PGS-TS Lê Quỳnh Mai – Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư đã chia sẻ hạnh phúc: “Vào 9h40 sáng ngày 7/2, khi nhìn thấy dưới kính hiển vi hình con virus sống động, hình như chiếc vương miện giống như mô tả trong y văn về con nCoV, chúng tôi đã vỡ òa sung sướng. Đương nhiên có được thành quả này không phải dễ dàng mà là quá trình tích luỹ trong thời gian rất dài. Quy trình này đã thực hiện từ các vụ dịch lớn trước đó như SARS, cúm A/H1N1, H5N1.... Nhưng chúng tôi cũng không thể ngờ lại có kết quả nhanh đến vậy”.
Hiện Việt Nam là một trong số ít quốc gia thành công trong phân lập chủng mới virus Corona mới có nguồn gốc từ Vũ Hán (Trung Quốc).
Theo PGS Mai, chủng mới virus Corona (nCoV) được phân lập dựa trên mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân dương tính với nCoV tại Việt Nam. Đã có 9 mẫu bệnh phẩm dương tính được lựa chọn. Bằng kinh nghiệm và cảm quan, nhóm nghiên cứu đã lựa chọn 2 bệnh phẩm và nuôi cấy trên 2 mẫu tế bào được cung cấp bởi phòng thí nghiệm của Trường đại học Nagasaki (Nhật Bản). Chỉ sau 72 giờ nghiên cứu, phân lập, các nhà khoa học Việt Nam đã nhìn thấy được con virus Corona "nhảy múa" dưới kính hiển vi.
“Việc nuôi cấy một virus có độ ổn định chưa rõ như 2019-nCoV là rất khó. Để thành công trong nuôi cấy virus, chúng ta còn phải lựa chọn tế bào cảm nhiễm phù hợp cho virus phát triển và nhân lên. Nếu tế bào sử dụng cho nuôi cấy không phù hợp, virus có thể tiêu diệt luôn tế bào đó với tốc độ cao hoặc virus không thể nhân lên được.
Vì vậy bí quyết về chọn loại tế bào phù hợp và quy trình nuôi cấy cho virus nhân lên đôi khi bị giữ lại phục vụ cho mục đích nghiên cứu mà không chia sẻ nên các nhóm nghiên cứu khác không thể phát triển được. Việt Nam rất may mắn có được kinh nghiệm cũng như được chia sẻ kinh nghiệm từ các nước nên đã thành công phân lập được virus”- PGS Mai phân tích thêm.
Đánh giá về thành công này, GS.TS GS-TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện vệ sinh dịch tễ T.Ư khẳng định, với việc phân lập và nuôi cấy thành công nCoV, Việt Nam sẽ có mẫu đối chứng kết quả bệnh phẩm dương tính, khi đó việc xét nghiệm sẽ nhanh hơn, cho kết quả chính xác hơn.
Ngoài ra, điều này mở ra cơ hội giúp Việt Nam chủ động trong việc sản xuất bộ sinh phẩm xét nghiệm chuẩn đoán ca bệnh dương tính nCoV, tạo điều kiện cho việc xét nghiệm nhanh các trường hợp nhiễm và nghi nhiễm nCoV.
“Đây cũng là tiền đề cho việc nghiên cứu độc lực virus, phát triển vắc xin phòng chống loại virus này trong tương lai và giúp cho việc đưa ra các biện pháp dự phòng hiệu quả hơn” – GS Đức Anh nói.
Nói về khả năng sản xuất vắc xin phòng nCoV trong tương lai, PSG Mai cũng cho rằng: “Hệ thống nuôi và khuếch đại virus rất quan trọng trong nghiên cứu, chẩn đoán và sản xuất vắc xin. Tại Việt nam, các kinh nghiệm nghiên cứu lựa chọn chủng vắc xin, hệ thống nuôi cấy và và phát triển, sản xuất vắc xin trong nước đã được quốc tế ghi nhận với nhiều thành công, vì vậy chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng trong tương lai gần sẽ có vắc xin phòng chống nCoV”.
Trước đó, Việt Nam cũng đã phân lập được virus cúm gia cầm H5N1 và cũng đã phát triển vắc xin ngừa cúm gia cầm trên người.