dd/mm/yyyy

Vừa mất mùa vừa mất giá, người trồng thảo quả ở Lai Châu chịu thiệt “kép”

Thảo quả được mệnh danh là “vàng đỏ” ở núi rừng Tây Bắc. Tuy nhiên, khoảng 2 năm nay, bà con trồng thảo quả gánh thiệt hại kép khi thảo quả vừa mất mùa vừa mất giá, khiến không ít người phải nghĩ cách chuyển hướng sang cây trồng khác.

Qua rồi thời vàng son

Gia đình ông Vàng A Sử (ở bản Căng Ký, xã Tung Qua Lìn, huyện Phong Thổ, Lai Châu) trồng 3ha thảo quả cách đây hơn chục năm. Trước đây, mỗi vụ, gia đình ông thường thu hoạch khoảng 70 bao, thu về gần 100 triệu đồng. Nhưng năm nay ông chỉ thu được hơn 8 bao, tương đương 3,5 tạ quả khô; năng suất kém mấy lần so với những năm trước.

Hiện toàn huyện Phong Thổ có 1.038ha thảo quả, trồng tập trung tại các xã: Sin Suối Hồ, Sì Lở Lầu, Dào San, Bản Lang, Tung Qua Lìn, Lản Nhì Thàng, Mồ Sì San, Pa Vây Sử. Từ năm 2020, do mưa đá, băng tuyết đã làm ảnh hưởng đến 147ha diện tích trồng cây thảo quả trên địa bàn huyện. Mặc dù, người dân tích cực chăm sóc, phục hồi nhưng năm nay chỉ có hơn 1.000ha cây thảo quả cho thu hoạch với năng suất 1,63 tạ/ha, tổng sản lượng đạt trên 168 tấn.

Ông Giàng A Trung - Phó Chủ tịch UBND xã Tung Qua Lìn thở dài: Trước đây, vùng thảo quả này sai trĩu, đến mùa, bà con mang gùi lên nương thu hoạch; dưới mỗi gốc cây, từng chùm quả to, chín đỏ mọng, thích lắm. Thế nhưng năm 2015, do ảnh hưởng của mưa tuyết, nhiều diện tích thảo quả bị ảnh hưởng. Vừa phục hồi và cho thu sản phẩm được 2 năm thì đến năm 2020 lại bị ảnh hưởng mưa đá, rét đậm dẫn đến năng suất thấp; có khoảng hơn 10ha không thể khôi phục được. Cả xã có 85ha thảo quả, bình quân năm nay, năng suất thảo quả đạt 1 tạ quả khô/ha.

Người trồng thảo quả chịu  thiệt “kép” - Ảnh 1.

Người dân bản Chang Chảo Pá, xã Hua Bum (huyện Nậm Nhùn) kiểm tra sự phát triển của thảo quả. Ảnh: Đinh Đông

Mong muốn chung của các hộ trồng thảo quả là chính quyền địa phương có cơ chế chính sách bao tiêu đầu ra cho sản phẩm thảo quả để bà con yên tâm gắn bó với loại cây dược liệu này.

Không chỉ mất mùa, thảo quả còn mất giá. Một trong những nguyên nhân chính là lượng thảo quả không xuất được qua Cửa khẩu Ma Lù Thàng do từ năm 2020 phía nước bạn không có nhu cầu nhập. Mặt khác, các thương lái hạ giá để có thể xuất đi sang nước bạn qua cửa khẩu ở các tỉnh khác vì phí vận chuyển khá cao. Thêm nữa, thảo quả mấy năm trước được trồng, nhân rộng ở các tỉnh Lào Cai, Sơn La, Hà Giang… dẫn đến tình trạng cạnh tranh tiêu thụ trên thị trường trong và ngoài nước.

