Đi sau, về đích trước
Ông Nguyễn Sự - Nguyên Bí thư thành ủy TP.Hội An nhớ lại, tháng 12/2009, đích thân ông cùng các ngành liên quan của thành phố đã vượt sóng gió mang mấy tấn gạo ra đảo Tân Hiệp cứu trợ cho người dân. Và việc cứu trợ cho xã đảo vào những lúc không khí lạnh, biển động dài ngày hầu như năm nào cũng có. Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng của xã Tân Hiệp chưa được hoàn thiện, điều kiện học tập của học sinh và sinh hoạt của nhân dân còn nhiều hạn chế.
Năm 2010, thu nhập bình quân đầu người của Tân Hiệp chỉ đạt 12 triệu đồng/người/năm và tỷ lệ hộ nghèo lên đến 5,96%. Theo Văn phòng điều phối nông thôn mới thành phố Hội An, kết quả đánh giá thực trạng năm 2010, xã Tân Hiệp mới đạt 3/19 tiêu chí của Bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng NTM.
Ông Nguyễn Văn An - Bí thư Đảng ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới xã Tân Hiệp cho hay, ngày 26/4/2016, Tân Hiệp tổ chức Lễ phát động xây dựng xã nông thôn mới trong bối cảnh tỉnh Quảng Nam dự kiến đưa Tân Hiệp vào danh sách xã xây dựng đạt chuẩn NTM sau năm 2020.
Không thể nói hết sự phấn khởi của nhân dân và chính quyền xã đảo Tân Hiệp khi được chọn xây dựng xã NTM giai đoạn 2016-2020. Và cả hệ thống chính trị từ thành phố đến xã, thôn và đặc biệt là người dân xã đảo đã vào cuộc với quyết tâm rất cao.
Bà Nguyễn Thị Vân - Trưởng phòng Kinh tế, Phó Ban Chỉ đạo Chương trình MTQG xây dựng NTM TP.Hội An cho biết, việc xây dựng xã Tân Hiệp đạt chuẩn NTM giai đoạn 2016-2020, không chỉ góp phần thực hiện mục tiêu thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM vào cuối năm 2020 mà quan trọng hơn, còn tạo điểm nhấn quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội ở Cù Lao Chàm.
Tại Lễ phát động xây dựng xã NTM, mục tiêu đặt ra của Tân Hiệp là đạt chuẩn vào cuối năm 2019. Nhưng Tân Hiệp đã tạo nên kỳ tích khi về đích sớm hơn một năm. Tháng 4/2019, UBND tỉnh Quảng Nam đã có quyết định công nhận xã Tân Hiệp đạt chuẩn năm 2018.
Xã đảo đầu tiên tự cân đối thu chi ngân sách
Theo Văn phòng điều phối TP.Hội An, trong hai năm 2017 – 2018, tổng vốn ngân sách đầu tư cơ sở hạ tầng trên địa bàn xã Tân Hiệp là 21,3 tỷ đồng. Bên cạnh đó, xã đảo cũng đã tranh thủ các nguồn vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án để đầu tư cho các tiêu chí về cơ sở hạ tầng.
Ông Lê Thanh Rin - Cán bộ chuyên trách NTM xã Tân Hiệp, giai đoạn 2016 - 2018, gần 17 tỷ đồng đã được huy động từ nguồn vốn lồng ghép đầu tư cho giao thông, cơ sở vật chất văn hóa, trường học, môi trường. Có thể kể ra một số công trình được xây dựng từ nguồn vốn lồng ghép như xây dựng nhà văn hóa thôn Bãi Làng, nâng cấp trường THCS Quang Trung…
Một trong những dấu ấn trong xây dựng NTM ở Tân Hiệp đó là phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân xã đảo. Với lợi thế là Khu dự trữ sinh quyển thế giới, khu bảo tồn biển quốc gia, Cù Lao Chàm đã thực sự là một điểm du lịch hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.
Việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ ngư nông nghiệp sang du lịch - dịch vụ và thương mại ở xã đảo Tân Hiệp đã diễn ra khá mạnh mẽ. Đến nay, tỷ trọng ngành du lịch - dịch vụ, thương mại đã chiếm hơn 50% cơ cấu kinh tế của xã. Sự phát triển của du lịch - dịch vụ đã kéo theo sự chuyển dịch lao động và giải quyết lao động từ nông - lâm - ngư sang dịch vụ - du lịch - thương mại.
Nếu như năm 2010, lượng du khách đến Cù Lao Chàm chỉ là 55.300 ngàn lượt khách thì đến cuối năm 2018 lượng khách du lịch đến với xã đảo đã lên đến 395.000 lượt, tăng hơn 7 lần so với năm 2010. Nhất là ngư nghiệp vốn là ngành kinh tế quan trọng của xã, với giá trị kinh tế cao. Các nghề khai thác hải sản phục vụ du lịch đã làm gia tăng giá trị thương phẩm, nên thu nhập của ngư dân ngày càng được cải thiện.
Bằng sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, cùng với sự nỗ lực của người dân, từ năm 2010 đến nay, thu nhập của người dân xã đảo Tân Hiệp đã tăng lên đáng kể. Đến cuối năm 2018, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 42,07 triệu đồng/người/năm, tăng 3,5 lần so với năm 2010, cao nhất trong 4 xã xây dựng NTM của TP.Hội An. Đến nay xã không còn hộ nghèo và là xã đầu tiên tự cân đối thu chi ngân sách của tỉnh Quảng Nam.