Chủ nhân của cơ sở du lịch này là vợ chồng anh Trần Văn Quý và chị Nguyễn Thị Nhất, mới bước qua tuổi 30…
Cơ duyên từ chai bia lạnh
Làng Bồng Lai nằm sát nách Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha – Kẻ Bàng. Đúng như tên gọi của mình, làng Bồng Lai có không khí trong lành, phong cảnh đẹp như chốn bồng lai tiên cảnh được tạo nên bởi núi cao, sông lượn. Làng Bồng Lai đẹp, ngặt nỗi không có đất ruộng để sản xuất, nên bao thế hệ người làng lớn lên đều lấy việc… phá rừng làm nghiệp mưu sinh.
Anh Quý tự nuôi gà để phục vụ món gà nướng cho du khách. Ảnh: P.B
Cũng giống như bao thanh niên khác trong làng, Trần Văn Quý chưa kịp lớn đã phải vác cưa vào rừng kiếm sống. Quý kể, nhà anh đông người, mẹ anh chẳng may mất sớm nên học chưa hết lớp 7, anh đã phải bỏ học theo cha vào rừng đốn gỗ bán lấy tiền nuôi em. Thế nhưng “rừng rú” ngày càng cạn kiệt, sức khỏe của bố anh cũng yếu dần vì lao động quá sức. Cuộc sống của gia đình anh ngày càng khó khăn…
Năm 2007, anh Quý lập gia đình với chị Nhất. Gia đình 2 bên đều nghèo nên vợ chồng anh được bố mẹ cho ra ở riêng với chỉ một mái nhà tranh dựng tạm ở lưng chừng một ngọn đồi. Để nuôi sống gia đình, anh Quý vẫn phải tiếp tục với nghiệp “lâm tặc” của mình, còn chị Nhất thì ở nhà trông con và mở một quán nhỏ trước nhà bán tạp hóa cho người trong làng. Cuộc sống cứ thế đắp đổi qua ngày. Cho đến một ngày, một cơ duyên nhỏ đã đến và làm thay đổi cuộc sống của vợ chồng người nông dân trẻ này.
Chị Nhất kể, một ngày mùa hè năm 2008, trời Quảng Bình nắng như đổ lửa, một nhóm du khách nước ngoài đi du lịch trong rừng Phong Nha trở về, đi qua quán nhỏ của chị, họ thấy những người đàn ông trong làng ngồi uống bia trước hiên, nên dừng lại vào mua vài chai bia. Do không biết tiếng nước ngoài, chị Nhất giao dịch với họ bằng ký hiệu.
Thấy một người đàn ông trong đoàn chỉ vào chai bia, chị Nhất lấy một chai bia, một cái ly và một ít đá lạnh đưa cho ông ấy, nhưng ông ấy xua tay: No, no (không). Chị Nhất không hiểu ông ta nói gì, nhưng thấy ông ấy xua tay, chị biết là họ không dùng. Chị lại lấy chai bia được làm lạnh trong thùng đá của những người trong làng đang uống đưa lên và người đàn ông ngoại quốc gật đầu, miệng cười rất tươi. Đó là lần đầu tiên trong đời chị Nhất bán bia cho người nước ngoài mà không hề biết tiếng của họ.
Sau đoàn khách đó, buổi chiều lại có một đoàn khách nước ngoài khác đi qua. Lần này trong đoàn có một người biết nói tiếng Việt, nhớ lại chuyện hồi sáng, chị Nhất mạnh dạn hỏi anh biết tiếng Việt là bia lạnh viết như thế nào? Anh du khách biết tiếng Việt đó nhiệt tình viết vào miếng giấy cho chị Nhất cụm từ: The pub with cold beer. “Ngay hôm đó tôi lấy than viết lên tấm gỗ cụm từ đó treo ở trước nhà. Từ đó, đoàn khách nước ngoài nào đi qua đây, đọc được cũng dừng lại uống bia lạnh. Chừ nghĩ lại tôi còn thấy rất vui. Nếu khi đó mà tôi không nhanh trí, thì chừ chưa chắc đã có cái cơ sở du lịch nhỏ này” - chị Nhất cười hiền.