Anh Chẻo Phủ Căng (ở bản Gia Khâu, xã Sì Lở Lầu) tâm sự: Gia đình tôi trồng được mấy nghìn mét vuông thảo quả. Thời điểm năm 2018, giá thảo quả 400.000-500.000 đồng/kg quả khô; năm đó gia đình tôi bán được hơn 50 triệu đồng. Thế nhưng năm nay, vừa mất mùa, giá thảo quả còn chưa đến 100.000 đồng/kg khô, vì vậy tôi để dành, lúc nào giá lên tôi mới bán. Bây giờ có bán cũng chẳng được bao nhiêu so với công sức bỏ ra từ thu hoạch, sấy khô cho đến vận chuyển từ trên rừng về dưới nhà qua nhiều đoạn đường vất vả, ngược dốc cao.

Xã Sin Suối Hồ có diện tích thảo quả lớn nhất huyện với 232ha. Năng suất bình quân đạt 2 tạ quả khô/ha. Thảo quả là cây trồng giúp người dân xóa đói giảm nghèo khi mang lại nguồn thu nhập cao. Ông Chẻo Quẩy Hòa - Chủ tịch UBND xã Sin Suối Hồ cho hay: "Nhiều hộ gia đình trông chờ vào nguồn thu từ thảo quả vì diện tích đất cấy lúa, trồng ngô chỉ đủ đảm bảo lương thực cho gia đình. Trong khi đó, có nhiều khoản phải chi tiêu, nhất là từ năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, bà con không thể đi làm thuê, nên không có thu nhập. Năm nay, thảo quả mất mùa, mất giá, thời điểm cao nhất thảo quả chỉ bán được với giá 120.000 đồng/kg quả khô; giảm 4 lần so với trước".

Vẫn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc

Dẫn chúng tôi đi xem những cây thảo quả trồng dưới tán rừng từ nhiều năm nay, ông Phùng Xò Hừ (dân xã Hua Bum, huyện Nậm Nhùn) cho hay: Năm 2000, tôi mua 50 gốc thảo quả giống và 2kg quả về ươm trồng thử nghiệm. Thấy cây thảo quả phát triển tốt, năm 2005, tôi tiếp tục trồng thêm 200 gốc nữa. Bây giờ, gia đình tôi đã có 3ha cây thảo quả cho thu hoạch. Vụ năm 2020, gia đình thu được hơn 2 tạ quả khô với giá bán dao động từ 110.000 - 130.000 đồng/kg, các thương lái ở xã Pa Tần (huyện Sìn Hồ) ra mua, thu về hơn 20 triệu đồng.

Tuy nhiên, những năm gần đây giá thảo quả thấp, không ổn định. Nguyên nhân là mua, bán thảo quả phụ thuộc vào tư thương và chủ yếu xuất sang thị trường Trung Quốc nên đã ảnh hưởng lớn đến thu nhập của người trồng thảo quả. Nếu như những năm trước giá bán 300.000 đồng/kg thảo quả khô thì vài năm trở lại đây giá thu mua đang ở mức hơn 100.000 đồng/kg.

Ông Pờ Ha Lòng - Phó Chủ tịch UBND xã Hua Bum cho biết: "Khắc phục tình trạng trên, thời gian tới, chính quyền địa phương xã Hua Bum tiếp tục đẩy mạnh việc hướng dẫn, hỗ trợ người dân về kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản sản phẩm sau thu hoạch. Kêu gọi và tạo thuận lợi cho các đơn vị, doanh nghiệp vào tìm hiểu, đầu tư chế biến thảo quả, từng bước hỗ trợ đầu ra cho người trồng thảo quả trên địa bàn xã nhằm góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho bà con".

Ông Pờ Ha Lòng cho biết thêm: Vấn đề tiêu thụ thảo quả đang được đặt ra khi thị trường thu mua phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc và rất bấp bênh. Đây cũng chỉ là mặt hàng nông sản được vận chuyển tiêu thụ qua đường tiểu ngạch, không mang lại doanh thu cho tỉnh. Mặt khác, khi thu hoạch thảo quả xong, bà con nông dân thường đào lò, sấy ngay tại rừng và phải chặt phá cây rừng làm củi với khối lượng lớn. Với những lý do nêu trên, tỉnh có chủ trương không mở rộng thêm diện tích trồng thảo quả mà chỉ trồng với tỷ lệ thích hợp. Có như thế, người dân mới vừa tham gia phát triển kinh tế, vừa giữ được rừng. 

Vân Nhi