Từ thời buôn rau, củ…
Có dịp trò chuyện với người dân xã Đông Quang, chúng tôi được nghe khá nhiều người dân trong xã khen ngợi ông Nguyễn Văn Đoan là tỷ phú hiếm có ở đất Ba Vì, bởi ông không chỉ chuyên nghiệp trong sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi mà còn rất giỏi trong lĩnh vực sản xuất vật liệu gạch xây dựng.
Ông Đoan đang chăm sóc đàn vịt của gia đình
Ban đầu nghe chúng tôi cũng thấy khó tin, nhưng khi được “mục sở thị” trang trại chăn nuôi tổng hợp của gia đình ông Đoan và nghe ông kể về thành tích của mình, chúng tôi thực sự bị thuyết phục. Với tổng diện tích đất, mặt nước gần 6ha, ông quy hoạch rất bài bản từ chuồng trại chăn nuôi lợn đến đầm nước nuôi cá, thả vịt…, mỗi năm doanh thu từ trang trại đạt tới 10 tỷ đồng.
Dẫn chúng tôi đi tham quan trong trại, ông Đoan cho biết mình sinh năm 1957. Năm 1976, ông Đoan nhập ngũ và đóng quân ở nhiều đơn vị. Năm 1981, hoàn thành nghĩa vụ ông trở về quê hương lập gia đình. “Ngày cưới, cả hai bên nội, ngoại cũng nghèo nên không có gì cho, vợ chồng tôi phải tự thân vận động, đi lên bằng hai bàn tay trắng” – ông Đoan nhớ lại.
Sau nhiều năm chăm chỉ làm ruộng và dành dụm được ít vốn, vợ chồng ông đi khắp nơi buôn bán rau, củ. Ông Đoan cho biết, mặc dù mới vào nghề buôn rau củ nhưng ông đã nhanh chóng nổi tiếng “mát tay”. Mỗi chuyến đi vợ chồng ông lãi trên dưới 10 triệu đồng là bình thường. Ông Doan cho biết thêm, sau hơn 3 năm buôn bán, chúng tôi nhận thấy công việc ngày càng khó khăn vì có nhiều người “nhảy” vào lĩnh vực này, khiến thu nhập bị giảm dần. Ông Đoan bàn với vợ bỏ nghề buôn rau, chuyển sang chăn nuôi lợn, vịt.
Ông Đoan cho biết: “Mới đầu ít vốn nên tôi cũng chỉ dám mua vài chục vịt đẻ và dăm con lợn về nuôi vừa để thử nghiệm thôi. Đến năm 1988, xã có chủ trương cho thuê, khoán ao, đầm để phát triển kinh tế trang trại, tôi quyết định vay tiền ngân hàng đầu tư thuê 5,7ha đất ao, đầm. Thời gian đầu mới nhận ruộng cũng gặp nhiều khó khăn vì hai bên gia đình và bạn bè, hàng xóm đều phản đối, không cho làm vì cho rằng đất khu ao đầm này vừa xấu, vừa dữ. Nhưng tôi bỏ ngoài tai tất cả, vẫn quyết định thuê làm với hi vọng đất sẽ không phụ công người” – ông Đoan kể.
Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, vợ chồng ông cặm cụi phát cây, cối, cải tạo ao đầm. Cải tạo tới đâu, vợ chồng ông trồng chuối và thả cá xuống các vùng đầm tới đó. Ông Đoan bảo: “Hồi ấy, do nước nhiễm phèn chua nặng nên cứ thả cá là cá chết, gà nuôi được con nào thì cũng bị don, cáo bắt ăn thịt thành ra cũng nản lắm. Nặng nhất là năm 2008, lũ về quá nhanh cuốn trôi hết toàn bộ tài sản, thiệt hại lên đến hàng tỷ đồng. Trắng tay, vợ tôi cứ khóc lên khóc xuống khiến tôi càng lo hơn” – ông Đoan kể.
“Lúc bình tâm lại, tôi chỉ nghĩ, mình từng vượt qua lửa đạn khắc nhiệt của chiến tranh, giờ về làm kinh tế chẳng lẽ lại chịu thua thì thật không đáng, vì vậy tôi vẫn kiên cường chống chọi, quyết đi lên làm lại từ đầu” – ông Đoan nhớ lại.
Nghĩ là làm, ông Đoan mang hết tài sản có giá trị trong nhà từ tivi, giường tủ… đi cầm cố, bán để lấy tiền tiếp tục đầu tư vào xây dựng trang trại chăn nuôi. Đầu năm 2010, ông Đoan thả nuôi 1 tấn cá giống và 2.000 vịt thịt, cùng 100 lợn giống siêu nạc. Rút kinh nghiệm từ những lần thất bại trước, lần này ông đầu tư xây dựng ao, đầm, chuồng trại bài bản hơn. Đặc biệt ông xây dựng hệ thống rào, bờ bao rất vững chắc. Cùng với đó, vợ chồng ông thường xuyên đi thăm quan các trang trại chăn nuôi trong và ngoài Hà Nội để học hỏi kỹ thuật mới về áp dụng. “Khi đó, chúng tôi xem tivi thấy giới thiệu trang trại nào hay là tìm bắt xe khách đến tận nơi tham quan, học hỏi kinh nghiệm mà không thấy mệt” – ông Đoan chia sẻ.
Tỷ phú “đa con”
Trời không phụ công người. Sau 1 năm chăn nuôi, gia đình ông đã gặt hái được thành công với nguồn thu “khủng” từ bán cá, lợn, vịt, sau khi trừ chi phí vợ chồng ông mừng đến chảy nước mắt vì con số tiền lãi lên tới hàng tỷ đồng. Không chỉ đủ để trả nợ mà vợ chồng ông còn có vốn để làm ăn tiếp.
Tiếp đà thành công, năm 2012, ông Đoan tiếp tục đầu tư gần 1 tỷ đồng vào xây dựng chuồng trại, cải tạo ao đầm và thả nuôi 3 tấn cá giống, chủ yếu là cá truyền thống như trôi, trắm, chép..., đồng thời duy trì chăn nuôi trên 1.000 lợn giống, thịt siêu nạc.
Ông Đoan đang kiểm tra trang trại lợn
Càng đầu tư lớn, ông Đoan càng thắng lớn. Từ năm 2013 đến nay, trung bình mỗi năm, gia đình ông xuất bán ra thị trường khoảng 30 tấn cá các loại, cộng với 120 - 150 tấn lợn siêu nạc và hơn 10 tấn vịt thịt, tổng doanh thu trên dưới 10 tỷ đồng.
Ngoài ra việc chăn nuôi, kinh doanh trang trại tổng hợp, ông Đoan còn được biết đến là một trong 3 chủ cơ sở sản xuất gạch xây dựng chất lượng cao rất thành công ở Đông Quang, với nguồn thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm. Nhờ làm trang trại, sản xuất gạch, gia đình ông Đoan đang tạo công ăn việc làm thường xuyên cho từ 20 - 40 lao động địa phương với mức lương từ 3 triệu đồng đến trên 5 triệu đồng/người/tháng.
Với những thành tích nổi bật đó, ông Nguyễn Văn Đoan đã nhận được nhiều giấy khen, bằng khen của huyện và thành phố Hà Nội và T.Ư. Đặc biệt, năm 2014, ông Đoan được T.Ư Hội ND Việt Nam Vinh danh là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi toàn quốc.
Chia sẻ về bí quyết thành công, ông Đoan bảo: “Kinh nghiệm sống còn trong chăn nuôi thời buổi này là phải phòng dịch bệnh tốt. Đối với các chuồng nuôi lợn phải xây dựng sao cho thoáng mát vào mùa hè, đủ ấm vào mùa đông. Đặc biệt, đàn lợn giống luôn phải tiêm thuốc phòng dịch cẩn thận và có chế độ ăn uống hợp lý mới nhanh lớn và có giá trị thịt cao”.
Về chăn nuôi cá ao, đầm, ông Đoan cho rằng: Mỗi chủ trại cá có bí quyết riêng của mình, song khâu quan trọng nhất vẫn phải là xây dựng bờ bao cao, vững chắc tránh và an toàn khi có lũ. Trong ao luôn phải cân đối lượng cá và mực nước sao cho hợp lý thì cá mới nhanh lớn. Ngoài ra, thức ăn cho cá cũng phải luôn thay đổi gồm cả cám công nghiệp, cỏ, và phân từ chăn nuôi lợn, vịt...