dd/mm/yyyy

Từ 1.4, xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc phải truy xuất nguồn gốc

Từ ngày 1.4, doanh nghiệp xuất khẩu trái cây sang thị trường Trung Quốc phải tuân thủ các quy định về nhãn mác, xuất xứ.

Từ ngày 1.4, doanh nghiệp xuất khẩu trái cây sang thị trường Trung Quốc phải tuân thủ các quy định về nhãn mác, xuất xứ.

Vụ thị trường châu Á – châu Phi, Bộ Công thương vừa có thông tin yêu cầu các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây sang thị trường Trung Quốc cần tuân thủ các quy định về nhãn mác xuất xứ.

Theo Vụ Thị trường châu Á - châu Phi gần đây, qua phản ánh của các doanh nghiệp Trung Quốc nhập khẩu hoa quả từ Việt Nam, đơn vị này có nhận được thông tin về yêu cầu truy xuất nguồn gốc của cơ quan quản lý Quảng Tây đối với hoa quả xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc.

Yêu cầu này áp dụng đối với các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây vào Trung Quốc qua các cửa khẩu thuộc địa bàn tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc.

 tu 1.4, xuat khau trai cay sang trung quoc phai truy xuat nguon goc hinh anh 1

Từ 1.4, xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc phải tuân thủ các yêu cầu về truy xuất nguồn gốc. Ảnh: Thuận Hải

TS Võ Mai - Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam cũng cho rằng, dân số Trung Quốc ngày càng đông nên nhu cầu về lương thực, thực phẩm tăng cao. Một số sản phẩm trái cây Việt Nam được xem như là “hàng cao cấp” ở Trung Quốc do chất lượng ngon, giá tốt như chuối, vải thiều, thanh long, mít... hay gần đây là trái chanh dây. Do đó, doanh nghiệp và cơ quan chức năng cần tìm hiểu kỹ thị trường và tuân thủ các yêu cầu của cơ quan chức năng Trung Quốc nhằm tránh các trường hợp bị trả hàng về hoặc bị cấm xuất khẩu.  

Cụ thể, từ ngày 1.4, các doanh nghiệp Trung Quốc nhập khẩu hoa quả từ Việt Nam khi làm thủ tục xin “Giấy phép kiểm dịch động thực vật nhập khẩu” tại cơ quan quản lý kiểm nghiệm, kiểm dịch nhập khẩu Quảng Tây cần cung cấp thêm “hình ảnh chụp bao bì chứa thông tin truy xuất nguồn gốc chất lượng sản phẩm”.

Thông tin bao gồm tên sản phẩm hoa quả, nguồn gốc xuất xứ, tên hoặc mã số nhà xưởng đóng gói bằng tiếng Trung hoặc tiếng Anh. Doanh nghiệp có thể dán thêm nhãn để bổ sung các thông tin kể trên đồng thời có mã vạch, QR code hoặc tem chống hàng giả để có thể kiểm tra bất cứ lúc nào.

Trung Quốc hiện là thị trường chính của trái cây Việt Nam. Tuy nhiên, các sản phẩm chủ yếu được đưa vào thị trường này qua đường biên mậu, tiểu ngạch. Sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là xuất thô, giá trị thấp.

Mới đây, tại cuộc họp về “Thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu trái cây” do Bộ NNPTNT tổ chức tại Tiền Giang, các chuyên gia cho rằng, trái cây Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc chủ yếu qua 2 tỉnh Quảng Tây và Vân Nam, trước khi chuyển đi tiêu thụ trên phạm vi rộng hơn.

Theo Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc, trái cây nhập khẩu cơ bản được hưởng thuế suất 0%, nhưng để mở cửa thị trường, cơ quan quản lý 2 nước phải hoàn tất thủ tục đăng ký và đánh giá rủi ro theo quy định của Trung Quốc.

 tu 1.4, xuat khau trai cay sang trung quoc phai truy xuat nguon goc hinh anh 2

Trung Quốc là thị trường lớn của trái cây Việt Nam. Ảnh: Thuận Hải.

Ông Võ Quan Huy – Giám đốc Công ty Huy Long An (tỉnh Long An), cho rằng, Việt Nam không thể bỏ qua thị trường Trung Quốc mà phải xem đây là thị trường béo bở, vì nhu cầu nhập khẩu nông sản, thực phẩm ngày càng tăng.

Tuy nhiên, doanh nghiệp phải “hiểu thị trường” thì mới có thể tận dụng và phát triển được các lợi thế như gần đường biên mậu, dễ dãi hơn trong các tiêu chuẩn về chất lượng… Trung Quốc cũng đang ngày càng siết chặt các vấn đề về chất lượng cũng như tăng dần các yêu cầu về truy xuất nguồn gốc.  

  

Tuận Hải