường ngách hơn, sẽ hướng tới đối tượng khách hàng nhất định tại thị trường châu Âu.
Đồ nội thất bằng gỗ là mặt hàng xuất khẩu chính trong cơ cấu mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm 2023, nhưng trị giá xuất khẩu mặt hàng này giảm mạnh, do kinh tế thế giới vẫn đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, khiến sức mua trên toàn cầu giảm mạnh, đơn đặt hàng đối với các sản phẩm nội thất giảm đáng kể. Xuất khẩu hầu hết các mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ đều giảm mạnh.