Nổi tiếng tận trời Tây
Không may mắn được học hành bài bản, nhưng nhờ sự thông minh, khéo léo và tinh thần ham học hỏi, anh Quý và chị Nhất đã không dừng lại ở việc bán bia lạnh cho khách nước ngoài. Từ năm 2010, anh Quý chính thức đoạn tuyệt với nghề đi rừng, cùng vợ đầu tư mở rộng cơ sở du lịch. Đầu tiên, anh chị mở rộng quán ăn.
Ngoài bia lạnh, vợ chồng anh còn phục vụ thức ăn, chủ yếu là những món ăn dân dã mà gia đình tự làm được như gà nướng, lạc rang, rau sạch… Tiếp đó, anh vay vốn để mở homestay cho khách lưu trú qua đêm. “Khách du lịch rất thích các món ăn dân dã địa phương. Vợ chồng tôi có sẵn gà tự nuôi, rau tự trồng và mua của những nhà xung quanh nên chỉ mất khoảng 30 phút du khách đã có thể thưởng thức đặc sản “cây nhà lá vườn” vừa ngon vừa sạch” – anh Quý nói.
Vợ chồng anh Quý cho biết, khách du lịch tìm đến cơ sở du lịch của anh chị ngày càng đông. Họ đến từ rất nhiều quốc gia trên thế giới như Anh, Úc, Pháp, Mỹ, Canada… Họ đến cơ sở của anh chị nếu không lưu trú thì cũng thưởng thức món gà nướng mọi và uống bia lạnh. Nhờ đó bình quân mỗi tháng cơ sở của anh chị tiêu thụ trên 300 con gà, hàng tấn rau sạch… do anh chị tự nuôi, trồng. Hàng năm trừ chi phí anh chị lãi 300-400 triệu đồng.
“Với khách du lịch, đặc biệt là khách nước ngoài, thái độ phục vụ là điều quan trọng nhất. Khi họ đến với cơ sở của mình thì mình phải luôn vui vẻ, hoà đồng, thân thiện. Giá cả thì cứ tính bình dân thôi. Sau khi họ trở về, những cảm nhận tích cực của họ viết trên blog, facebook nên bạn bè của họ nếu có đi du lịch tại Quảng Bình đều ghé quán vợ chồng tôi”- chị Nhất chia sẻ bí quyết kinh doanh của gia đình mình.
“Hữu xạ tự nhiên hương”, nhờ những món ăn dân dã và cách phục vụ thân thiện, rất nông dân của mình và chính những vị khách nước ngoài sau khi trở về nước đã viết, truyền bá cho cơ sở du lịch của vợ chồng anh Quý. Alison Alison - một khách du lịch người Anh đã chia sẻ cảm xúc của mình trên nhật báo danh tiếng của Anh - The Guardian (Người bảo vệ). Cô miêu tả về món ăn của vợ chồng Quý bằng cụm từ “thích đến chết với món ăn tuyệt vời này” hay "gà nướng bên cạnh ly bia lạnh là tuyệt nhất trần đời".
Theo đó, khi đến Phong Nha- Kẻ Bàng du lịch, Alison đã chọn cơ sở du lịch của vợ chồng Quý để ăn cơm. Alison đã rất cẩn thận khi đặt ra cho vợ chồng Quý nhiều câu hỏi về nguồn gốc món ăn trước khi gọi.
Để chiều lòng cô, vợ chồng Quý đã cho Alison vào tận vườn chọn bắt một con gà và vui vẻ hướng dẫn Alison làm món gà nướng... Sau khoảng 45 phút thì chúng được bê lên mâm bên cạnh đồ chấm, một đĩa rau muống xào, cơm trắng và thêm một chai bia lạnh. Đó đã trở thành một bữa ăn để đời với Alison.
Cơ sở du lịch của vợ chồng anh Quý chưa phải là lớn. Nhưng trong câu chuyện với chúng tôi, vợ chồng anh tiết lộ rất nhiều ấp ủ, dự định cho tương lai: “Trước mắt, vợ chồng em đăng ký đi học ngoại ngữ, học thêm các lớp nấu ăn để phục vụ du khách tốt hơn. Bọn em cũng đang liên kết với nhiều nông dân khác trong làng, trong vùng cùng làm tour, tuyến để hỗ trợ lẫn nhau trong phát triển du lịch cộng đồng…” – anh Quý chia sẻ.
Bạn đọc muốn học hỏi kinh nghiệm làm du lịch của vợ chồng anh Quý, liên hệ số điện thoại: 01697428778. Địa chỉ: Thôn 1 Bồng Lai, xã Hưng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình.