dd/mm/yyyy

Tuyệt kỹ của lão nông bắt cây cho hơn 10 loại quả

Mặc dù không qua bất kỳ trường lớp nào về trồng trọt, nhưng ông Lê Đức Giáp ở xóm Bãi, xã Cao Viên, Hà Nội đã tự tìm tòi và ghép thành công loại cây có nhiều loại quả khác nhau, khiến các nhà khoa học cũng như giới chơi cây thán phục.

Phóng viên Trang Trại Việt đã có cuộc trò chuyện với ông Lê Đức Giáp về nghiệp làm cây đầy kỳ lạ này.
Từ ý tưởng điên rồ…
Cơ duyên nào đã thôi thúc ông sáng tạo ra loại cây “đẻ” nhiều loại quả này, thưa ông?
Trước đây, gia đình tôi làm nông nghiệp, nhưng một thời gian sau nhà nước cấm sản xuất pháo nên gia đình lâm vào cảnh khó khăn, phải chạy ăn từng bữa. Mất nghề truyền thống, tôi làm hết nghề này đến nghề khác, rồi quyết định gắn bó lâu dài với việc buôn bán hoa quả. Tuy nhiên, cuộc sống gia đình vẫn không được cải thiện, nhà lại đông con, điều này càng thôi thúc tôi tìm cách thoát nghèo.


“Cái khó ló cái khôn”, trong một lần sang huyện Văn Giang (Hưng Yên) mua hoa quả, tôi thấy thấy các gia đình ở đây đều trồng cam Canh, hiệu quả kinh tế khá cao, trong khi đó đất xóm Bãi quê tôi vẫn còn rộng mênh mông, tại sao lại không làm? Dù gia đình ngăn cản rất nhiều, nhưng đầu năm 2000, tôi quyết tâm cải tạo toàn bộ diện tích đất vườn 1.000m2 để trồng cam Canh. Sự khó khăn ngay lập tức ập đến, do chất đất trong vườn nhà tôi hơi chua và có độ kiềm cao nên cây cam kém phát triển. Lúc ấy tôi lại quay về Văn Giang đến các vườn cam tìm hiểu, rồi đọc thêm sách báo, sau đó tìm ra giải pháp giảm độ pH cho đất bằng cách rải vôi, tro. Nhờ đó, cây cam đã hồi sinh và phát triển mạnh, ngay vụ đầu tiên gia đình đã thu lãi hơn 20 triệu đồng.
Thấy có lãi, tôi mạnh dạn mở rộng diện tích trồng cam và đến nay, năm nào tôi cũng thu về hàng chục triệu đồng. Bình thường cây cam sau 4 năm mới cho quả bói, nhưng vườn cam của tôi sau 1 năm đã cho quả. Để làm được điều “thần kỳ” đó, tôi dùng dao tiện vào thân cây với độ sâu hợp lý, điều này gây ảnh hưởng nhất định tới việc trao đổi chất của cây, khiến cây phát triển trái với tự nhiên, từ đó ra hoa đậu quả theo ý muốn người trồng.
Nhiều người dùng dao tiện một lần cho cây ra hoa và quả là không đúng, tôi thực hiện 2-3 lần. Như thế cây có thể héo nhưng không bị rụng lá và vẫn ra hoa theo ý muốn. Phải nhớ rằng, cây rụng lá thì sẽ ít quả. Trong quá trình làm vườn, tôi phát hiện ra rằng ở các quả có múi, thành phần dinh dưỡng nuôi quả giống nhau nên khi ghép cam, chanh, phật thủ vào cây bưởi, chúng thích nghi rất nhanh. Tuy nhiên, năm đầu tiên thử nghiệm ghép cây ngũ quả (5 loại quả trên 1 cây), tôi đã thất bại. Hồi đó là vào độ tháng Giêng, cây ngũ quả (ghép gốc bưởi với mắt cành cam, quýt, chanh, quất ra hoa rất sai, nhưng cuối năm cây chỉ đậu 2 – 3 loại quả.

Toàn cảnh vườn cây ngũ, thất, 10 loại quả của vườn của ông Giáp. Trần Quang

Thông thường khi cải tạo giống, người ta chỉ ghép 1 hay 2 loại cây cùng họ với nhau như ghép mắt, cành bưởi Diễn với bưởi thường, nhưng ông lại ghép nhiều loại quả lên 1 cây như thế, ông không thấy mình liều sao?
Khi bắt tay vào thử nghiệm, nhiều người thân, kể cả hàng xóm ai cũng bảo đầu óc tôi có vấn đề, “bị điên”, tự nhiên đi làm kiểu khác người, ghép nhiều loại quả trên một cây như thế thất bại là chắc chắn, mà dù có ghép được thì ai mua? Nhưng lúc đó tôi chỉ nghĩ, là người nông dân trong thời đại này mà không tìm được lối đi riêng, không sáng tạo ra giống cây mới thì khó có thể cạnh tranh được với nhau. Người nào không chịu tìm tòi tất yếu sẽ bị tụt hậu nên tôi vẫn quyết tâm làm cho bằng được, và cuối cùng tôi đã thành công.
...Đến tỷ phú cây nhiều quả
Hiện cây ngũ, thất quả của ông đã được khách hàng trong cả nước biết đến, nhưng rất ít người biết về kỹ thuật làm ra loại cây này, ông có thể chia sẻ kinh nghiệm của mình với bạn đọc?
Rút kinh nghiệm sau nhiều lần thất bại, cuối năm 2009 tôi đã lựa theo đặc tính của mỗi loại cây để chọn tháng trong năm tiến hành ghép cho phù hợp. Ví như, cây bưởi Diễn hoặc cây cam Canh có bộ rễ chùm khỏe, không bị sâu bệnh, vào tháng 5 là thời điểm thích hợp để ghép bưởi Diễn, tháng 6 ghép cam Canh và quýt, tháng 9 ghép quất, tháng 10 ghép phật thủ. Với cách làm này, tôi đã có những cây ngũ quả chín cùng lúc vào dịp Tết Nguyên đán.
Nói thì đơn giản, nhưng để có được cây ngũ quả đẹp, người làm phải biết chọn những cành ghép chuẩn, đặc biệt là quả chọn ghép phải đẹp, có sức sống thì khi ghép vào cây chính, quả mới phát triển và chín đúng tết theo ý muốn. Đặc biệt, ngoài thông thạo kỹ thuật ghép, người làm cũng phải có con mắt thẩm mỹ để bố trí các quả trên cây sao cho đẹp, nhìn góc nào cũng thấy rực rỡ.
Một điều quan trọng nữa là người làm cây phải có vốn văn hóa sâu rộng, để tính toán lượng quả trên cây sao cho hợp lý, phù hợp với phong tục, tập quán của người Việt. Từ xưa đến nay người Việt ta thích số lẻ và cho rằng số lẻ sẽ đem lại may mắn, tài lộc, vì thế số quả trên mỗi cây trong vườn nhà tôi đều là số lẻ. Cây nhỏ thì thường có 3 quả cam, 3 quả phật thủ, 3 quả quất, 3 quả quýt, 5 – 7 quả bưởi. Cây to thì số quả mỗi loại sẽ nhiều hơn.
Điểm đặc biệt là tuy 5 loại quả cùng ghép trên một thân cây, nhưng vẫn giữ được hương vị đặc trưng của từng loại.
Mặc dù đã ghép thành công cây ngũ quả, nhưng năm đầu 2009 tôi vẫn chưa tìm được nơi tiêu thụ. Vì vậy, tôi đã đem toàn bộ số cây tặng hoặc bán rẻ cho bà con họ hàng. Thật may là năm đó quê tôi mở hội làng (5 năm tổ chức 1 lần) nên bạn bè từ các nơi về dự hội đã tận mắt thấy cây ngũ quả đặc biệt này. Vậy là từ năm 2010 đến nay, ghép được bao nhiêu cây tôi đều bán hết, thu lãi ngót 1 tỷ đồng.

Năm 2016, ông Giáp đã sáng tạo ghép thêm cây 10 loại quả và làm khuôn in hình tài, lộc; phát lên quả bưởi để phục vụ đa dạng nhu cầu của khách hàng. Trần Quang

Năm 2016, ông đã đưa ra thị trường cây 10 loại quả, ông có thể chia sẻ một chút về loại cây này?
Dịp Tết Nguyên đán, ngoài gần 200 cây ngũ quả, thất quả, tôi đã mạnh dạn giới thiệu thêm sản phẩm mới là cây loại 10 quả với khoảng 50 cây. Theo đó, trên một cây sẽ có các loại quả như: bưởi Hoàng, bưởi Diễn, bưởi da xanh, phật thủ, quýt, cam đường Canh, cam Vinh, quất, chanh, chanh đào.
Nếu cây 5 loại quả tượng trưng cho mâm ngũ quả để thờ cúng ngày tết, cây 7 quả thể hiện sự hoà hợp, gắn bó, sum vầy thì cây 10 loại quả nghĩa là “thập toàn thập mỹ”, nhằm phục vụ nhu cầu đa đạng của khách chơi cây. Để đáp ứng nhiều đối tượng khách hàng, vườn nhà tôi cũng có đủ loại cây từ bình dân cho đến hàng “khủng”. Cây to, đẹp giá từ 2 – 20 triệu đồng/cây, cây nhỏ từ 300.000 đồng đến 2 triệu đồng/cây. Riêng với cây 10 quả, hay cây có bưởi hình tài, lộc, phát tuy làm cầu kỳ hơn nhưng giá bán cũng chỉ từ 500.000 đến trên 1 triệu đồng/cây.
Được biết, ông là “cha đẻ” của loại cây nhiều quả này nhưng đến nay ông vẫn chưa đăng ký bản quyền với Cục Sở hữu trí tuệ, ông có sợ bị mất bản quyền không?
Tôi cũng là nông dân, do may mắn đã tìm ra được cây trồng tốt, vì thế tôi không sợ bị mất bản quyền mà sẵn sàng chia sẻ kỹ thuật ghép cây ngũ quả cho những ai đam mê và khao khát làm giàu từ loại cây độc đáo này. Thực tế là trong mấy năm qua, tôi đã giúp hàng nghìn hộ không chỉ làm giàu bằng cây cam Canh, bưởi Diễn… mà còn giúp các hộ tiếp cận với phương pháp ghép, trồng ra cây nhiều loại quả này. Không ít hộ đã ghép thành công, như hộ anh Nguyễn Văn Tình ở thị trấn Cao Phong (Hòa Bình), anh Phạm Văn Thắng ở Chương Mỹ (Hà Nội)…
Trong thời gian tới, ông có ý định sẽ nghiên cứu đưa ra thị trường loại cây mới nào khác?
Năm nay để tạo sự khác biệt, tôi đã làm khuôn in chữ tài, lộc, phát lên quả bưởi để phục vụ nhu cầu của khách hàng, dự kiến sẽ bán với giá 6 - 10 triệu đồng/cây to, 2-3 triệu đồng/cây nhỏ và năm tới sẽ nghiên cứu tạo dáng cây 10 loại quả thành dáng bonsai.
Xin cảm ơn ông!

Trần Quang